4 nguồn thu của báo chí trong nền kinh tế số
Trong nền kinh tế số, doanh thu của báo chí đang đứng trước nhiều thách thức. Bởi vậy, đa dạng hóa nguồn thu được xem như vấn đề sống còn với các cơ quan báo chí truyền thông hiện nay.
Chia sẻ tại Hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" được tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết:
Báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức. Các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu trong khi sản phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể. "Điều quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in", nhà báo Lê Quốc Minh nói.
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2024, doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD; trong khi ước tính báo in giảm từ 35,1 tỷ USD xuống còn hơn 21 tỷ USD (năm 2024).
Trước thực tế này, thời gian qua, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ-trí tuệ nhân tạo...
Nhà báo Lê Quốc Minh đã nêu lên một số nguồn thu mà các cơ quan báo chí lớn trên thế giới và Việt Nam đang áp dụng.
Nguồn thu từ quảng cáo
Tại nhiều cơ quan báo chí, trước đây quảng cáo chiếm đến 90%. Hiện tại, trên thế giới, nguồn thu từ quảng cáo đã giảm đi nhiều, có nơi chỉ còn khoảng 50%, thậm chí thấp hơn nhưng rõ ràng quảng cáo vẫn một nguồn thu rất quan trọng.
Theo ông Lê Quốc Minh, có rất nhiều cách thức quảng cáo. Nếu như quảng cáo trên báo in, quảng cáo dưới dạng Display (quảng cáo hiển thị) đang giảm sức hút, thì có thêm các loại quảng cáo trong video hay một số hình thức khác.
Tuy nhiên, các hình thức này cũng đang gặp khó khăn bởi sự lớn mạnh của những "ông lớn" về công nghệ như Google, Facebook…
Google, Facebook hiện chiếm khoảng 70% nguồn thu quảng cáo nhưng thực tế, khi tính toán chi phí quảng cáo trên nền tảng số, tỷ lệ này lên đến 80%, thậm chí 90%. Có một thời kỳ báo chí dựa nhiều vào nền tảng công nghệ để tạo nguồn thu.
Ví dụ, nguồn thu từ tìm kiếm thông tin trên các trang báo nhưng hiện nay, khi trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, thì người dùng khi cần tìm kiếm một điều gì đó, thay vì họ nhấp vào đường dẫn (link) trên báo để trả tiền thì họ đã có công cụ AI (trí tuệ nhân tạo).
Với công cụ này, họ nhìn thấy nội dung và không cần phải đi vào các trang báo nữa. Đây là nguy cơ báo chí đang phải đối diện và mất tới 50% "traffic" (số lượng người truy cập website). Điều này cũng đồng nghĩa với việc báo chí mất người đọc.
Nguồn thu từ thu phí đọc báo
Thu phí là câu chuyện mà báo chí thế giới tìm hiểu và thử nghiệm rất nhiều với cả thành công lẫn thất bại trước khi đạt những kết quả ngày hôm nay. Ví dụ, tờ NewYork Times (Mỹ) đã dựng lên chế độ thu phí rồi hạ xuống, rồi lại dựng lên. Washington Post (Mỹ) từng quyết định cạnh tranh bằng cách không thu phí nhưng rồi lại thu phí... Đến nay, hầu như các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đều thu phí người đọc.
Tại Việt Nam, tờ Việt Nam Plus (thuộc Thông tấn xã Việt Nam) đã thực hiện thu phí vào năm 2018 ở quy mô nhỏ. Một số cơ quan báo chí khác cũng đã thử nghiệm thu phí. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, đa số các báo đang trong tình trạng là chờ đợi xem những báo khác khác thử nghiệm ra sao thì mình hãy làm. Nếu tình trạng này càng kéo dài, chúng ta càng mắc lại sai lầm cũ.
Thu phí có rất nhiều cách như: cứ đọc bài là phải trả tiền, giới hạn số lượng bài đọc trong một khoảng thời gian nhất định (nếu vượt số đó thì phải trả tiền) hay hình thức một phần miễn phí, một phần thu phí… Nhưng dù theo cách nào thì thu phí là câu chuyện mà các cơ quan báo chí trên thế giới đang hướng tới.
Nguồn thu từ các hoạt động truyền thông
Có một xu hướng mà các cơ quan báo chí trên thế giới hiện nay đang làm, là trở thành đại diện truyền thông (agency). Sở dĩ như vậy vì chính các nhà báo là những người thành thạo nhất về những kỹ năng kể chuyện.
Có rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới, ví dụ như tạp chí thời trang Vogue (Mỹ) đã lập studio chuyên sản xuất những nội dung chất lượng cao cho quảng cáo; hay tờ NewYork Times cũng nổi tiếng trong việc sáng tạo nội dung; hãng CNN đã dùng studio để kể những câu chuyện truyền thông…
Ở Việt Nam, Báo Nhân Dân đã lập các chương trình nội dung mang tính quảng bá. Đây cũng là cách thức để tạo ra nguồn thu. Bên cạnh đó, có một số tờ báo như: Đầu tư, VNEconomy hay một số đơn vị khác cũng rất có kinh nghiệm trong tổ chức các hội nghị.
Bên cạnh việc trở thành đại diện truyền thông để tăng doanh thu, báo chí còn có thể tìm kiếm thêm nguồn thu từ các buổi talkshow (tọa đàm) có thu phí hay tổ chức những sự kiện với quy mô đông người như các buổi trình diễn nghệ thuật, lễ trao giải thưởng… Những sự kiện này tuy chưa phải là sự kiện để tạo nguồn thu nhưng có thể thu hút tài trợ.
Nguồn thu từ thương mại điện tử
Đây cũng là một hình thức mà các cơ quan báo chí thế giới đang hướng tới và đã thử nghiệm để tăng doanh thu. Ví dụ, ở Thái Lan đã có sự kết hợp khai thác nội dung sẵn có trên ấn phẩm báo in với mở cửa hàng online. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí còn có thể cung cấp dịch vụ công nghệ hay tổ chức nghiên cứu chuyên sâu và bán lại cho các tập đoàn, các tổ chức để tăng nguồn thu.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, đây là những xu hướng chính mà báo chí thế giới đang áp dụng để có thể tăng nguồn thu trong bối cảnh hiện tại và các cơ quan báo chí Việt Nam có thể học hỏi và lựa chọn mô hình phù hợp.
"Nhìn chung không có mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng nếu biết tận dụng phân khúc của mình thì sẽ rất hiệu quả. Báo chí nên quay trở lại với bản chất ban đầu, đó là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, phải gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp", ông Lê Quốc Minh chia sẻ.