Tại sao người Nhật Bản thường cởi giày dép trước khi vào nhà?

Nếu bạn từng có dịp đến Nhật Bản hoặc tiếp xúc với người Nhật thì có thể dễ dàng nhận ra một thói quen tích cực từ họ đó là cởi giày trước khi vào nhà.

Văn hóa cởi giày trước khi vào nhà của người Nhật Bản

Người Nhật rất coi trọng việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa nên không muốn đi giày dép vào trong nhà

Người Nhật rất coi trọng việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa nên không muốn đi giày dép vào trong nhà

Theo một số nghiên cứu, ở Nhật Bản, thói quen thay dép trước khi vào nhà, đã có từ khoảng 2.000 năm trước. Do đặc trưng thời tiết nóng ẩm vào mùa hè, kiến trúc các ngôi nhà truyền thống thường sẽ có phần sàn cao hơn so với mặt đất để tránh ẩm ướt và cho phép gió mát thổi phía bên dưới, giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà. Hơn nữa, trong những ngôi nhà truyền thống, chiếu Tatami được lót gần như toàn bộ bề mặt sàn, nếu đi những đôi giày lên chiếu sẽ khiến mất vệ sinh, làm hỏng Tatami.

Trong cuốn "Văn hóa làm việc với người Nhật" được xuất bản lần đầu vào năm 1984, nhà xã hội học Nakane Chie đã nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian bên trong (Uchi) và không gian bên ngoài (Soto). Bên trong ngôi nhà được xem là nơi sạch sẽ, riêng tư so với bên ngoài đầy bụi bẩn và xô bồ. Chính vì thế, hầu hết các ngôi nhà truyền thống đều có sảnh vào (huyền quan - Genkan) tách biệt giữa hai không gian, là nơi để thay những đôi giày sang dép đi trong nhà.

Ngày nay, nhiều ngôi nhà Nhật Bản được xây dựng theo phong cách phương Tây, nhưng vẫn có không ít phòng trải chiếu tatami nhằm lan tỏa nét đẹp truyền thống. Do đó, thói quen cởi giày từ ngoài cửa vẫn được duy trì phổ biến.

Ngoài lý do sạch sẽ, cởi giày cũng được coi là một biểu hiện của sự tôn trọng khi vào nhà hoặc nơi kinh doanh của ai đó. Cách nghĩ này đã không còn quá nghiêm ngặt trong cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn có rất nhiều người để ý. Do đó, trước khi bước vào cửa, người Nhật vẫn thường hỏi ý chủ nhà, chủ cơ sở kinh doanh để biết chắc chắn rằng, họ có được thoải mái đi giày dép bên ngoài vào hay không.

Những địa điểm "cấm" đi giày

Mỗi khu vực người Nhật lại sử dụng một loại dép riêng biệt

Mỗi khu vực người Nhật lại sử dụng một loại dép riêng biệt

Dưới đây là những dấu hiệu dễ nhận biết cho người mới đến Nhật lần đầu tiên khỏi bỡ ngỡ với văn hóa cởi giày.

- Sự hiện diện của các kệ: Nếu ngay lối vào ở bất kỳ nơi đâu, bạn thấy những chiếc kệ (có thể có cửa hoặc không), chắc chắn đây là dấu hiệu bạn nên thay giày và để chúng vào trong kệ.

- Học theo người khác: Khi đến nơi công cộng, nếu là nơi yêu cầu đi chân không vào chính điện, sẽ có một hàng dài những đôi dép được để phía bên ngoài. Bạn chỉ cần học theo người đi trước để dép gọn phía ngoài và đi chân không vào trong. Hãy nhớ chỗ để dép vì có thể lượng người đông đúc sẽ làm xô lệch đôi dép của bạn so với vị trí ban đầu.

- Chiếu Tatami: Đây cũng là một lưu ý quan trọng nếu bạn cho rằng dép đi trong nhà có thể đi vào khu vực có Tatami. Tuy nhiên điều đó không phải phép, bạn chỉ có thể đi chân không hoặc mang vớ khi đi vào không gian này.

- Hỏi chủ nhà: Nếu đến thăm nhà của một người, bạn nên hỏi họ trước rằng có được phép đi giày vào trong nhà hay không. Nhưng với tính cách chu đáo của người Nhật, họ sẽ chủ động chuẩn bị sẵn dép để bạn thay ngay khi đến.

Khoa học giải thích tại sao không nên mang giày dép đi ngoài đường vào nhà

Bỏ giày dép bên dưới để tránh lôi bụi bẩn vào nhà

Bỏ giày dép bên dưới để tránh lôi bụi bẩn vào nhà

Nhiều nền văn hóa có thói quen cởi giày trước khi vào nhà. Mặc dù đây chỉ là truyền thống xã hội nhưng vẫn có một tiền đề khoa học đằng sau phong tục này, theo Timesnownews .

Ngoài việc giúp ngăn mang theo bùn đất vào nhà, có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh việc làm này có thể ngăn chặn vi trùng.

Để giày dép trước cửa nhà khi bước vào nhà giúp giữ không gian trong nhà sạch sẽ và có thể giúp mọi người bên trong khỏe mạnh hơn.

Lợi ích của việc cởi giày trước cửa nhà:

• Đảm bảo bụi bẩn, dầu và các chất gây ô nhiễm khác sẽ không được mang vào nhà.

• Giảm thời gian lau dọn để dành thời gian để tập trung vào những việc khác.

• Bỏ giày bên ngoài khi bước vào nhà cũng giúp giảm khả năng lây truyền vi khuẩn mang bệnh có trong đất bám trên giày khi đi bộ ngoài trời, trong nhà vệ sinh công cộng và những nơi có nhiều mầm bệnh gây bệnh, theo Timesnownews.

Những vi khuẩn nguy hiểm, gây nhiễm trùng có thể bám vào trong gai giày và các vết nứt trên giày - đó là những nơi lý tưởng cho vi khuẩn trú ngụ.

Trong một nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ), E. coli là một trong những loại vi khuẩn phổ biến nhất được tìm thấy trên giày dép.

Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đường ruột và đường tiết niệu. Các vi khuẩn khác được tìm thấy trong giày là vi khuẩn C. diff gây tiêu chảy và có thể gây ra viêm đại tràng. Điều nguy hiểm là vi trùng C. diff có khả năng kháng với hầu hết các loại kháng sinh, theo Timesnownews.

Các nhà nghiên cứu và nhà khoa học cũng tìm thấy tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus trên giày dép - một trong số những loại vi khuẩn nguy hiểm nhất.

Sau đây là một số mẹo để biến việc tháo giày trở thành quy trình chuẩn trong nhà của bạn:

• Kê một chiếc ghế dài gần cửa ra vào chính của ngôi nhà. Khách có thể ngồi trên đó trong khi tháo giày hoặc mang lại.

• Chuẩn bị một khu vực để giày ngay bên trong cửa ra vào chính. Giữ giày dép ngăn nắp bằng giá để giày dép.

• Để sẵn dép đi trong nhà để khách có thể xỏ chân vào, theo Timesnownews.

Từ 1.8, dự báo giá đền bù đất nông nghiệp sẽ tăng

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tai-sao-nguoi-nhat-ban-thuong-coi-giay-dep-truoc-khi-vao-nha-172240701112842174.htm