'4 tại chỗ và trách nhiệm quân nhân' trong phòng chống dịch Covid-19
Quân khu 1 đóng quân trên địa bàn 6 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có hai tỉnh biên giới Cao Bằng và Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị và sẵn sàng ứng phó xử trí mọi tình huống.
Phát huy tinh thần 4 tại chỗ
Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó tư lệnh Quân khu, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Quân khu 1 cho biết: "Ngay sau khi quân khu họp triển khai phòng, chống dịch, Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của quân khu đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng xem nhiệm vụ chống dịch như nhiệm vụ SSCĐ, cần sự chung tay, vào cuộc của tất cả các lực lượng, theo phương châm thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế trên tinh thần bốn tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Để kịp thời chỉ đạo công tác chống dịch, Quân khu 1 đã thành lập các đoàn công tác, thường xuyên kiểm tra việc tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị, địa phương. Bộ tư lệnh Quân khu yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý, nắm chắc quân số, tư tưởng bộ đội, không được chủ quan để dịch bệnh lây lan vào cơ quan, đơn vị, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bộ đội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân về đặc điểm của dịch bệnh, cách thức thứ tự theo dõi sức khỏe, khai báo khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh và nắm chắc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; bảo đảm tốt vệ sinh doanh trại, môi trường đơn vị và vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát kiện toàn các tổ, đội quân y kịp thời phòng, chống dịch đạt hiệu quả; các bệnh viện, bệnh xá củng cố cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức thu dung, cách ly, điều trị, huấn luyện sẵn sàng thu dung, cấp cứu điều trị người bệnh; các đơn vị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu cấp trên, chủ động nắm chắc diễn biến dịch bệnh, triển khai các bước theo từng cấp độ của dịch bệnh.
Sẵn sàng và chủ động để đón người dân về cách ly an toàn
Để đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất theo tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận đã tổ chức dồn dịch chỗ ở, nhường doanh trại và những tiện nghi sinh hoạt thường ngày cho bà con ở khu vực cách ly. Lực lượng y tế Bộ CHQS các tỉnh đã phối hợp với sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật tại địa phương, tổ chức phun khử trùng toàn bộ khu vực cách ly và quanh đơn vị 2 lần/ngày; thường trực 2 tổ dân y và quân y trực 24/24 tại khu vực tiến hành giám sát, theo dõi sức khỏe công dân trong thời gian 14 ngày.
Đại tá Trần Minh Toản, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu cho biết: “Quân khu đã thành lập 13 tổ phòng, chống dịch từ các bệnh viện quân y, bệnh xá quân y đơn vị và đội y học dự phòng; thành lập 2 đội cơ động phòng, chống dịch; 2 tổ chuyên khoa tăng cường của Bệnh viện Quân y 110 và 91; huy động 200 giường bệnh (Bệnh viện Quân y 110 có 120 giường; Bệnh viện Quân y 91 có 80 giường); đồng thời tích cực kiểm tra các cơ sở quân y, chuẩn bị thuốc, hóa chất, vật tư và cơ số phòng, chống dịch; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động nắm bắt thông tin về bệnh dịch và tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.
Trao đổi với Thiếu úy Trần Minh Công, bác sĩ Bệnh viện quân y 110 khi đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19 tại Trường Quân sự tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi được biết, anh cùng đoàn công tác của Bệnh viện quân y 110 có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe cho công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc, nếu phát hiện tình trạng ốm, sốt, ho… sẽ kịp thời chuyển đến các cơ sở y tế để cách ly, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Những trường hợp còn lại khi chuyển về khu tập trung theo dõi dịch sẽ được kiểm tra y tế, đo thân nhiệt mỗi ngày 2 lần trong suốt quá trình cách ly 14 ngày để đảm bảo dịch bệnh không bị lây lan.
