4 lưu ý giúp người bệnh đái tháo đường dùng thuốc hiệu quả, an toàn

Thuốc điều trị đái tháo đường giúp quản lý đường huyết ổn định và làm chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả…

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

1. Một số thuốc trị đái tháo đường

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đái tháo đường là bệnh lý mãn tính, trong đó cơ thể không thể điều chỉnh thích hợp lượng đường (glucose) trong máu, do độ nhạy kém với insulin hoặc do tuyến tụy sản xuất insulin không đủ.

Dưới đây là một số thuốc thường dùng để điều trị đái tháo đường:

- Insulin được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1 do tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin. Bên cạnh đó, insulin cũng được sử dụng trong điều trị đái tháo đường type 2 khi cần thiết.

Insulin có nhiều loại khác nhau, phù hợp với tình trạng của từng đối tượng. Người bệnh dùng theo chỉ định của bác sĩ.

- Metformin có tác dụng giảm lượng glucose mà gan sản xuất, cải thiện cách hoạt động của insulin trong cơ thể và làm chậm quá trình chuyển đổi carbohydrate thành đường.

Metformin có ưu điểm không gây hạ đường huyết nếu dùng đơn lẻ, không gây tăng cân. Người bệnh có thể gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn khi dùng thuốc. Chống chỉ định với người bị suy thận.

- Sulfonylureacó vai trò kích thích tuyến tụy bài tiết insulin, ngăn gan giải phóng glucose, tăng tổng hợp glycogen. Thuốc được sử dụng để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng do đái tháo đường gây ra.

Người bệnh đái tháo đường cần theo dõi và kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Người bệnh đái tháo đường cần theo dõi và kiểm tra đường huyết thường xuyên.

2. Lưu ý dùng thuốc cho người bệnh đái tháo đường

2.1. Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Người bệnh đái tháo đường cần theo dõi và kiểm tra đường huyết thường xuyên, lúc đói và sau khi ăn và ghi lại các chỉ số đường huyết đo mỗi ngày vào quyển sổ để đưa cho bác sĩ trong mỗi lần tái khám.

Kiểm tra đường huyết khi đói: Chỉ số an toàn dao động 80 – 130mg/dL; đo sau khi ăn 8 đến 12 giờ.
Kiểm tra đường huyết sau ăn: Chỉ số an toàn dao động dưới 180mg/dL; đo sau ăn khoảng 1 đến 2 giờ.

Bác sĩ hướng dẫn xử trí khi bị hạ đường huyết.

2.2. Tuân thủ phác đồ điều trị

Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc điều trị do bác sĩ kê. Ngay cả khi bản thân cảm thấy các triệu chứng đã thuyên giảm, kết quả đo đường huyết tại nhà ổn định, người bệnh không được tự ý giảm liều hoặc ngưng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Việc này có thể khiến đường huyết tăng vọt mà người bệnh không ý thức được, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, nhiều người bệnh thường tự ý đến hiệu thuốc mua lại theo đơn chỉ định cũ của bác sĩ mà không tái khám. Điều này có thể khiến hiệu quả điều trị và phòng ngừa biến chứng giảm sút. Thay vào đó, người bệnh cần tái khám định kỳ để được bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh thuốc sao cho phù hợp.

Không nên tự ý mua dùng các loại nam, đông y không rõ nguồn gốc, được bán tràn lan trên mạng, tránh rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".

Người bệnh không được tự ý giảm liều hoặc ngưng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Người bệnh không được tự ý giảm liều hoặc ngưng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

2.3. Uống thuốc đúng thời điểm

Người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc của bác sĩ kê, trong đó cần đặc biệt chú ý đến liều lượng cũng như thời điểm uống thuốc. TS.BS. Lê Quang Toàn nhấn mạnh, người bệnh nên duy trì thói quen uống thuốc cùng một thời điểm mỗi ngày để mang lại hiệu quả điều trị cao.

Thời điểm sử dụng thuốc của một số thuốc trị đái tháo đường:

- Insulin sử dụng trước khi ăn để giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Tùy loại insulin mà thời điểm sử dụng sẽ khác nhau.

- Nhóm metformin uống sau khi ăn để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa.

- Nhóm sulfonylurea dùng trước ăn khoảng 15 - 30 phút…

Đối với những người hay quên dùng thuốc, nên đặt thuốc ở nơi dễ dàng nhìn thấy, sử dụng ứng dụng nhắc nhở trong điện thoại. Việc uống thuốc không đều đặn có thể khiến đường huyết bất thường, tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng.

Nếu lỡ quên uống thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Nếu đã sát thời gian uống liều tiếp theo, không tự ý tăng gấp đôi liều mà vẫn dùng đúng liều lượng đã chỉ định.

2.4. Xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị đái tháo đường, người bệnh cần lưu ý xây dựng và duy trì chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.

Chế độ ăn uống: Xây dựng chế độ ăn cân bằng, đủ chất. Bạn nên chuẩn bị bữa ăn với 50% rau quả, 25% chất đạm nạc (thịt gia cầm, cá…) và 25% với ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch…). Trong bữa ăn, ăn rau trước, sau đó mới ăn thức ăn và tinh bột.
Tập luyện: Bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục như yoga, đi bộ, đạp xe bơi lội… khoảng 30 phút mỗi ngày trong tuần, nên duy trì thói quen này ít nhất 5 ngày/tuần.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Cách nhận biết nốt ban phỏng thủy đậu | SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-luu-y-giup-nguoi-benh-dai-thao-duong-dung-thuoc-hieu-qua-an-toan-169230411114822257.htm