4 lần liên tiếp bị loan tin tử trận: Vì sao tướng Nga dễ gặp nguy hiểm ở Ukraine đến vậy?
Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Thiếu tướng Andrei Kolesnikov và Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, là 3 trong số 4 tướng Nga được phía Ukraine thông báo đã tử trận. Điện Kremlin mới chỉ xác nhận có 1 tướng tử vong nhưng không nêu rõ danh tính.
Vì sao tướng Nga dễ gặp nguy hiểm ở Ukraine?
Các quan chức phía Kiev cho biết 4 tướng Nga đã tử trận trong 3 tuần diễn ra chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cái chết của tướng Vitaly Gerasimov, tướng Andrei Kolesnikov, tướng Oleg Mityaev và tướng Andrei Sukhovetsky trên chiến trường đã được các quan chức Ukraine công bố và được một số báo chí Nga đưa tin, nhưng chưa có sự xác nhận từ Điện Kremlin.
Nếu là thông tin chính thức, đây sẽ được coi là tổn thất lớn đối với quân đội Nga. Họ đều là các tướng kỳ cựu từng tham gia vào các hoạt động ở Gruzia, Ukraine và Syria trong quá khứ, việc tìm người thay thế được cho là không phải dễ.
Dù chưa được xác nhận hoàn toàn từ phía Nga về thông tin trên, các nhà phân tích phương Tây vẫn đưa ra một số lý do cho thấy các tướng Nga dễ gặp nguy hiểm đến tính mạng ở Ukraine, bắt nguồn từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan trên chiến trường. Một trong số đó là việc các sĩ quan cấp cao của Nga thường xuyên đích thân ra trận.
"Trình độ cầm quân các chỉ huy đơn vị nhỏ của Nga không phải là tốt, như chính họ thừa nhận, đó là lý do tại sao bạn thấy các sĩ quan cấp tướng thường hay thân chinh ra chiến trường", Đại tá John "Buss" Barranco, thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ và là thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói với WSJ.
Do thông tin chi tiết về việc tướng lĩnh Nga tử trận hiện không được xác nhận chính thức, đầy đủ và rõ ràng - các sĩ quan và nhà phân tích phương Tây vẫn thận trọng trong việc khẳng định đây có phải là thành công đến từ Ukraine hay là sai lầm phần lớn đến từ phía Nga.
Các nhà phân tích cho hay, sự hiện diện của các vị tướng Nga trong cuộc xung đột nhiều rủi ro một phần đến từ truyền thống cho phép các tướng lĩnh không chỉ điều binh ra trận mà có quyền điều chỉnh chiến thuật trong những thời điểm chạm trán với kẻ thù.
"Quân đội Nga có kỷ luật và tính thống nhất đặt lên hàng đầu, trong đó tầng lớp sĩ quan đóng vai trò quan trọng. Quyết định của quân đội mang tính chất rất tập trung, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những người này xuất hiện ở tiền tuyến giao tranh", Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nêu quan điểm.
Ngược lại, quân đội Mỹ dựa vào nhiều sĩ quan cấp dưới hơn, với các sĩ quan cấp trung tá được đào tạo để có thể thay đổi chiến thuật trong trận chiến, trong khi vẫn liên lạc chặt chẽ với nhiều sĩ quan cấp cao hơn ở xa chiến trường.
Chỉ có một tướng Mỹ tử trận trong suốt nhiều thập kỷ qua, nguyên nhân là do một người lính Afghanistan tấn công.
Ở phía bên kia, các đơn vị Ukraine cũng đang phải đối mặt với hỏa lực dày đặc của quân đội Nga. Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên liệt kê số lượng xe tăng và xe bọc thép của Ukraine bị phá hủy - hiện tại là 1.353 - nhưng không đưa thông tin về các sĩ quan Ukraine tử vong.
Đội chuyên trách của Ukraine
Một đội chuyên trách trong lực lượng đặc nhiệm tình báo quân đội Ukraine đã được giao nhiệm vụ xác định vị trí và nhắm mục tiêu cụ thể vào nhóm tướng lĩnh cấp cao Nga, WSJ dẫn lời một nhân vật thân cận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ.
"Họ tìm kiếm các tướng lĩnh, phi công, chỉ huy pháo binh. Họ có tất cả thông tin chi tiết, tên, quân số của đối tượng", người này cho biết, nói thêm rằng các sĩ quan Nga sau đó bị nhắm mục tiêu bằng bắn tỉa hoặc pháo binh.
Nhóm sử dụng mọi phương pháp để xác định vị trí của các sĩ quan Nga, những người thường bị phát hiện do sử dụng hệ thống liên lạc vô tuyến không được mã hóa. Đội chuyên trách Ukraine sẽ đánh chặn tín hiệu, xác định vị trí sĩ quan cấp cao Nga trên bản đồ và hành động.
Các quan chức phương Tây cho biết, các cuộc huấn luyện, máy bay không người lái và vũ khí chống tăng của NATO cũng giúp Ukraine làm gián đoạn bước tiến của Nga và khiến các sĩ quan cấp cao của Nga gặp nguy hiểm.
Trong chiến tranh hiện đại, những người lính được dạy cách phá vỡ hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc của đối phương càng nhanh càng tốt.
Sam Cranny-Evans, nhà phân tích tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia cho biết, ngay cả khi phương tiện của các tướng lĩnh hoặc quân đội gần đó không bị nhắm mục tiêu trực tiếp, việc thiếu liên lạc vô tuyến hiệu cũng khiến vị tướng đi vô định trên chiến trường gặp nguy hiểm.