4 sáng kiến độc đáo giúp cải thiện sức khỏe
Nhiều phát minh và sáng kiến thú vị đã được ứng dụng giúp con người có cuộc sống lành mạnh hơn, cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Thìa muối điện giúp giảm lượng tiêu thụ muối
Một công ty hoạt động trong lĩnh vực đồ uống và thực phẩm của Nhật Bản đã sáng chế ra một loại thìa muối đặc biệt nhằm giúp những người thích ăn mặn vẫn cảm thấy ngon miệng khi thưởng thức những món ăn ít muối, từ đó tránh nguy cơ mắc những bệnh do thừa muối gây ra như bệnh cao huyết áp và tim mạch.
Chiếc thìa muối điện tử của Công ty Kirin có trọng lượng 60 gam, được làm bằng nhựa và kim loại, chạy bằng pin lithium có thể sạc. Phó Giáo sư Hiromi Nakamura của Đại học Tokyo và Giáo sư Homei Miyashita của Đại học Meiji là những người sáng chế ra thìa muối điện. Họ đã được trao giải Ig Nobel Dinh dưỡng vào năm ngoái nhờ nghiên cứu về thiết bị có thể thay đổi vị giác. Ig Nobel là giải thưởng vinh danh những nghiên cứu bất thường và kỳ lạ.
Theo Giáo sư Homei Miyashita, chiếc thìa điện có các điểm tiếp xúc bằng kim loại truyền điện tích yếu đến lưỡi của người dùng, giúp hút các ion natri để tăng độ mặn của thực phẩm mà không cần cho thêm muối.
Khi bạn ăn thực phẩm ít muối, một số natri đó sẽ tiếp xúc với lưỡi của bạn nhưng không phải tất cả, vì vậy chúng tôi sử dụng dòng điện để thu hút natri vào lưỡi. Nó cho phép bạn thưởng thức hương vị đậm đà của một bữa ăn thông thường ngay cả khi giảm khoảng 1/3 lượng muối trong các món ăn.
Giáo sư Homei Miyashita - Đại học Meiji Nhật Bản.
Công ty cho biết công nghệ này có ý nghĩa đặc biệt ở Nhật Bản, nơi một người trưởng thành trung bình tiêu thụ khoảng 10 gam muối mỗi ngày, gấp đôi lượng muối được Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến nghị.
Thiết bị tạo độ mặn đã được công ty thử nghiệm qua nhiều hình thức để thuận tiện cho người sử dụng và thích hợp hơn với nhiều đối tượng khách hàng.
Trong tháng 5 này, Công ty Kirin dự kiến sẽ bán 200 chiếc thìa muối điện thông qua nền tảng trực tuyến với giá 19.800 yen ( tương đương với hơn 3.200.000 đồng một chiếc). Trong tháng 6 tới, một nhà bán lẻ của Nhật Bản cũng sẽ bán sản phẩm này với số lượng hạn chế. Công ty Kirin có kế hoạch bán ra nước ngoài từ năm 2025 và hy vọng sản phẩm thìa điện độc lạ của họ sẽ thu hút được một triệu người dùng trên toàn cầu trong 5 năm.
Trong ngành công nghiệp thực phẩm, thực phẩm có hàm lượng muối cao có xu hướng mang lại nhiều lợi nhuận nhất và phù hợp với những người lao động vốn ít thời gian chăm sóc bản thân. Nhưng trên thực tế, những thực phẩm chứa nhiều muối này có nguy cơ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các về bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ cho người sử dụng. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, trên toàn cầu mỗi năm có tới 4,1 triệu người tử vong do ăn thừa muối. Vì vậy, những phát minh và cả chính sách khuyến khích giảm lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày sẽ giúp mang lại kết quả nhanh chóng, khả thi, tiết kiệm chi phí và cuối cùng là bảo vệ sức khỏe của con người.
Hàn Quốc: Cuộc thi nâng cao nhận thức về giấc ngủ
Thiếu ngủ khiến nhiều người có nguy cơ đối mặt với các căn bệnh như Alzheimer, bệnh tim mạch, suy yếu chức năng miễn dịch, trầm cảm, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì. Dữ liệu năm 2021 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD thì thời gian ngủ trung bình của người dân Hàn Quốc là 471 phút mỗi ngày, ít hơn 30 phút so với mức trung bình của người dân các nước OECD.
