4 trụ cột tăng trưởng cho tỉnh vùng cao Hà Giang
'Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch đặc sắc và đẳng cấp; chuỗi nông sản, đặc sản có triển vọng; đô thị bản sắc và hiện đại' đó là 4 trụ cột tăng trưởng của tỉnh vùng cao Hà Giang được xác định tại hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo do các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang chủ trì.
Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã báo cáo thuyết minh quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Xác định, phát triển kinh tế, xã hội nhanh, theo hướng xanh và bền vững trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và các nguồn lực khác. Đối với Hà Giang, hướng phát triển bền vững dựa vào 4 trụ cột tăng trưởng đó là: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch đặc sắc và đẳng cấp; một số chuỗi nông sản, đặc sản có triển vọng; đô thị bản sắc (biên giới, núi cao, dân tộc) và hiện đại.
Tỉnh cần tạo không gian phát triển mới, hình thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến của du khách quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng đặc trưng, chất lượng cao. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, hạ tầng khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistics. Các khu đô thị được hình thành và mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng, kiến trúc bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Mục tiêu tổng quát và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, tỉnh Hà Giang phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc. Bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Xây dựng Hà Giang đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế, xã hội phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía bắc, đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước, đến năm 2050 là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cơ bản đồng tình với định hướng phát triển của tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên Hà Giang cần tập trung vào những việc đó là: Giữ đất, giữ rừng, giữ dân. Đối với định hướng phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh cần có quan điểm rõ ràng và đi vào từng phân khúc cụ thể nhằm tạo thế mạnh riêng có sự khác biệt, bản sắc, có tính cạnh tranh cao. Hà Giang là tỉnh khó khăn nhưng cũng có những lợi thế riêng để phát triển. Tuy nhiên, tỉnh cần có những chiến lược căn cơ, xác định những điểm nhấn trọng tâm rồi đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia, liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh Hà Giang.
Mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ Hà Giang phát triển hạ tầng giao thông như: Tuyến cao tốc Hà Giang-Tuyên Quang kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ; tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai; nâng cấp, mở mới các tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh cũng như các tuyến Quốc lộ qua tỉnh Hà Giang như QL 4C đi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Cùng với đó, hỗ trợ đầu tư các hồ dự trữ nước dung tích lớn cho tỉnh Hà Giang để bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các huyện vùng cao. Bổ sung Hà Giang vào quy hoạch các điểm đầu tư hệ thống logistics để thu hút đầu tư hạ tầng thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Giang tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông, lâm sản, du lịch của vùng, quốc gia để kết nối các chuỗi giá trị quốc tế. Tiếp cận các nguồn lực quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển lao động, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ.