4 năm, hơn 7.300 trẻ em bị xâm hại

Số vụ xâm hại do người quen, người thân gây ra đang có xu hướng gia tăng.

Trẻ bị xâm hại tăng đột biến

Đây là số liệu đưa ra trong Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” được lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc (UBTVQH) hội sáng nay (27/4).

Dù trong báo cáo của Chính phủ khẳng định công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em những năm qua có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song qua giám sát, đoàn Giám sát chỉ ra, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm.

Nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại trong thời gian dài mà không được phát hiện

Nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại trong thời gian dài mà không được phát hiện

Thống kê cho thấy, số trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2011-2014 là 7.211 trẻ, số trẻ em bị xâm hại giai đoạn 2015-2018 là 7.309 trẻ (tăng 98 trẻ em).

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 em, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

“Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước” – đoàn giám sát nhận định.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6/2019, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã hỗ trợ, can thiệp 2.033 ca trẻ em bị xâm hại, trong đó bạo lực trẻ em 1.011 ca (chiếm 49,7%); xâm hại tình dục 764 ca (chiếm 37,6%); bóc lột trẻ em 113 ca; bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em 45 ca; mua bán trẻ em 100 ca.Hình thức xâm hại phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây bức xúc nhất, theo đoàn giám sát, là xâm hại tình dục với 6.364 vụ, 6.432 trẻ em là nạn nhân. Trong số này có 2.191 em bị hiếp dâm, 31 em bị cưỡng dâm, 1.096 em bị dâm ô và 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác).

Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số trẻ em bị xâm hại, như TP Cần Thơ 98,8%; Hậu Giang 95,8%; Kiên Giang 95,5%; Bến Tre là 94,6%; Đồng Nai 94,2%.

Bạo lực đối với trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng, trong đó 857 trẻ em là nạn nhân, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.

Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện. Vì lý do khác nhau, có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác.

Thủ phạm là người thân, quen

Phân tích về đối tượng xâm hại trẻ em, đoàn giám sát cho biết, chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có cả đối tượng là người lạ và người quen biết với trẻ, có người thân thích trong gia đình; có nghề nghiệp khác nhau, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ hưu trí, người cao tuổi…

Đáng chú ý, qua giám sát cho thấy, thời gian gần đây tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm phần lớn và có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ này tại Bà Rịa - Vũng Tàu 97,3%; Phú Thọ 97%; Cà Mau 96,5%; thành phố Hà Nội 88,8%...

Ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái. Có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính…

Cũng theo kết quả giám sát, các vụ xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển. TPHCM và TP. Hà Nội là 2/10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước.

Bên cạnh đó, xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở những nơi vắng người qua lại, hẻo lánh, biệt lập, mà còn xảy ra tại gia đình và các khu vực công cộng, như: tại cơ sở giáo dục, trung tâm bảo trợ xã hội, nơi vui chơi của trẻ em, cầu thang máy chung cư…

Hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em.

Thực tế cho thấy có trẻ em bị tử vong hoặc thương tật nặng, thương tật vĩnh viễn do bị xâm hại, sinh con và làm mẹ khi vẫn đang độ tuổi trẻ em, bị khủng hoảng, rối loạn tâm thần, mất niềm tin, phải bỏ học… ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường và tương lai của trẻ.

Xâm hại trẻ em còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc…

Số liệu của Chính phủ và tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, trong giai đoạn từ 2015 đến tháng 6/2019 có 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong). Các địa phương có số trẻ bị tử vong nhiều là Hà Nội (13 trẻ), Bắc Ninh (8 trẻ), Gia Lai (8 trẻ), Lào Cai (8 trẻ), Quảng Ninh (7 trẻ), Thanh Hóa (7 trẻ).

418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục. Các địa phương có số trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục nhiều là: Thành phố Hồ Chí Minh (86 trẻ), Bắc Kạn (17 trẻ), Đồng Tháp (16 trẻ), Long An (15 trẻ), Lâm Đồng (14 trẻ), Bình Phước (14 trẻ em).

Ngoài ra, còn có 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật và 180 trẻ phải bỏ học do các sang chấn tâm lý từ các vụ việc này.

Trên cơ sở số liệu thống kê giai đoạn 2015-2018 so với giai đoạn trước, đoàn Giám sát dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/4-nam-hon-7300-tre-em-bi-xam-hai_91810.html