4 thế hệ đảng viên trong một gia đình
Một gia đình có 3 hoặc 4 thế hệ đảng viên không phải là hiếm ở miền Tây Nam bộ. Ở ấp Phước Thuận, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cũng có 4 thế hệ đảng viên trong một gia đình, đều là những người gương mẫu, trách nhiệm, có uy tín ở cơ sở.
Đó là gia đình má Hai Trần Thị Điểu (gọi thân mật là má Hai). Má được kết nạp vào Đảng năm 1960, vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. Gia đình má có 8 đảng viên, thuộc 4 thế hệ. Hiện nay gia đình má chỉ còn có cháu ngoại và cháu cố, với 3 đảng viên.
Má làm như “bí thư chi bộ” không bằng!
Chồng má Hai bị bệnh mất sớm, má ở vậy sống với 3 người con gái và 1 người con trai. Sau đó, người con gái út Lê Thị Nga thoát ly lên Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) công tác; con trai Lê Văn Tám, Xã đội trưởng, hy sinh năm 1968. Má và 3 người con gái đều là đảng viên. 2 người con gái sống kề cận bên má thường xuyên là chị Lê Thị Tuyết (tên thường gọi Tư Cụt) và Lê Thị Thanh (Năm Đen).
Vào khoảng tháng 3-1970, quân ta chuẩn bị bước vào chiến dịch ABC. Người viết bài này lúc đó là Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 267 b Quân khu 2 (Quân khu 8 sau này), được điều động về chiến trường phía Tây vành đai TP. Mỹ Tho và vành đai Bình Đức tham gia chiến dịch. Một bữa nọ, lợi dụng lúc không có lính càn, tôi phục trang thành người nông dân làm rẫy, lặn lội ra nhà má Hai ngoài đồng (gần đồn địch) để nhờ má giúp đỡ về hậu cần cho bộ đội.
Má Hai liền kêu chị Tư Cụt và Năm Đen đến giao nhiệm vụ: “Con Năm Đen ăn nói khéo léo, đi vận động bà con trong xóm ủng hộ tiền, gạo. Con Tư Cụt coi còn bao nhiêu tiền vét hết đi mua gạo, nếp, thức ăn. Tao ở nhà lo nấu bánh tét. Còn mấy đứa nhỏ (cháu ngoại) canh gác, coi chừng mấy thằng lính đồn bung ra; cử một đứa đem thuốc vô địa hình cho mấy đứa bộ đội nó hút…”.
“Má làm như “bí thư chi bộ” không bằng!” - chị Năm Đen đứng dậy, đi ra ngoài, còn nói câu “trách yêu”.
Má Hai xuất thân từ gia đình nghèo, không được học hành, nhưng rất dũng cảm, giỏi tính toán, tổ chức nuôi giấu cán bộ cách mạng bám trụ trong lòng địch; tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội đánh giặc lúc khó khăn; sẵn sàng đấu tranh trực diện xin thi thể bộ đội, du kích, cán bộ ta hy sinh bị địch lôi về đồn hoặc đem ra Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A) phơi nắng…
Có lần má Hai bị bọn lính ác ôn đánh đập tàn nhẫn, bắt giam vì tội dám nhận thi thể “Việt cộng”, nhưng khi ra tù, hễ nghe ở đâu có thi thể bộ đội, cán bộ ta là má đến đấu tranh đòi đem về. Tính từ năm 1968 đến năm 1975, má Hai đã trực tiếp và cùng bà con đem trên 10 thi thể liệt sĩ về quê nhà chôn cất đàng hoàng. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, ngành chức năng tỉnh đã đến quy tập hết về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.
Đặc biệt, má Hai còn làm tốt công tác chính trị tư tưởng, giáo dục, động viên con, cháu và người dân trong ấp theo má làm cách mạng. Từ việc nhỏ cho đến việc lớn má Hai đều có kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo...
Một ngày gần cuối tháng Chạp năm Kỷ Hợi 2019, trong căn nhà cấp bốn đơn sơ nằm sâu trong ấp Phước Thuận của anh Võ Văn Bé, 64 tuổi đời, 33 năm tuổi Đảng, là cháu ngoại của má Hai (con trai của chị Tư Cụt), có thâm niên 25 năm làm bí thư chi bộ ấp, hiện kiêm luôn nhiệm vụ Trưởng ấp Phước Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2022, thờ cúng má Hai, ấm áp tình đồng đội.
Nhắc lại má Hai và những người thân trong gia đình đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, anh Bé kể trong nước mắt: “Ngoại tôi không ngại hiểm nguy, hy sinh, mấy chục năm nuôi giấu cán bộ cách mạng, cầm súng đánh giặc. Các mẹ, cậu, dì tôi đều là cán bộ, đảng viên, có nhiều cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, đến khi hòa bình, đất nước đổi mới, hội nhập, phát triển tiếc là không ai còn sống. Tôi là đảng viên đầu tiên thế hệ thứ ba của gia đình. Nhờ sự dìu dắt của những thế hệ đảng viên đi trước mà tôi trưởng thành được như ngày hôm nay. Tôi rất biết ơn những người đi trước, nhất là bà ngoại tôi” - anh Bé tâm sự.
Theo lời kể của anh Bé: “Tối 13-4-1971, trong chuyến đi công tác từ địa bàn xã Phước Thạnh đến xã Trung An (TP. Mỹ Tho), anh Năm Hóa là cán bộ địch vận TP. Mỹ Tho, chẳng may vướng mìn lây-mo của địch gài bị gãy chân. Bọn lính đồn Chùa Cô Tám gần đó bung ra nổ súng truy lùng gắt gao. Thay vì bò ra ngoài, anh Năm Hóa mưu trí dùng khăn rằn buộc chặt chân gãy lại, cố lết ngược vào hàng rào bót của địch để đánh lạc hướng.
Thấy có dấu máu, chúng biết anh Năm Hóa bị thương. Sáng hôm sau, bọn lính đồn Chùa Cô Tám phối hợp với lính bảo an Định Tường tiếp tục truy lùng hòng bắt cho được anh Năm Hóa. Bà con ở ngoài đồng và anh em trong đơn vị đều nóng lòng không biết làm sao để cứu anh Năm.
Bỗng nhiên có vợ lính đi hái rau trong đồn địch ra về ngang qua nhà ngoại tôi nói: “Có ông “Việt cộng” bị thương gãy chân nằm trong hàng rào bót, vô cứu đi!…”. Nói xong, người vợ lính này đi, hướng Quốc lộ 4. Nghe vậy, ngoại, mẹ tôi, dì Năm Đen và anh Một Xíu, là người hàng xóm mừng rơn, một mặt báo tin cho đơn vị, một mặt bàn cách cứu anh Năm Hóa. Ngoại phân công anh Một Xíu và dì Năm Đen giả vờ vào hàng rào bót hái rau, tìm cách tiếp cận chỗ anh Năm Hóa nằm. Ngoại và má tôi thì dùng rơm rải dọc bờ kinh đốt khói để che mắt địch.
Trong lúc bọn lính đang tập trung lùng sục trong vườn, lợi dụng khói rơm mù mịt, anh Một Xíu và dì Năm Đen khiêng anh Năm Hóa bò cặp bờ kinh ra khỏi vòng vây địch mà bọn chúng không hề hay biết. Vì máu ra nhiều suốt một đêm nên anh Năm Hóa gần như kiệt sức, nếu để ngoài đồng chờ đến tối mới chuyển anh vào địa hình để điều trị thì chắc anh hy sinh. May thay, lúc đó quân y Lê Thị Hiếu Tâm (Mười Nhong) là Trưởng trạm xá 1 (ở địa bàn xã Thạnh Phú) có mặt tại địa bàn xã Phước Thạnh.
Nghe tin anh Năm Hóa gặp nạn, chị Mười Tâm khăng khăng xin được ra đồng để cứu chữa anh Năm Hóa. Vì sự an toàn tính mạng cho cán bộ, nên chỉ huy không đồng ý, nhưng chị Mười Tâm vẫn kiên quyết một mình ra đồng để cứu anh Năm Hóa.
Chị mặc áo trắng cũ, đội nón lá rách giả vờ dân làm rẫy, lận đồ nghề vượt qua tuyến lựu đạn gài, ra đồng đến nhà má Hai gặp anh Năm Hóa. Mọi người thấy chị ra, ai cũng mừng đến rơi nước mắt. Sau khi sơ cứu, chích thuốc, anh Năm Hóa dần tỉnh lại, được ngoại tôi tìm cách tổ chức đưa anh vào địa hình an toàn…”.
Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình
Má Hai Trần Thị Điểu được kết nạp Đảng vào năm 1960, là đảng viên thế hệ thứ nhất của gia đình và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 6-11-1978. Đảng viên thế hệ thứ hai của gia đình gồm có: Bà Lê Thị Tuyết (Tư Cụt), sinh năm 1935, là cán bộ Hội Phụ nữ xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành thời chống Mỹ, bệnh mất năm 1998; bà Lê Thị Thanh (Năm Đen) sinh năm 1938, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Châu Thành, do trong chiến tranh bị địch bắt vào tù ra khám như cơm bữa và bị chúng tra tấn dã man, nên năm 1995 bà mất do di chứng bệnh phổi; bà Lê Thị Nga, sinh năm 1948, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý thị trường quận 8, TP. Hồ Chí Minh; Liệt sĩ Lê Văn Tám, sinh năm 1950, Xã đội trưởng Phước Thạnh, hy sinh năm 1968. Truyền thống cách mạng của gia đình còn lan tỏa sang đảng viên thế hệ thứ ba.
Ngoài Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Phước Thuận Võ Văn Bé, người con trai thứ ba của bà Tư Cụt; còn có Đại tá Võ Văn Năm, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành, là con trai út của bà Tư Cụt. Không chỉ 7 người là mẹ, con, cháu ruột thịt là đảng viên thuộc 3 thế hệ, mà còn nhiều con dâu, rể cũng là cán bộ, công chức, viên chức có uy tín, thuộc đảng viên thế hệ thứ tư của gia đình nữ Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Điểu.
“Đứa con rể của tôi là Hồng Tấn Phát, đảng viên thế hệ thứ tư của gia đình. Cháu là đảng viên trẻ, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho” - anh Bé cho biết thêm.