4 năm 'kẹt' ở Nhật không thể về quê ăn Tết, vợ chồng son phải nhận họ online

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều lao động, du học sinh sống ở Nhật Bản không thể về quê ăn Tết, có cặp vợ chồng phải tổ chức đám cưới rồi nhận họ online.

Trong căn phòng nhỏ rộng 20m2 tại tỉnh Aichi, Nhật Bản, lời bài hát “Xuân này con không về” của ca sĩ Quang Lê vang lên từng hồi da diết: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương, năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa...".

Chị Bùi Thị Hoa (28 tuổi, quê huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) vội vã nhắc chồng: "Anh tắt nhạc hộ em, nghe bài này em nhớ nhà lắm".

Vợ chồng son nhận họ online

Anh Phạm Văn Tiến (28 tuổi) và chị Bùi Thị Hoa cùng quê Hưng Yên sang Nhật Bản lao động từ năm 2018, năm nay đã là năm thứ 4 anh chị không được về quê ăn Tết.

Sau 10 năm tìm hiểu, anh Tiến và chị Hoa quyết định về chung một nhà. Theo kế hoạch, tháng 6/2021 anh chị sẽ về Việt Nam tổ chức đám cưới, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh đôi trẻ buộc phải hủy lịch bay về nước. Ở Việt Nam, hai bên gia đình vẫn tổ chức lễ hỏi như bình thường để lấy ngày, đám hỏi vắng mặt cô dâu, chú rể vì thế cũng trở nên đặc biệt hơn.

Anh Tiến và chị Hoa đăng ký kết hôn tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Anh Tiến và chị Hoa đăng ký kết hôn tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Ngày ăn hỏi, anh chị dậy từ sớm, chị Hoa nhờ một người bạn không chuyên hỗ trợ trang điểm. Anh chị diện bộ áo dài trắng thêu hình công phượng, trang phục truyền thống của người Việt Nam. Ngồi trong phòng trọ, anh chị nghe các cụ hai bên thưa chuyện qua điện thoại, đầu dây bên này đôi trẻ cười khúc khích vì chưa bao giờ nghĩ đám cưới của mình sẽ diễn ra một cách đặc biệt như thế.

Sau khi hoàn thành mọi nghi lễ thắp hương cúng bái gia tiên, bên này hai bạn bắt đầu đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để đăng ký kết hôn. Lễ ăn hỏi của Tiến và Hoa diễn ra đơn giản, không bánh kẹo, không pháo bông… nhưng hai vợ chồng đều cảm thấy hài lòng với hôn lễ đặc biệt được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo phong tục ở quê, sau đám cưới, vào dịp Tết các cặp đôi sẽ phải đi nhận họ hai bên. Nhưng năm nay không về quê ăn Tết được nên anh Tiến và chị Hoa phải nhận họ online.

Chị Hoa mất 2 - 3 ngày để ghi nhớ tên tất cả các thành viên bên họ nhà chồng. Chờ đến đêm 30 và ngày mùng 1 Âm lịch, chị sẽ gọi điện về chúc Tết các cô, dì, chú, bác và nhận họ. Với anh Tiến cũng không ngoại lệ. Để tránh nhầm lẫn, chị Hoa cẩn thận ghi lời chúc từng người vào trong một cuốn sổ.

Nhớ về Tết Việt, chị Hoa nói: "Ký ức Tết với mình là những ngày dậy sớm đi chợ hoa cùng gia đình, là nhìn thấy nụ cười tươi của bố khi chọn cành đào ưng ý, là thấy hình ảnh mẹ tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ chiều 30. Đó còn là không khí ấm cúng khi cả gia đình quây quần ngồi xem Táo Quân, đi chúc Tết họ hàng".

Những năm đầu sang Nhật, ngày nào chị Hoa cũng khóc vì nhớ nhà. Đêm giao thừa, mẹ Hoa gọi điện sang, bà khoe con gái mâm cơm Tết nấu đủ món "tủ" của mẹ. Khi mẹ hỏi "ở bên đó chị em ăn Tết vui không", Hoa òa khóc như một đứa trẻ, chị chẳng thể kìm được nỗi nhớ nhà của mình.

Năm thứ 2, lúc này Hoa đã quen hơn với cuộc sống bên Nhật. Khi gọi điện về quê chúc Tết bố mẹ, Hoa không khóc nữa. Nhưng lúc sau nằm nghe radio vào đêm giao thừa, nghe phát thanh viên đọc đoạn “Khi đất trời bắt đầu bừng lên sắc đào, phố phường tất bật người mua sắm, những con ngõ nhỏ thơm nồng nước rau mùi già… những người con xa Tổ quốc càng nhớ về quê hương”, Hoa lại rưng rưng khóe mắt.

