Theo kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 do UBND Hà Nội ban hành, thành phố sẽ xây dựng lại 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D. Hộ dân còn ở lại trong các nhà tập thể cũ tại quận Ba Đình, Đống Đa thuộc cấp độ nguy hiểm sẽ được hoàn tất di dời trong quý I.
Khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2011, căn nhà số 49 bên cạnh từng đổ sập ảnh hưởng lớn đến khu tập thể này. Đến nay, nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng còn 4 hộ dân tại đơn nguyên 1 chưa di dời dù đã được bố trí quỹ nhà tạm cư.
Khu tập thể Bộ Tư pháp (ngõ 35 Kim Mã Thượng, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1990 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Khu nhà có 3 đơn nguyên thì có tới hai đơn nguyên 1 và 3 bị nghiêng lún tách rời khỏi đơn nguyên 2 khoảng cách hơn 1 m.
Khu tập thể được dán cảnh báo mức độ nguy hiểm không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường.
Khu nhà A thuộc tập thể Ngọc Khánh (Ba Đình) cũng nằm trong danh sách yêu cầu di dời. Với 4 khu chung cư tại quận Ba Đình, UBND thành phố giao Sở Xây dựng kiểm định, đánh giá thực trạng; UBND quận Ba Đình khảo sát, xác định số liệu hiện trạng làm cơ sở để nhà đầu tư lập đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời. Dự kiến, nhà chung cư cũ, nhà nguy hiểm cấp D phá dỡ trong quý III/2023.
Tại nhà A tập thể Ngọc Khánh, nhiều gia đình đã chuyển khỏi đây khiến không khí vắng lặng. Khu vực cầu thang trở thành nơi để đồ đạc ngổn ngang của một vài gia đình, xung quanh được gia cố chống đỡ bằng các thanh sắt.
Gia đình chị Thanh sinh sống nhiều năm trong căn hộ tầng 4 của nhà A tập thể Ngọc Khánh. Thuộc chung cư cấp D, khu nhà đến nay đã xập xệ trông thấy. Trên tường, nước mưa ngấm lại sau những trận mưa lớn tạo thành những vệt mốc loang dài. "Đợt nào mùa mưa dài ngày thì nhà dột hết, tôi phải căng bạt che để lấy chỗ ngủ. Mà đấy là nhà ở tầng 4 chứ tầng trên cùng chắc họ ướt hết", chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh không còn lạ khi thấy những vệt nứt dài phía cầu thang hay độ nghiêng thấy rõ của cả tòa nhà nếu đứng từ dưới sân nhìn lên. Chị cho biết đã rất nhiều lần phường tới vận động di dời, họp bàn chính sách nhưng rồi chưa thấy có gì thay đổi.
Tại khu C8 tập thể Giảng Võ (Ba Đình), dưới chân khu nhà, một vài hộ dân đã di dời tới khu tái định cư đến nay lại quay về để buôn bán. Trong khi phía trên nhà C8 ở đơn nguyên 3, 18 hộ chưa di dời.
Tập thể C8 Giảng Võ được xây dựng năm 1979, được chống đỡ bằng khung sắt cho cả 5 tầng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có khoảng 1.600 nhà chung cư cũ. Các chung cư này được xây dựng giai đoạn từ 1960 đến 1992, quy mô 2-5 tầng, kết cấu tường gạch, bê tông lắp ghép.
Ông Nguyễn Văn Thu sống trong căn hộ tầng 3 của nhà C8 từ năm 1983. Gần 10 năm trước, khu nhà được đánh giá xuống cấp nguy hiểm. Dù đã nhiều lần được mời lên phường để họp bàn phương án giải quyết, đến nay mọi việc vẫn nằm trên giấy tờ. Gia đình ông Thu cùng nhiều nhà khác tiếp tục ở lại. Năm nay, ông không ngần ngại sơn sửa dù đã hay tin thành phố chuẩn bị hoàn tất di dời khu nhà.
Ông Thu kể năm 2016, những hộ dân sinh sống trong khu C8 Giảng Võ được trưng cầu ý kiến, 90% đều đồng tình với việc xây chung cư mới, nhà thầu cũng đã được chỉ định. "Chúng tôi đồng ý di dời. Không có ai muốn sinh sống trong điều kiện hạn chế như này cả. Nhưng chúng tôi cần kế hoạch cụ thể, rõ ràng cả về việc đền bù thỏa đáng", ông Thu nói.
Cửa ngoài được khóa trái tại những hộ đã chuyển đi khỏi khu nhà cấp D để tới sống tại nhà tái định cư.
Nhiều căn nhà được bịt kín bằng tôn. Ngoài ban công, những hộ ở lại trồng rau hoặc chất đồ đạc.
Khung cảnh vắng lặng tại hành lang khi số lượng người dân còn ở lại không nhiều.
Với một số gia đình chưa di dời, nguyên nhân là khu nhà ở tạm cách quá xa trung tâm trong khi công việc của bố mẹ, học tập của con cái, giấy tờ... phụ thuộc nơi ở hiện tại.
Vắng người ở, các tập thể cũ tối om dù nằm ngay trên những trục đường chính của quận trung tâm Đống Đa, Ba Đình.
Việt Linh - Thạch Thảo