4 lần truyền ối giúp người mẹ giữ được thai 18 tuần
Qua thăm khám và điều trị ở nhiều nơi, tình trạng của chị M.T. không tiến triển, tới đâu chị cũng được khuyên nên đình chỉ thai nghén.
GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chia sẻ về những can thiệp bào thai ngành sản đã giúp cho nhiều thai phụ mẹ tròn con vuông.
GS.TS Nguyễn Duy Ánh cũng lấy ví dụ về chứng thiếu ối – hiện tượng thường gặp ở khoảng 5% thai phụ hiện nay. Ông cho biết, có ca chỉ cần truyền 1 lần, có ca phải truyền tới 2 - 3 lần. Đặc biệt mới đây, bác sĩ Ánh còn chỉ định truyền tới 4 lần cho thai phụ trẻ bị cạn sạch nước ối ở tuần thứ 18. Đó chính là chị M.T.
Một ca truyền ối vào buồng tử cung, cứu sống thai nhi.
Được biết, chị M.T. bị bong rau ngay khi biết tin mang thai 1 tháng. 3 tháng sau chị lại phát hiện thai nhi bị thiếu ối. Tình trạng thiếu ối này nếu không can thiệp, thai nhi sẽ bị hỏng toàn bộ hệ thống tiêu hóa, cứng khớp, dạ con co bóp đe dọa nguy cơ tử vong cho em bé ngay trong bụng mẹ.
Qua thăm khám và điều trị ở nhiều nơi, tình trạng của chị M.T. không tiến triển, tới đâu chị cũng được khuyên nên đình chỉ thai nghén. Vì thế, chị quyết định nhập viện Phụ sản Hà Nội.
Tại đây, các bác sĩ chỉ định truyền ối cho sản phụ cạn ối này. Nhưng sau 20 ngày nước ối lại cạn, và chị M.T. tiếp tục được chỉ định truyền lần 2. Gần 1 tháng sau đó, chị T. được truyền thêm 2 lần nữa.
Sau khi truyền ối lần 4, thai nhi tăng đều cân nặng mỗi tuần. Khi thai ở tuần 28, chị T. được chỉ định nhập viện mổ chủ động, tránh suy thai. Bé gái nặng 1,1kg chào đời, được đưa ngay vào Khoa Sơ sinh. Sau 1,5 tháng, bé tăng lên 2kg, khỏe mạnh, được xuất viện.
Từ trường hợp của thai phụ M.T. các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo, tại các cơ sở tuyến dưới khi phát hiện thai phụ có dấu hiệu bệnh, nếu không can thiệp được cần chuyển sớm đến tuyến trên để tăng cơ hội cứu sống mẹ và thai nhi.
Hiện tại với nhiều kỹ thuật can thiệp bào thai mới, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành có thể điều trị một số dị tật bẩm sinh khác cho thai nhi ngay khi ở trong bụng mẹ như thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, truyền máu thai thiếu máu, dẫn lưu dịch màng phổi, ứ nước bể thận...
Mục đích truyền ối cho thai phụ thiếu ối?
Nước ối là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, mục đích truyền ối cho thai phụ thiếu ối là đưa mức nước ối trở lại mức bình thường, giúp thai nhi tiếp tục phát triển, đồng thời tránh được những rủi ro có thể xảy ra do thiếu ối.
Truyền ối cho thai phụ thiếu ối phải được thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối để tránh gây nhiễm trùng nguy hiểm cho mẹ và bé. Đồng thời, kỹ năng đưa kim vào buồng ối phải được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và tay nghề chuyên môn cao vì nếu chỉ cần một sai sót nhỏ nhất cũng có thể khiến quá trình truyền ối thất bại.
Sau khi truyền ối cho thai phụ thiếu ối, các bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi thai phụ chặt chẽ cho đến khi mức nước ối trở về an toàn.
Thai phụ cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra đánh giá tình trạng thường xuyên, tránh để nước ối cạn đến mức báo động. (Ảnh minh họa)
Ngoài các trường hợp phải can thiệp truyền ối hoặc điều trị với bác sĩ chuyên khoa thì thai phụ thiếu ối hay cạn ối cũng có thể áp dụng những biện pháp sau để tăng lượng nước ối:
- Uống nhiều nước: Thai phụ phải đảm bảo uống đủ lượng nước mỗi ngày từ 1,5 - 2 lít nước, có thể uống nước cả ngày không cần chờ khát mới uống.
- Ăn trái cây có lượng nước lớn giúp thai phụ vừa bổ sung được lượng nước cần thiết mỗi ngày mà còn có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho thai nhi như dưa hấu, dâu tây, bưởi, dưa lưới, đào, cam, mơ, mận, táo, khế. Ngoài hoa quả, thai phụ có thể bổ sung nước bằng các loại rau củ mọng nước như dưa leo, cà chua, rau chân vịt, rau diếp, cần tây, bông cải xanh, cà rốt...
- Bên cạnh đó, thai phụ cần hạn chế hoặc không sử dụng các thực phẩm làm mất nước như cà phê, trà râu ngô và đặc biệt là rượu. Thai phụ nên điều chỉnh tư thế ngủ nghiêng về phía bên trái vì sự lưu thông máu của thai phụ sẽ tốt hơn sẽ khiến lượng nước ối được cải thiện.
- Theo đó, thai phụ thiếu ối được khuyên tập một số bài tập nhẹ nhàng giúp lưu thông máu trong tử cung làm tăng chỉ số chất lỏng trong bọc ối do thai nhi tiểu ra. Một số bài tập như bơi lội, đi bộ được bác sĩ khuyến khích thai phụ tập luyện từ 30-45 phút mỗi ngày.
Ngoài các phương pháp giúp thai phụ thiếu ối cải thiện phần nào tình trạng, thai phụ cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra đánh giá tình trạng thường xuyên, tránh để nước ối cạn đến mức báo động gây ra nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.