Mâm cỗ Tết với các món ăn cổ truyền được chị Hoa khéo léo chuẩn bị. (Ảnh: NVCC)

Mâm cỗ Tết với các món ăn cổ truyền được chị Hoa khéo léo chuẩn bị. (Ảnh: NVCC)

"2022 là năm thứ 4 mình đón Tết bên Nhật, năm nay may mắn hơn mọi năm vì mình đã có chồng ở bên. Tết này vợ chồng mình dự định sẽ nấu một mâm cỗ thịnh soạn với đủ các món ăn cổ truyền của dân tộc từ canh măng chân giò, nem, giò tai, thịt nấu đông, xôi gấc... để kỷ niệm Tết đầu tiên của vợ chồng bên Nhật”, chị Hoa chia sẻ.

Để cho có không khí Tết, anh Tiến đã làm cây đào giả từ một cành cây khô. Trên cây, chị Hoa gắn hình những bông hoa đào được cắt bằng giấy tô hồng, nhìn cũng khá giống cây đào thật. Để thêm phần sinh động, anh Tiến mua thêm một bộ đèn nháy để trang trí trên cây.

Chỉ tay về phía tủ lạnh, anh Tiến cho biết: “Nhà không có ban thờ, Tết này vợ chồng mình dự định đặt luôn mâm ngũ quả lên nóc tủ lạnh, mua mấy nén hương của Nhật, cho ít gạo vào cái chén nhỏ, cắm hương vào để làm bàn thờ ngày Tết. Ngày 30, hai vợ chồng sẽ gói bánh chưng mời vài người bạn thân đến nhà cùng chung vui".

Hoa nghĩ, không chỉ riêng vợ chồng chị mà rất nhiều người con Việt Nam ở các nước trên thế giới cũng đang thèm cảm giác được sum họp cùng gia đình. “Chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để vợ chồng sớm được về quê”, chị Hoa nói.

3 lần hủy lịch bay về nước ăn Tết

Giống như vợ chồng chị Hoa - anh Tiến, do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần 3 năm nay Vũ Thị Hồng Nhung (26 tuổi, quê Hưng Yên), du học sinh tại tỉnh Gifu, Nhật Bản cũng không thể về quê ăn Tết.

Tính đến nay, Nhung đã có 6 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Mọi năm, Tết nào cô cũng tranh thủ về quê ăn Tết cùng gia đình. Nhưng từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Nhung không thể về quê. Từ năm 2020 đến giờ, Nhung đã 3 lần phải hủy vé máy bay về nước.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 3 năm nay Nhung chưa được về quê ăn Tết cùng gia đình. (Ảnh: NVCC)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 3 năm nay Nhung chưa được về quê ăn Tết cùng gia đình. (Ảnh: NVCC)

Cuối năm 2021, Nhung dự định về quê ăn Tết cùng gia đình, nhưng ngày 22/8 Nhung bị nhiễm COVID-19. Năm ngày đầu, Nhung tự điều trị bệnh tại nhà, nhưng các triệu chứng không hề suy giảm mà ngày càng sốt cao, cô buộc phải nhập viện để điều trị. 14 ngày nằm viện với Nhung lúc bấy giờ dài đằng đẵng như 14 năm, không người thân, không bạn bè bên cạnh, chỉ một mình với 4 bức tường và tiếng chuông cấp cứu vang lên liên hồi. Cô không sao quên được những tháng ngày kinh hoàng ấy. “Bấy giờ, mình chỉ biết nhìn qua khe cửa sổ để biết bây giờ là đêm hay ngày, mình mệt đến mức không còn sức để đi lại nữa”, Nhung nhớ lại.

Ở Việt Nam, biết tin con gái bị nhiễm COVID-19, bố mẹ Nhung là ông Vũ Công Hòa (SN 1970) và bà Phạm Thị Uyên (SN 1974) như ngồi trên đống lửa. Lo lắng, nhưng hai ông bà cũng không biết cách nào để giúp con. Hằng ngày, bố mẹ Nhung chỉ biết thắp hương khấn gia tiên phù hộ độ trì cho con gái nơi xa bình an, tai qua nạn khỏi. Những ngày Nhung nằm viện, cứ 10 phút bố mẹ lại gọi điện một lần để hỏi thăm sức khỏe con gái. Nhung phải động viên bố mẹ: “Hôm nay con khá hơn nhiều rồi, bố mẹ để con nghỉ ngơi một chút, con không sao đâu”.

