4 thương gia giàu có bậc nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20 là ai?
Ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba, vua đường thủy Bạch Thái Bưởi, doanh nhân Trịnh Văn Bô, ông tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà là những đại gia Việt giàu có tiêu biểu trong những năm đầu thế kỷ 20.
Ông “vua tàu thủy Việt Nam”
Nhắc đến những đại gia giàu có nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20, doanh nhân Bạch Thái Bưởi được liệt vào hàng “tứ đại gia” không chỉ của Việt Nam mà là xứ Đông Dương. Ông được nhắc đến nhiều như một nhân vật làm rạng danh cho giới doanh nhân Việt Nam với biệt danh "Chúa sông Bắc Kỳ, vua tàu thủy Việt Nam.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (SN 1874) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, họ Đỗ tại làng An Phúc (Hà Đông). Cha ông mất sớm, nên ông phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong.
Năm 20 tuổi, ông làm thư ký cho một hãng buôn của người Pháp tại Hà Nội, sau chuyển sang hãng thầu công chính. Ông cũng từng được chính thống sứ Bắc kỳ chọn sang Pháp làm người giới thiệu gian hàng tại hội chợ Bordeaux.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang đường sá, xây dựng cầu cống, Bạch Thái Bưởi dốc hết vốn liếng dành dụm bấy lâu hùn với một người Pháp vào việc lãnh thầu cung cấp tà-vẹt cho công trình này. Sau đó, ông mở một hiệu cầm đồ ở Nam Định, rồi lãnh thêm việc thầu thuế ở các chợ tại Vinh, Nam Định, Thanh Hóa…
Thời kỳ đó, ông còn lấn sân sang lĩnh vực in ấn và bỏ tiền ra mở “Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi” (sau là Đông Kinh ấn quán), xuất bản tờ “Khai hóa nhật báo” nhằm cổ động phong trào thực nghiệp ở nước ta.
Nghiệp kinh doanh đem đến danh tiếng lẫy lừng cho doanh nhân họ Bạch bắt đầu vào năm 1909, khi ông thuê lại ba chiếc tàu của một doanh nghiệp Pháp và mở tuyến giao thông đường biển Nam Định - Hà Nội - Bên Thủy. Tháng 4/1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng với cơ ngơi đồ sộ nằm trên bờ sông Tam Bạc. Ông chính thức tuyên bố thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty, điều hành 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Tuyên Quang, vươn ra đến tận các nước như Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore...
Doanh nhân Trịnh Văn Bô - người giàu có bậc nhất Hà thành
Ông Trịnh Văn Bô (1914 - 1988) cùng vợ là chủ nhân của cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi đặt tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Giữa năm 1940, ông được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà Thành, có bạn hàng tại các nước Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt và có kinh doanh cả ngành bất động sản.
Tên tuổi của doanh nhân Trịnh Văn Bô được biết đến nhiều nhất qua nhiều hoạt động từ thiện và sự đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Là thương nhân giàu có, nhưng gia đình ông lại kinh doanh trên triết lý "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức".
Tầng hai của hiệu buôn sầm uất Phúc Lợi từng là nơi ở của nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng cấp cao của Việt Nam khi chuyển hoạt động từ chiến khu về Hà Nội.
Sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, ngân khố quốc gia khi đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó đa phần đã rách nát, không thể tiêu dùng được. Khi "Tuần lễ vàng" được phát động, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.
Ông tổ nghề sơn nước Nguyễn Sơn Hà
Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà (SN 1894, tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây nay là Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có 7 anh em. Cha mất khi ông mới 14 tuổi, ông phải bỏ học xin làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp. Sau đó do lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.
Nung nấu ý chí tạo dựng một hãng sơn dầu của riêng người Việt, năm 1917, khi đã nắm giữ được những công nghệ của ngành sản xuất sơn và tích cóp được kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của người Pháp, ông bắt đầu thực hiện ước mơ của mình.
Để có tiền làm vốn, ông bán chiếc xe đạp rồi mở một cửa hiệu nhỏ chuyên nhân việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa. Bên cạnh đó, ông âm thầm chế tạo thử sơn dầu.
Cuối cùng, sau rất nhiều gian nan, mẻ sơn đầu tiên mà gia đình ông Nguyễn Sơn Hà tung ra thị trường là thương hiệu sơn “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”. Chất lượng và giá cả sơn của ông đã chinh phục cả người tiêu dùng Pháp và Việt.
Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, thương hiệu sơn Resistanco của ông Nguyễn Sơn Hà vượt biên giới sang Phnôm Pênh, Viên Chăn, Xiêm… và được ưa chuộng đến mức làm không đủ bán. Người Pháp tìm đủ mọi cách chèn ép việc kinh doanh của gia đình, nhưng ông quyết giữ sự hưng thịnh của nền công nghiệp bản địa, khiến nhà cầm quyền phương Tây phải kinh sợ.
Doanh nhân Trương Văn Bền – chủ thương hiệu xà bông “Cô Ba” nức tiếng
Ông Trương Văn Bền - chủ sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba là một trong những doanh nhân nổi danh nhất thương trường Việt Nam vào những năm 1930. Thời đó, hình ảnh bánh xà bông in hình người phụ nữ Việt đẹp phúc hậu trở thành thương hiệu đình đám khắp cả nước, đánh bật hàng loạt thương hiệu ngoại.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thủ công ở Chợ Lớn (Sài Gòn), năm 25 tuổi, ông Trương Văn Bền lập nhà máy ép dầu dừa, rồi nhà máy xay lúa, đồn điền cao su cỡ nhỏ và công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười.
Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập tại đường Quai de Cambodge (trước chợ Kim Biên bây giờ), ban đầu sản xuất 600 tấn xà bông giặt mỗi tháng.
Trước ngày giải phóng, xà bông Cô Ba của doanh nhân Trương Văn Bền không có đối thủ trên thị trường nội địa, thậm chí đánh bật cả sản phẩm của Pháp là xà bông Marseilles. Ngoài Việt Nam, xà bông Cô Ba được dùng rộng rãi ở Lào và Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie) và một số các nước châu Phi.
Cho tới những năm 1990, xà bông Cô Ba vẫn tạo lập được thị phần rộng lớn trên toàn quốc, và chỉ lui về sau khi hàng loạt sản phẩm của các hãng nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua.