'4 tỉnh ở Tây Nguyên chưa có mét đường cao tốc nào'

'Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông chưa có một mét đường cao tốc nào. Mạng lưới giao thông xuống cấp trầm trọng', đại biểu Nguyễn Duy Hữu tâm tư.

Câu chuyện giao thông kết nối vùng một lần nữa "nóng" ở diễn đàn Quốc hội. Tham gia thảo luận tại phiên họp Quốc hội chiều 5/11, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (đoàn Đắk Lắk) nêu nhiều kiến nghị tới Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Không chỉ đại biểu Hữu, trong 4 ngày làm việc vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nêu kiến nghị, ý kiến đóng góp việc thúc đẩy mạng lưới giao thông địa phương và các vùng kinh tế.

Ngân sách địa phương không đủ khả năng

Theo đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Đắk Lắk có 7 quốc lộ đi qua với 763 km đường và 140 cây cầu. Tỉnh được giao quản lý 3 quốc lộ là quốc lộ 14C, 7, 29 và 11 tỉnh lộ. Tuy nhiên, việc triển khai xây mới, nâng cấp rất ì ạch vì thiếu vốn.

Ông Hữu nói trừ đường Hồ Chí Minh, các đường tỉnh lộ, quốc lộ và đường nội đô đã xuống cấp trầm trọng, có chỗ không lưu thông được.

"Tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông thuộc Tây Nguyên chưa có một mét đường cao tốc nào, mạng lưới giao thông xuống cấp trầm trọng", vị đại biểu bày tỏ.

 Đại biểu Nguyễn Duy Hữu nêu nhiều khó khăn ở địa phương khi phát triển hạ tầng giao thông.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu nêu nhiều khó khăn ở địa phương khi phát triển hạ tầng giao thông.

Ông Hữu mong Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, xem xét, có kế hoạch cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông của tỉnh khi ngân sách địa phương không đủ khả năng thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu mong Chính phủ sớm chỉ đạo đầu tư các tuyến cao tốc nối các tỉnh Tây Nguyên với duyên hải miền Trung như: Đắk Lắk - Nha Trang, Đắk Nông - Bình Phước, Gia Lai - Bình Định và Kon Tum - Quảng Nam.

Theo ông Hữu, các tuyến đường này sẽ giúp lưu thông hàng triệu tấn hàng hóa của Tây Nguyên đi thị trường trong nước và quốc tế.

Có cùng kiến nghị về việc phát triển hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) mong Quốc hội, Chính phủ ưu tiên sớm triển khai tuyến cao tốc từ Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau. Bà nhấn mạnh đây là các tuyến đường trọng điểm, các trục kết nối ngang, kết nối dọc của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, đại biểu mong muốn các tuyến quốc lộ 53, 54, 57, 80 được mở rộng, chỉnh trang, phục vụ kết nối các tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh, thành khác trong cả nước.

Theo bà Quyên Thanh, giải quyết được bài toán kết nối là giải quyết được những vấn đề căn cơ, cốt lõi vì đây là vùng có ý nghĩa chiến lược trong nông nghiệp, an ninh lương thực, xuất khẩu thủy sản, trái cây; nhất là khi nước ta đang đối mặt với thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn...

Cần coi phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm

Trong 4 ngày 2-5/11, nhiều vấn đề bức xúc của cử tri liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông đã được các đại biểu nêu ra, có thể tóm gọn lại trong 2 nhóm ý kiến.

Một là dự án chậm triển khai như các tuyến metro, cao tốc liên tỉnh, liên vùng. Và hai là sự trì trệ trong chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường cũ, đặc biệt là quốc lộ có tính huyết mạch, liên vùng...

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) mong muốn Quốc hội, Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng tại vùng biên. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Bà Hà cho rằng những tuyến này sẽ giúp kết nối các tỉnh biên giới với thị trường Trung Quốc, thúc đẩy xuất, nhập khẩu, giao thương. Ngoài ra, đại biểu mong sớm xây dựng, hoàn chỉnh cao tốc nối Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, đặc biệt là cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Hà Giang.

 Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang).

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang).

Truyền đạt nguyện vọng cử tri tại đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) cho biết vùng có tới 80% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng TP.HCM để xuất khẩu. Do chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên thường xuyên xuất hiện điểm nghẽn gây ùn tắc giao thông, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, gây thất thoát về kinh tế.

Đại biểu tỉnh Sóc Trăng nêu kiến nghị xây dựng 3 dự án lớn. Một là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đi qua 5 tỉnh, thành phố phía Nam là Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Hai là dự án tuyến đường ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu. Và ba là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề, kết nối cảng nước sâu Trần Đề đến trung tâm TP Cần Thơ.

Bà Hồ Thị Cẩm Đào nhấn mạnh 3 tuyến đường này sẽ thúc đẩy kinh tế, giảm đáng kể chi phí vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa, góp phần phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt và nâng cấp hạ tầng du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lên một tầm cao mới.

Lời hứa của bộ trưởng

Điểm nghẽn tại các dự án hạ tầng giao thông phía Nam đã được đặt ra trong nhiều kỳ Quốc hội, tuy nhiên, ngành giao thông vẫn chưa thể làm các đại biểu yên tâm. Điều kiện đường sá, kết nối hiện tại không đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực này với mũi nhọn là TP.HCM.

Đăng đàn trả lời về vấn đề này tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cam kết ưu tiên cho giao thông phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, Bộ sẽ ưu tiên cho đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối TP.HCM với các tỉnh. Về trục dọc, tập trung cho tuyến cao tốc TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau; quốc lộ N2 từ Củ Chi đi Kiên Giang và nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 60.

 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể hứa hẹn có nhiều tuyến cao tốc cho cử tri phía Nam tại kỳ họp trước.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể hứa hẹn có nhiều tuyến cao tốc cho cử tri phía Nam tại kỳ họp trước.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tập trung thêm 4 dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long là quốc lộ 62, quốc lộ 30, cao tốc nối Châu Đốc, Cần Thơ và Sóc Trăng và cao tốc Kiên Giang đi Bạc Liêu. Khu vực miền Đông Nam Bộ sẽ được đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc song song với quốc lộ 22 nối TP.HCM với Tây Ninh, cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu và một số dự án trọng điểm khác…

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bộ GTVT tham mưu Chính phủ, Quốc hội đầu tư tuyến cao tốc kết nối Hà Nội - TP.HCM khoảng 1.700 km. Ngoài ra, Bộ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để có một số dự án kết nối từ Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai…

Người đứng đầu Bộ GTVT nhấn mạnh đây đều là các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, kết nối các vùng miền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Nghiên cứu thì nhiều, nhưng quyền quyết định vẫn là của Quốc hội, rất mong các đại biểu nghiên cứu, xem xét các dự án trọng điểm để đẩy nhanh trong thời gian tới”, ông Thể nói.

Sơn Hà
Ảnh: Báo Gia Lai - Quốc hội

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-tinh-o-tay-nguyen-chua-co-met-duong-cao-toc-nao-post1149973.html