6 ngày nằm viện, Nhung gầy đi trông thấy, cô xuống tận 5kg, da xanh xao, mặt nhợt nhạt… Đến bữa, Nhung bưng bát cháo lên rồi lại đặt xuống, mất vị giác, Nhung ăn gì cũng không thấy ngon. Nhưng nghĩ đến bố mẹ và mọi người ở Việt Nam đang ngày đêm lo lắng, Nhung lại cố nuốt, thìa này ăn cho mình, thìa này ăn cho mẹ, thìa này ăn cho bố… Thế rồi, sức khỏe Nhung cũng dần được cải thiện, ngày thứ 14, kết quả kiểm tra Nhung âm tính với SARS-CoV-2, cô được xuất viện.

Lúc bấy giờ, bố mẹ Nhung mới yên tâm. Ông Vũ Công Hòa tâm sự: “Từ hôm con ốm, hai vợ chồng chưa có đêm nào ngon giấc. Lắm lúc tôi còn tự trách mình biết vậy ngày xưa không cho nó đi du học nữa thì bây giờ đỡ phải lo lắng như thế này.”

Nhung và các bạn của mình trong Lễ tốt nghiệp đại học ở Nhật. (Ảnh: NVCC)

Nhung và các bạn của mình trong Lễ tốt nghiệp đại học ở Nhật. (Ảnh: NVCC)

Mặc dù nhớ nhà, rất muốn về quê ăn Tết, nhưng Nhung cũng lo sợ "mang bệnh về nước", để đảm bảo an toàn cho mọi người, cô đành phải hủy kế hoạch về quê lần thứ 3.

Nhật Bản những ngày cuối năm trời mưa lạnh, khá giống thời tiết những ngày cận Tết ở Việt Nam. Nhung nhớ lại, bằng tầm này mọi năm ở quê mẹ đã mua miến, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ để chuẩn bị Tết rồi… Nếu Nhung ở nhà thì ngày 23 Âm lịch, mẹ con Nhung sẽ cùng đi chợ mua cá chép về cúng ông Công, ông Táo. Ngày 25, 26, ba mẹ con lại cùng dọn nhà, lau bàn ghế. Cái ghế gỗ được trạm trổ công phu với nhiều họa tiết hoa lá nên bám bụi kinh khủng, công việc "khó nhằn" này lúc nào Nhung cũng để phần em trai.

Sang ngày 28, cả gia đình Nhung sẽ quây quần gói bánh chưng bên bếp củi hồng rồi 2 chị em lại mang ngô, khoai vào bếp để nướng. Ngày 30, Nhung cùng mẹ đi chợ Tết, hai mẹ con lang thang từ sáng đến trưa mà chẳng biết mỏi mệt… Mẹ sẽ mua một nắm lá mùi già nấu một nồi nước thật to để cả nhà cùng tắm. Mẹ nói, tắm lá mùi già cho hết bụi bặm năm cũ chào đón năm mới thuận lợi.

Những năm đầu ăn Tết ở Nhật, cả Tết âm và Tết dương Nhung không chuẩn bị gì nhiều, Nhung tự làm một chút mứt dừa ăn cho đỡ nhớ Tết. Lúc đấy, Nhung chỉ mong đến ngày anh chị em người Việt ở Nhật tổ chức các sự kiện để mọi người có dịp tụ tập hát hò… để xem mấy chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn, tạm quên đi nỗi nhớ nhà.

Nếu như ở Việt Nam, giao thừa là giây phút thiêng liêng được mọi người chờ đón nhất trong năm thì với những người con xa quê như Nhung đây là giây phút cô cảm thấy cô đơn nhất. Khi tiếng pháo nổ giòn giã, người người ra ngoài du xuân, hái lộc đầu năm thì ở bên Nhật, Nhung chỉ biết ngồi một mình trong phòng, dõi theo mọi người qua màn hình nhỏ. Ở nhà, bố mẹ Nhung cũng đi ngủ từ sớm, không hát hò cũng chẳng đi chơi như mọi người, bởi theo ông Hòa “Tết chỉ vui khi có chúng nó”.

"Tết bên Nhật cái gì cũng có, thứ thiếu duy nhất là gia đình, ở đây không phải đi vài cây số ra chợ mua đồ, càng không phải nấu bánh bằng bếp củi để khói bay cay xè mắt… nhưng năm nào em cũng thèm cảm giác ấy đến lạ kỳ", Nhung nói.

VŨ VÂN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/4-nam-ket-o-nhat-khong-the-ve-que-an-tet-vo-chong-son-phai-nhan-ho-online-ar655683.html