4 sai lầm bố mẹ thường mắc phải biến con thành đứa trẻ hư
'Dạy con từ thuở còn thơ', đừng để 4 sai lầm dưới đây khiến bố mẹ tự mình dạy nên những đứa con hư
Nuôi dưỡng một đứa trẻ không hề dễ dàng, cả về mặt thể chất hay tinh thần. Và có những sai lầm mà nếu bố mẹ sớm để ý, sẽ tránh cho việc biến con trẻ thành những đứa trẻ hư:
1. Đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ
Ngày nay, hầu hết các gia đình đều có 1 đến 2 con, không chỉ là vì chính sách của từng giai đoạn mà còn vì tư tưởng, suy nghĩ của phụ huynh, muốn tập trung mọi nguồn lực từ kinh tế đến tình cảm để chăm sóc các con một cách tốt nhất. Trẻ em trở thành đối tượng bảo vệ, chăm sóc của cả gia đình. Chính vì thế, chúng càng chiếm vị thế quan trọng trong lòng người lớn và dễ được yêu chiều hơn.
Nhưng đừng để sự yêu chiều của phụ huynh hình thành nên tính cách muốn gì được nấy ở trẻ. Một khi quá dễ dàng được thỏa mãn mỗi khi đưa ra yêu cầu, chúng sẽ mặc định đó là điều đương nhiên và coi thường mọi thứ. Dù là công sức, sự hy sinh hay tiền bạc của bố mẹ, trong mắt chúng cũng sẽ là điều đương nhiên phải dành cho mình. Như vậy, đến khi yêu cầu không được thỏa mãn, trẻ sẽ không vừa ý, phàn nàn thậm chí là cáu gắt với bố mẹ.
Đừng để yêu chiều trở thành con dao sắc, mài giũa tính cách con bạn trở nên ích kỷ, tự lợi. Tuy nhiên, khi con đưa ra một yêu cầu mà bạn cho là vô lý, đừng chỉ từ chối mà hãy giải thích cho con hiểu lý do vì sao bạn từ chối. Hãy để trẻ hình thành những giá trị đúng đắn, giúp con trẻ học cách tư duy và trưởng thành hơn.
2. Làm suy giảm khả năng tập trung của trẻ
Nhiều bậc phụ huynh khi đưa con đi học lớp 1 sẽ ca thán cùng một chủ đề: con không tập trung, không thể ngồi yên một chỗ hay chăm chú làm được việc gì. Việc dạy con học cũng trở thành một cực hình với bố mẹ...
Nhưng hãy nhớ rằng, sự tập trung ở trẻ không phải do dạy dỗ nên, mà do bảo vệ được. Những đứa trẻ được sinh ra với sức tập trung khá cao, điều đó giúp chúng học hỏi, nhìn nhận thế giới xung quanh. Vì vậy, việc của người lớn là đừng quấy rầy chúng khi trẻ quan tâm đến một vấn đề gì đó, hãy để con trẻ được tự do hăng say khám phá thế giới khi còn bé, từ đó hình thành phẩm chất của sự tập trung.
Một đứa trẻ ít bị quấy rầy sẽ có khả năng tập trung cao hơn những đứa trẻ thường bị bố mẹ cắt ngang khỏi sự "bận rộn".
3. Không cho trẻ chạm vào bất cứ thứ gì
"Đừng, cái đấy bẩn lắm", "Đừng chạy, cẩn thận kẻo ngã"... đừng làm cái nọ, không được làm cái kia, đó là điều các ông bố bà mẹ hay ngăn cấm để tránh cho trẻ gặp phải những rắc rối mà người lớn biết nó tồn tại.
Nhưng sự tò mò là thiên tính của mỗi đứa trẻ, chúng cần được nhìn, chạm thậm chí là nếm thử để tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Đừng bắt con bạn phải là một đứa bé ngoan ngoãn ngồi im trên ghế, ăn mặc sạch đẹp không dính một hạt bụi. Điều đó không thực tế, ngược lại chỉ khiến đứa trẻ mất đi tính tò mò, khả năng khám phá và sáng tạo mà thôi. Chưa kể, nếu bị ngăn cấm trong thời gian dài, trẻ có thể bị trầm cảm.
Vậy nên, hãy để trẻ nghịch bẩn nhưng sau đó dạy trẻ tắm rửa sạch sẽ, hãy để trẻ té ngã và dạy chúng đứng lên, hãy để con bày bừa và dạy chúng thu dọn...
4. Dỗ dành trẻ một cách mù quáng
Tương tự như các trường hợp bên trên, sự dỗ dành một cách mù quáng là hệ lụy của việc lo sợ con gặp chuyện không hay. Chính vì sợ con đau, con khó chịu nên không cho con làm thứ này thứ kia và chỉ cần con khóc liền đau lòng mà dỗ dành, thỏa mãn những yêu cầu của con. Chắc bạn đã không ít lần nghe thấy bố mẹ, ông bà dỗ dành con/cháu bằng câu nói này rồi nhỉ: "Con bị ngã đau à? Cái ghế này làm con ngã à? Bố/mẹ/ông/bà đánh chừa nó nhé. Chừa này, làm con ngã này"...
Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Cái bàn, cái ghế, giường thậm chí là sàn nhà đều không cố ý làm trẻ ngã, chúng ngã do tò mò và không cẩn thận. Đổ lỗi cho những sự vật vô tri sẽ dạy trẻ khi phạm lỗi chỉ biết đổ lỗi cho tất cả tác nhân ngoại cảnh, từ đó sinh ra thói vô trách nhiệm.
Bên cạnh đó, nếu con không bị thương nặng khi ngã, đừng vì đau lòng mà vội vàng đỡ dậy. Hãy cổ vũ chúng tự đứng lên, để trẻ biết những nỗi đau nhỏ bé này chúng có thể tự đối mặt và xoay sở, không cần sự giúp đỡ từ người lớn.