4 trận động đất liên tiếp, người dân miền Trung, Tây Nguyên thấy rõ rung lắc

Sáng và trưa 28/7, huyện Kon Plông, Kon Tum liên tiếp xảy ra 4 trận động đất liên tiếp tăng dần lên tới 5.0 độ richter khiến người dân tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cảm nhận rõ sự rung lắc, đồ đạc dịch chuyển.

Cụ thể, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết, vào hồi 04 giờ 35 phút 10 giây (giờ GMT) ngày 28 tháng 7 năm 2024 tức 11 giờ 35 phút 10 giây (giờ Hà Nội) ngày 28 tháng 7 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 5.0 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Trận động đất 5.0 độ richter là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Kon Plông có độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại tâm chấn và lân cận. Trước đó cũng trong sáng nay, tại Kon Plông cũng xảy ra 3 trận 4.1, 3.3 và 3.4 độ richter.

Động đất 5 độ Richter xảy ra tại Kontum vào lúc 11 giờ 35 phút sáng nay. Rung chấn cảm nhận rõ cả ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Cảnh người dân ở một khu chung cư của Đà Nẵng chạy ra khỏi nhà khi cảm nhận rung lắc. Ảnh: FBĐNCT

Động đất 5 độ Richter xảy ra tại Kontum vào lúc 11 giờ 35 phút sáng nay. Rung chấn cảm nhận rõ cả ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Cảnh người dân ở một khu chung cư của Đà Nẵng chạy ra khỏi nhà khi cảm nhận rung lắc. Ảnh: FBĐNCT

Không chỉ người dân sống ở khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ rung lắc mà các tỉnh thành lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế…..đều thấy rõ rung chấn của hai trận động đất này. Lúc 11 giờ 35, cách Kon Plông hơn 100 km, một số người dân ở TP Pleiku cảm nhận được sự rung chấn do động đất. Một số người dân cho biết dù đang ở tầng hai của ngôi nhà nhưng thấy rung lắc, cửa va đập nhẹ kéo dài khoảng 5 giây. Ban đầu nhiều người nghĩ là gió thổi khiến cánh cửa rung chuyển. Tuy nhiên sau đó vài giây, sau đó người dân đã cảm nhận thấy mặt đất dưới chân đang rung chuyển nên một số người đã vội chạy khỏi nhà. Thấy nhà rung lắc, nhiều người hoảng sợ phải bỏ chạy ra ngoài, hô hoán hàng xóm cảnh giác. Nhiều hộ dân ở TP Kon Tum cũng cho biết thời điểm này nhà cửa bị rung lắc nhẹ.

Tại TP Quảng Ngãi cách tâm xảy ra động đất khoảng 150 km, người dân cũng bất ngờ thấy nhà rung. Tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, cách tâm chấn hơn 100 km nhiều người dân cũng cảm nhận được trận động đất. Tại Đà Nẵng, lúc 11 giờ 35 phút, nhiều người dân cảm nhận được rung lắc do động đất. Một số người dân ở Đà Nẵng cho biết đồ đạc nhẹ để trên kệ, trên bàn bị rung lắc khoảng 8 giây đến 15 giây, đồ đạc bị dịch chuyển nhẹ. Sau đó khoảng 5 phút, một số người dân ở đường Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng cũng cảm nhận đợt rung lắc thứ 2, kéo dài khoảng 5 giây.

Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút tại Kon Tum có độ lớn 5.0 richter. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút tại Kon Tum có độ lớn 5.0 richter. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Trước đó, vào hồi 04 giờ 17 phút 46 giây (giờ GMT) ngày 28 tháng 7 năm 2024 tức 11 giờ 17 phút 46 giây (giờ Hà Nội) ngày 28 tháng 7 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 4.1 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.851 độ vĩ Bắc, 108.327 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.3 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 17 phút tại Kon Tum có độ lớn 4.1 richter. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 17 phút tại Kon Tum có độ lớn 4.1 richter. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Vào hồi 01 giờ 35 phút 29 giây (giờ GMT) ngày 28 tháng 7 năm 2024 tức 08 giờ 35 phút 29 giây (giờ Hà Nội) ngày 28 tháng 7 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 3.3 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.839 độ vĩ Bắc, 108.365 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 8 giờ 35 phút tại Kon Tum có độ lớn 3.3 richter. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 8 giờ 35 phút tại Kon Tum có độ lớn 3.3 richter. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Vào hồi 20 giờ 12 phút 14 giây (giờ GMT) ngày 27 tháng 7 năm 2024 tức 03 giờ 12 phút 14 giây (giờ Hà Nội) ngày 28 tháng 7 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 3.4 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.879 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 3 giờ 12 phút tại Kon Tum có độ lớn 3.4 richter. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra lúc 3 giờ 12 phút tại Kon Tum có độ lớn 3.4 richter. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo các dõi trận động đất này.

Theo Trung tâm, số trận động đất tại huyện Kon Plông (Kon Tum) và lân cận xảy ra thường xuyên, xu hướng mạnh dần từ tháng 4/2021 đến nay. Năm 2021 ghi nhận 169 trận động đất lớn hơn 2,5 độ. Từ ngày 15/4 đến 18/4/2022, địa bàn xảy ra 22 trận, lớn nhất 4,5 độ richter.

Theo Viện Vật lý địa cầu trong gần 120 năm trước thời điểm này, khu vực Kon Plông chỉ ghi nhận 33 trận động đất, trong đó hai trận lớn hơn 3 độ richter.

Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.

Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện Vật lý Địa cầu sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.

Thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum 54 trận động đất, độ lớn từ 2,5 đến 4 độ richter. Các trận động đất còn lại xảy ra tại các tỉnh: Quảng Nam (3 trận), Yên Bái (2 trận), Hà Nội (1 trận), Phú Yên (1 trận), Tuyên Quang (1 trận), Điện Biên (1 trận), Ninh Bình (1 trận), Thanh Hóa (1 trận). Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.

Trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

PV (Tổng hợp)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/4-tran-dong-dat-lien-tiep-nguoi-dan-mien-trung-tay-nguyen-thay-ro-rung-lac.html