4 người tử vong ở Hà Nội: Nghi can tự sát, vụ án sẽ ra sao?
Nếu có căn cứ xác định vụ án 4 người tử vong ở Hà Nội chỉ có 1 hung thủ và người này đã chết, cơ quan điều tra sẽ quyết định đình chỉ điều tra.
Liên quan vụ 4 người tử vong ở quận Long Biên, Hà Nội, ngày 3/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ nguyên nhân án mạng.
Nghi can vụ án được xác định ông Lương Quốc Huy (SN 1979, trú phường Long Biên), làm nghề lái xe chở hàng thuê. Nạn nhân là bà Th (42 tuổi, vợ ông Huy) và hai con.
Theo điều tra, khoảng 10h20 ngày 1/9, em gái ông Huy đến nhà anh trai thì phát hiện ông này tử vong trong tư thế treo cổ trên cây trước cửa nhà.
Khi Công an quận Long Biên cùng đội nghiệp vụ Công an TP Hà Nội có mặt, cảnh sát phát hiện trong nhà còn có thi thể ba nạn nhân khác. Các nạn nhân là bà Th (vợ ông Huy), cháu L.M.Đ (10 tuổi, con chung của họ) và L.P.A (18 tuổi, con riêng của Huy với vợ cũ).
Một số nhân chứng cho hay, trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng ông Huy thi thoảng có mâu thuẫn. Trước khi vụ án xảy ra, bà Th được cho là đã có đơn đề nghị ly hôn với ông Huy.
Còn công an bước đầu xác định do mâu thuẫn gia đình, ông Huy đã gây ra thảm án rồi tự sát.
Với việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án sau khi nghi can tử vong, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nhà chức trách sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để tìm ra sự thật khách quan, khẳng định ông Huy có phải hung thủ? Nghi phạm chết do tự tử hay vì lý do nào khác?
Dẫn quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, luật sư Khuyên cho rằng, trường hợp có căn cứ xác định vụ án có đồng phạm hoặc yếu tố khác cần làm rõ, cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án để điều tra.
Sau khi điều tra kết thúc, nếu có căn cứ xác định vụ án chỉ có một hung thủ và có kết luận là người này đã chết, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra, theo quy định tại Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Khi ban hành, quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì phải trả lại hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra tiếp tục để giải quyết theo trình tự.
Trường hợp thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ, viện kiểm sát sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra, yêu cầu cơ quan công an phục hồi điều tra.