4 lưu ý cần thiết cho công chức, viên chức, người lao động trong tháng 12
Trong tháng 12-2021, có 4 chính sách quan trọng đối với công chức, viên chức, người lao động.
Nghị định số 89/2021 (có hiệu lực kể từ 10-12) được Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017 quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đó có nhiều điểm mới.
Theo quy định cũ tại Điều 16, Nghị định số 101/2017, nội dung bồi dưỡng của công chức gồm: lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kỹ năng quản lý nhà nước; quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, nghề nghiệp, hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Về vấn đề này, Nghị định 89/2021 chỉ quy định nội dung bồi dưỡng gồm: lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và theo yêu cầu vị trí việc làm.
Như vậy, từ ngày 10-12-2021, cán bộ, công chức, viên chức không còn phải thực hiện nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học và ngoại ngữ.
Thông tư số 31/2021 (có hiệu lực từ 26-12) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học công lập có nhiều điểm đáng chú ý.
Một trong những điểm quan trọng trong thông thư này là điều kiện để các giảng viên cao đẳng sư phạm hoặc giảng viên đại học thi/xét nâng hạng đã được nới lỏng.
Trước đây, theo quy định cũ tại Thông tư 18/2017, giảng viên đại học muốn được thăng hạng thì một trong các điều kiện là được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi.
Nay Thông tư 31/2021 quy định giảng viên cao đẳng sư phạm, giảng viên đại học hạng thấp khi xét/thi thăng hạng lên hạng cao hơn liền kề thì chỉ cần được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm thăng hạng.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 92/2021 (có hiệu lực từ 15-12) thay thế cho Thông tư 228/2016 quy định về mức thu, nộp, quản lý, sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Theo đó, Điều 4 Thông tư 92/2021 đã bổ sung thêm mức phí dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV (quy định cũ chỉ nêu mức phí thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng III). Các mức thu khác vẫn được giữ nguyên như quy định cũ.
Mức phí thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng IV được xác định dựa trên số lượng thí sinh thi xét nâng hạng. Nhiều thí sinh thi nâng hạng mức phí sẽ thấp, ít người thì nâng hạng mức phí sẽ cao.
Cụ thể, mức thu phí nâng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng III, hạng IV như sau: dưới 100 thí sinh: 700.000 đồng/thí sinh/lần; từ 100 - dưới 500 thí sinh: 600.000 đồng/thí sinh/lần; từ 500 thí sinh trở lên: 500.000 đồng/thí sinh/lần.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì tháng 12-2021 là mốc thời gian quan trọng liên quan đến chính sách này.
Theo đó, điểm a, Khoản 2, Điều 3 của Quyết định 28/2021 quy định người lao động đã nghỉ việc, dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nộp đơn đề nghị nhận tiền hỗ trợ đến cơ quan bảo hiểm xã hội chậm nhất là ngày 20-12-2021.
Điều đó đồng nghĩa với việc trường hợp người lao động đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ, nhưng nộp đơn đề nghị sau ngày 20-12 thì cũng không được giải quyết.
Ngoài ra, cũng tại Quyết định 28/2021 quy định thì ngày 31-12-2021 cũng là hạn cuối để cơ quan bảo hiểm chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.
Thực hiện: HỮU ĐĂNG