4 người được đình chỉ vì không phạm tội lại bị truy tố
Bốn người được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đình chỉ do hành vi không cấu thành tội mua bán người lại bị VKS truy tố trở lại.
VKSND tỉnh Bình Định vừa ban hành cáo trạng mới, tiếp tục truy tố các bị can trong vụ mua bán người và bắt, giữ người trái pháp luật.
VKS yêu cầu phục hồi điều tra sau khi công an đình chỉ
Cụ thể, VKS tiếp tục truy tố Huỳnh Thị Diễm Hồng, Nguyễn Tấn Đạt về hai tội mua bán người và bắt, giữ người trái pháp luật; Đỗ Văn Tượng, Vũ Cao Nguyên về tội mua bán người và hai người khác cùng về tội bắt, giữ người trái pháp luật.
Theo cáo trạng, quá trình điều tra, các bị can Hồng, Đạt và hai người khác trong vụ án đã khai nhận toàn bộ hành vi bắt, giữ chị D trái pháp luật.
Đối với hành vi mua bán người, sau khi phục hồi điều tra, Đạt nhận thức được việc làm sai trái của mình và khai lại đúng sự thật. Theo đó, Đạt khai chính mình là người trực tiếp gọi điện thoại cho Tượng thỏa thuận việc giao chị D cho Tượng để Tượng chỉ đạo Nguyên đưa cho chị này 20 triệu đồng giao cho vợ chồng Đạt, Hồng.
Cáo trạng cho rằng việc các bị can Tượng, Nguyên phản cung là không phù hợp diễn biến sự thật khách quan của vụ án và không có căn cứ. Việc khai nại phản cung của Tượng, Nguyên sau này là nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật nên không được chấp nhận.
Trước đó, khoảng giữa năm 2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã đình chỉ bị can đối với bốn người gồm Hồng, Đạt, Nguyên và Tượng do hành vi không cấu thành tội mua bán người.
Tuy nhiên, VKSND tỉnh Bình Định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án và yêu cầu công an phải phục hồi điều tra bị can. Do đó, Công an tỉnh Bình Định đã ra quyết định phục hồi điều tra.
Liên quan đến một nữ nhân viên quán karaoke
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chị D nợ 6,8 triệu đồng và làm tiếp viên karaoke cho vợ chồng Hồng, Đạt nhưng bỏ trốn đi chơi.
Sáng 26-11-2018, Hồng, Đạt rủ hai người đến một phòng trọ rồi đưa chị D lên ô tô, chở về một khách sạn ở TP Quy Nhơn và giữ lại để đòi nợ.
Do chị D không có tiền nên vợ chồng Hồng, Đạt chở chị đến quán karaoke của Đỗ Văn Tượng để giao cho quản lý quán là Vũ Cao Nguyên. Theo sự chỉ đạo của Tượng, Nguyên đưa cho vợ chồng Hồng, Đạt 20 triệu đồng. Sau đó, chị D ở lại quán karaoke này.
Ban đầu, cơ quan điều tra không khởi tố Tượng và Nguyên vì cho rằng cả hai không có hành vi mua bán người. Họ nhận chị D và đưa cho chị 20 triệu đồng để trả nợ cho Hồng và Đạt. Đây là hành vi cho mượn tiền, ứng tiền trước để trả nợ và giải cứu chị D. Tượng và Nguyên không có các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác nên hành vi của họ không nguy hiểm cho xã hội, không cấu thành tội mua bán người…
Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra lại khởi tố bị can đối với hai người này về tội mua bán người vì cả hai biết rõ chị D đang lệ thuộc vào vợ chồng Hồng, Đạt nhưng vẫn tiếp nhận và đưa cho chị này 20 triệu đồng để trả nợ cho Hồng, Đạt. Chị D ở lại làm cho quán karaoke của Tượng lấy tiền trả nợ dần. Hành vi của Tượng và Nguyên nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền tự do thân thể của người khác, đủ yếu tố cấu thành tội mua bán người.
Sau đó, Tượng và Nguyên cùng bị truy tố về tội mua bán người, Hồng và Đạt bị truy tố về hai tội mua bán người và bắt, giữ người trái pháp luật. Hai người còn lại trong vụ án cùng bị truy tố về tội bắt, giữ người trái pháp luật.
Đình chỉ bốn người vì không phạm tội
Ngày 26-3, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử sáu bị cáo. Trong đó, Tượng, Nguyên, Hồng và Đạt kêu oan về tội mua bán người. Kết thúc phần tranh luận, tòa đã trả hồ sơ để làm rõ một số vấn đề.
Sau khi tòa trả hồ sơ, Công an tỉnh Bình Định đã đình chỉ điều tra vụ án hình sự về tội mua bán người đối với Hồng, Đạt, Nguyên, Tượng do hành vi không cấu thành tội phạm.
Lý do đình chỉ mà cơ quan điều tra đưa ra là do bị hại D khai chủ động liên lạc với Nguyên để mượn tiền trả cho vợ chồng Đạt, Hồng 20 triệu đồng rồi đến làm việc cho Nguyên để trả nợ. Việc chị D lên xe đi cùng vợ chồng Đạt, Hồng đến chỗ Nguyên là đúng mong muốn của chị này. Sau khi vợ chồng Đạt, Hồng ra về, chị D ở lại khu trọ với Nguyên cùng các nữ nhân viên khác và không bị quản lý, khống chế, ép buộc gì.
Tại đây, chị D mượn điện thoại của Nguyên báo cho gia đình biết để đem tiền trả cho Nguyên. Giữa năm 2020, gia đình chị D đã trả cho mẹ của Nguyên số tiền 20 triệu đồng.