4 người thương vong, 1 ngôi làng cổ có dấu hiệu sụt lún

Sau tỉnh Cao Bằng, tình trạng mưa lũ kéo dài tiếp tục gây ra thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên... Cập nhật đến chiều 25-8, mưa lũ đã làm ít nhất 4 người thương vong.

 Chiếc xe đầu kéo bị nước lũ cuốn ở tỉnh Bắc Giang, sáng 25-8. Ảnh: CTV

Chiếc xe đầu kéo bị nước lũ cuốn ở tỉnh Bắc Giang, sáng 25-8. Ảnh: CTV

Tại xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, sáng 25-8, một chiếc xe đầu kéo do anh Nguyễn Huy Đồng (sinh năm 1974, trú tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) điều khiển đã bị lũ cuốn khi đi qua ngầm Bến Trên, thôn Linh Phú.

Phần đầu xe bị nước lũ cuốn trôi, khiến anh Đồng phải thoát ra ngoài. Mặc dù được người dân địa phương quăng dây cứu trợ, anh vẫn bị nước cuốn đi vài chục mét trước khi được 2 người dân địa phương, anh Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1990) và anh Nguyễn Văn Liên (sinh năm 1988), bơi ra cứu hộ thành công.

Tại tỉnh Hà Giang, mưa lớn kéo dài từ đêm 24 đến sáng 25-8 đã làm 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương tại huyện Bắc Quang.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, nạn nhân thiệt mạng là bà Đặng Thị C. (sinh năm 1975, trú tại xã Đức Xuân) bị nước lũ cuốn trôi khi qua suối Nặm Tạu vào tối 24-8.

Sáng 25-8, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể bà C. tại khu đập tràn thôn Nặm Tạu. Còn tại thị trấn Vĩnh Tuy (huyện Bắc Quang), đất từ taluy dương sạt lở làm sập tường nhà bà Nguyễn Thị Hiền, khiến chị Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1995) bị gãy chân và cháu Trần Khánh Ly (sinh năm 2016) bị gãy xương sườn, gãy một chân và vỡ mắt cá chân.

Đáng chú ý, tại làng cổ Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, mưa gió nhiều ngày đã gây ra vết nứt kèm theo dấu hiệu sụt lún đất nguy hiểm, đe dọa 41 hộ dân sinh sống tại đây.

Ông Hoàng Ngọc Linh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Văn, cho biết, UBND huyện Đồng Văn đã phải khẩn cấp di dời 14 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao, sơ tán người và tài sản đến trụ sở thôn, điểm trường thôn Má Tìa để đảm bảo an toàn.

 Cảnh sát giao thông Công an huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) hỗ trợ người dân thoát điểm sạt lở trên Quốc lộ 3 qua bản Gủn (xã Ngũ Lão), sáng 25-8. Ảnh: Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cao Bằng

Cảnh sát giao thông Công an huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) hỗ trợ người dân thoát điểm sạt lở trên Quốc lộ 3 qua bản Gủn (xã Ngũ Lão), sáng 25-8. Ảnh: Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cao Bằng

Tại tỉnh Điện Biên, mưa lớn kéo dài đến sáng 25-8 đã gây ra nhiều điểm sạt lở. Trên Quốc lộ 12, đoạn qua xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, hai điểm sạt lở đã làm gián đoạn giao thông giữa TP Điện Biên Phủ và huyện Mường Chà. Quốc lộ 279 cũng ghi nhận nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, đất đá và bùn lầy tràn ngang đường tại khu vực huyện Mường Ảng, khiến giao thông bị tắc nghẽn.

Theo ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ 226, công tác khắc phục đang được triển khai khẩn trương nhưng gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi.

 Giao thông tê liệt trên Quốc lộ 279 qua xã Nà Tấu (TP Điện Biên Phủ). Ảnh: Người dân chia sẻ

Giao thông tê liệt trên Quốc lộ 279 qua xã Nà Tấu (TP Điện Biên Phủ). Ảnh: Người dân chia sẻ

Cập nhật đến chiều 25-8, ông Nguyễn Đức Đặng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, cho biết đã có 34 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 13 nhà phải di dời khẩn cấp.

Toàn tỉnh Điện Biên có 13 tuyến đường bị sạt lở và ách tắc, trong đó có những đoạn đã được khắc phục để thông xe, nhưng cơ quan chức năng vẫn tiếp tục nỗ lực để khôi phục hoàn toàn giao thông và ổn định đời sống cho người dân.

Tại tỉnh Sơn La, mưa to đã làm sạt trượt đất đá xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông tại hai vị trí ở huyện Thuận Châu.

Còn tại tỉnh Yên Bái, ông Triệu Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, cho biết mưa lũ đã gây thiệt hại về nhà cửa và nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Miền ở thôn Khéo Lạnh, đã bị lũ cuốn trôi khoảng 300m khi đang cố gắng kéo rác ra khỏi miệng cống để tránh ngập úng. Mưa lớn cũng làm sạt lở đồi Tát Én, đất đá tràn vào gầm nhà sàn của hai hộ dân, vùi lấp hơn 4.300m² ao cá, và trên 2ha ngô, lúa, cây măng mai.

Địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đã xuất hiện mưa gió. Vào khoảng 10 giờ 30 ngày 25-8, một vụ sạt lở taluy dương đã xảy ra tại Km49+200 trên tuyến đường tránh Quốc lộ 4D thuộc tổ 1, phường Phan Si Păng (thị xã Sa Pa). Một tảng đá lớn, ước tính khoảng 100m³ đã rơi xuống chắn ngang đường, rất nguy hiểm cho người qua lại.

 Một tảng đá lớn rơi xuống đường tránh thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đi Lai Châu, ngày 25-8. Ảnh: Truyền hình Sa Pa

Một tảng đá lớn rơi xuống đường tránh thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đi Lai Châu, ngày 25-8. Ảnh: Truyền hình Sa Pa

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt, căng dây cảnh báo, phân luồng giao thông và huy động máy móc để giải phóng tảng đá. Tuy nhiên, đến 14 giờ chiều cùng ngày, tuyến đường này vẫn chưa được thông xe, công tác xử lý vẫn diễn ra.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/4-nguoi-thuong-vong-1-ngoi-lang-co-co-dau-hieu-sut-lun-post755642.html