Chất lượng giấc ngủ của người Hàn Quốc cũng ở mức thấp. Số bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ lên tới 1,09 triệu người vào năm 2022, tăng từ 855.000 người vào năm 2018. Văn hóa sống gấp, áp lực khiến người Hàn làm việc kéo dài là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu ngủ ở người Hàn Quốc. Mới đây, chính quyền thành phố Seoul đã tổ chức một cuộc thi ngủ tại Công viên sông Hàn với mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giấc ngủ. Cuộc thi đã thu hút 120 người tham gia trong đó chủ yếu là nhân viên và sinh viên.
100 người dân Hàn Quốc, trong đó 80% là người đi làm và sinh viên đã cùng tham gia cuộc thi ngủ tại Công viên Sông Hàn ở Thủ đô Seoul. Đây là cơ hội để họ được chợp mắt, quên đi những áp lực công việc tại quốc gia có chất lượng giấc ngủ thấp nhất thế giới.
Các nhà chức trách cũng sử dụng nhiều trò gây xao nhãng giấc ngủ như cù bằng lông, thì thào và tiếng muỗi bay để thử thách người tham gia. Người chiến thắng sẽ được xác định dựa trên sự chênh lệch lớn nhất giữa nhịp tim cơ bản và nhịp tim trung bình (biểu thị của giấc ngủ sâu). Chỉ số này được theo dõi 30 phút một lần bằng máy đo nhịp tim giống như chiếc băng đeo tay. Nhà tổ chức cho biết sự kiện này nhằm mục đích cung cấp cho những người thiếu ngủ một không gian để nghỉ ngơi. Còn những người tham gia thì hy vọng rằng sự kiện này sẽ gây chú ý hơn đến nhu cầu ngủ Hàn Quốc.
Đất nước chúng tôi nổi tiếng với xã hội cạnh tranh và tầm quan trọng của giấc ngủ dường như bị đánh giá thấp. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu cuộc thi này có thể giúp nâng cao nhận thức xã hội về giấc ngủ để thời gian làm việc ngắn hơn để con người hiện đại có thể ngủ đủ giấc.
Anh Son Ji Hong - Người tham gia cuộc thi ngủ.
Ngoài phần thi ngủ sẽ còn có phần thi mặc đẹp nhất để xem ai có bộ đồ ngủ sáng tạo nhất. Ba người ngủ ngon nhất và hai người mặc trang phục đẹp nhất nhận được các giải thưởng của ban tổ chức.
Theo Quốc hội Hàn Quốc, quốc gia này ghi nhận thời gian ngủ trung bình thấp nhất trong số các quốc gia OECD, với thời gian ngủ trung bình của người dân là 7 giờ 41 phút mỗi đêm, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của người dân các nước OECD là 8 giờ 22 phút.
Sức mạnh chữa lành của nghệ thuật
Trên thế giới, có gần 54 triệu người mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Thêm vào đó là 154 triệu người bị mắc trầm cảm. Các con số gần đây nhất chỉ ra rằng có gần 1 triệu người tự tử vì chứng bệnh này mỗi năm. Tuy nhiên người bị rối loạn tâm thần là một trong số những người ít được quan tâm nhất trên thế giới. Tại nhiều cộng đồng, bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý thực sự mà chỉ được xem như một sự khiếm khuyết trong tính cách. Viện Tâm thần Creedmoor của thành phố New York, Mỹ đã sáng tạo ra một không gian nghệ thuật dành riêng cho những người mắc bệnh tâm thần, giúp họ có thể “giải phóng bản thân” khỏi sự tiêu cực hoặc bạo lực và hòa nhập với mọi người.
Ẩn mình trong khuôn viên chăm sóc sức khỏe tâm thần rộng lớn của Viện Tâm thần Creedmoor của thành phố New York là Bảo tàng Sống, nơi mà những người mắc bệnh tâm thần lui tới để được sáng tạo ra những bức tranh hay giao lưu chia sẻ. Trong số đó có chị Paula Brooks, 45 tuổi. Chị thường xuyên đến Bảo tàng Sống kể từ những năm 1990 để tự mình học vẽ.