Cùng với việc thường xuyên giám sát, kiểm tra sức khỏe, Bộ CHQS các tỉnh đã bố trí các khu tiếp nhận dành cho nam và nữ riêng biệt; tích cực tuyên truyền về tác hại và cách phòng, chống dịch cho người dân với nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống truyền thanh nội; tổ chức lắp đặt tivi, mạng internet để bảo đảm đời sống tinh thần và để người dân tiện theo dõi diễn biến của dịch bệnh; cơ quan Quân nhu bảo đảm đủ quân trang gồm: vỏ chăn, ruột chăn bông, màn tuyn, kem đánh răng, bàn chải, xà phòng tắm, giặt và dầu gội đầu; phối hợp với Sở Y tế địa phương xây dựng thực đơn bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng, đúng chế độ tiêu chuẩn; thành lập tổ nuôi quân, tổ tiếp tế cơm nước để bảo đảm ăn uống cho nhân dân tại khu vực cách ly; tổ chức nấu ăn tập trung, chia ăn theo suất vào hộp xốp dùng 1 lần, sau ăn sẽ thu gom và tiêu hủy tại lò đốt rác của đơn vị.
Cảm động trước sự tận tụy của bộ đội
Anh Hoàng Anh Hòa cùng vợ là chị Lê Thị Bình Yên, quê ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Từ khi vợ chồng mình về Trung đoàn 852 (Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng), được đơn vị bảo đảm khá đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, cơm bộ đội nấu rất ngon và thực đơn ăn uống cũng được thay đổi thường xuyên".
Chị Nguyễn Thị Huyền, quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh) được đưa về khu tập trung theo dõi dịch sau chuyến du lịch tại Trung Quốc thì tỏ ra khá ấn tượng bởi sự phục vụ chu đáo của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123 (Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn). Chị cho biết mình cùng mọi người được bố trí nơi ăn, nghỉ và sinh hoạt rất thuận tiện. Người thân ở quê nhà cũng gọi điện động viên yên tâm ở khu cách ly để được kiểm tra, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất và quan trọng hơn là tạo điều kiện góp phần giúp Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19 triệt để.
Thăm hỏi công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc trong diện tập trung theo dõi dịch, Thiếu tướng Phan Văn Tường và đoàn công tác đã chia sẻ những khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày; động viên người dân khắc phục khó khăn, phối hợp cùng các cấp thực hiện đúng quy định tập trung theo dõi dịch bệnh trong thời gian 14 ngày. Đoàn công tác cũng đã tặng quà cho 12 cháu nhỏ cùng gia đình đang cách ly tại Trung đoàn 123 (Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn), mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng. Cảm động trước sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể và đơn vị nói chung, đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân khu nói riêng, chị Vũ Thị Mai Loan có con nhỏ là cháu Vương Mỹ Kỳ, quê ở thành phố Thanh Hóa cho biết sẽ khắc phục khó khăn, thực hiện tốt quy định của Nhà nước để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Thực tế những ngày qua cho thấy công tác phòng dịch bệnh do dịch Covid-19 trên địa bàn quân khu đã và đang được triển khai kịp thời, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và triệt để; công tác khoanh vùng, khống chế sự lây lan dịch bệnh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian tới, cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục với hàng loạt biện pháp ứng phó quyết liệt, thậm chí ở mức cao hơn so với những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tình hình dẫu còn phức tạp, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 1 cùng cấp ủy, chính quyền địa phương… cũng như ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng của người dân là cơ sở để tin rằng LLVT Quân khu sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương vượt qua dịch bệnh với thiệt hại về sức khỏe ở mức thấp nhất.
Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng triển khai chống dịch, Quân khu 1 dự kiến bảo đảm cơ sở vật chất, tổ chức tiếp nhận, cách ly khoảng 2.800 công dân Việt Nam lao động, học tập, công tác từ Trung Quốc trở về qua 2 tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn; đồng thời sẵn sàng bố trí thêm địa điểm tại các đơn vị thuộc tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên khi xảy ra tình trạng quá tải.