Theo Giám đốc Bảo tàng Sống, Tiến sĩ Mitra Reyhani Ghadim, đây vừa là studio làm việc vừa là không gian trưng bày bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật lớn nhất của những người mắc bệnh tâm thần ở Mỹ và các nước.
Ốc đảo chữa lành này được thành lập vào năm 1983 bởi nhà tâm lý học Creedmoor, Tiến sĩ Janos Marton và nghệ sĩ người Ba Lan Bolek Greczynski. Ngày nay, khoảng 70 nghệ sĩ làm việc tại địa điểm này, một tòa nhà hai tầng trước đây từng là quán ăn tự phục vụ của Creedmoor. Nhiều người trong số họ, chủ yếu là bệnh nhân ngoại trú ở Creedmoor, không được đào tạo chuyên môn giống như chị Paula Brooks.
Tạo ra ý thức cộng đồng và thúc đẩy sự thay đổi bản sắc là sứ mệnh của Bảo tàng Sống. Chị Brooks cho biết chị thật hạnh phúc khi được nhận món quà là 5 ngày tới bảo tàng để vẽ tranh. Bức tranh mới nhất của chị sẽ trưng bày tại bảo tàng, nơi giới thiệu hơn bốn thập kỷ hội họa, điêu khắc, tranh tường và tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của những người mắc bệnh tâm thần như chị. Bảo tàng Sống mở cửa cho công chúng theo lịch hẹn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Hành trình cứu con mắc bệnh teo cơ hiếm gặp
Bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne (DMD) là một chứng rối loạn cơ hiếm gặp nhưng là một trong những bệnh di truyền khiến khoảng hơn 3.500 trẻ sơ sinh nam mắc bệnh. Căn bệnh khiến trẻ bị teo cơ và không thể đi lại. Tại Chile, một một bà mẹ nghèo có con mắc căn bệnh này đã vượt qua hàng trăm km bằng đôi chân của mình với hy vọng quyên góp được 3,9 triệu USD chữa bệnh cho con và kêu gọi chính phủ quan tâm tới căn bệnh có thể gây bại liệt này.
Chị Camila Gómez sống tại thành phố Ancud, thuộc quần đảo Chiloe xa xôi thuộc miền Nam Chile. Tại đây không có bệnh viện lớn, các bệnh nhân thường phải tới thành phố gần nhất là Puerto Montt cách Ancud 50 km bằng đường biển. Vì vậy sau khi biết cậu con trai Tomaz mắc căn bệnh teo cơ Duchenne hiếm gặp, chị đã quyết định thực hiện hành trình đi bộ từ quê nhà tới thủ đô Santiago để quyên góp tiền mua thuốc chữa bệnh cho con trai.
Tại Chile chưa có thuốc chữa bệnh loại dưỡng cơ Duchene, nhưng tại Mỹ liệu trình Elevidys điều trị bệnh đã được FDA phê duyệt nhanh vào tháng 6 năm 2023. Tuy nhiên nó có có giá khoảng 3,2 triệu USD. Đối với chị Camila Gómez và nhiều người dân Chile thì đây là số tiền khổng lồ nhưng cũng là niềm hy vọng lớn của chị. Chị bắt đầu hành trình vào ngày 28 tháng 4. Và sau hơn 20 ngày đi bộ, chị đã hoàn thành 600 km và quyên góp được 70% số tiền.
Chị cho biết, chị sẽ tiếp tục hành trình dài 1.300 km tới tận Santiego để gây quỹ và để mọi người hiểu rõ hơn cũng như trợ giúp những bệnh nhân nghèo vượt qua căn bệnh này.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bên cạnh những tiến bộ khoa học giúp nâng cao sức khỏe và điều trị bệnh cho con người thì việc nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe và kiến thức về phòng chống bệnh cũng ngày càng được quan tâm. Chỉ khi có đầy đủ những nhận thức đó, mỗi cá nhân và cộng đồng mới có thể duy trì trạng thái sức khỏe và tinh thần tốt nhất, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/4-sang-kien-doc-dao-giup-cai-thien-suc-khoe-240383.htm