4 trường hợp được đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản
Quy định mới nêu rõ bốn trường hợp được đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm. Trong đó, Nghị định quy định rõ bốn trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản (biện pháp bảo đảm).
Thứ nhất, đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
Thứ hai, đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản.
Thứ ba, đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;
Thứ tư, đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (xóa đăng ký) đối với trường hợp quy định tại các điểm 1, 2 và 3 trên.
Quy định này cũng nêu rõ các căn cứ để người yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký bảo đảm.
Theo đó, người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ đăng ký thay đổi khi thay đổi bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm do được rút bớt, được bổ sung, được thay thế, được kế thừa do pháp nhân được tổ chức lại, được thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc được xác lập quyền theo quy định của luật…; thay đổi tên hoặc họ, tên của bên bảo đảm, thay đổi tên hoặc họ, tên của bên nhận bảo đảm.
Bổ sung việc đăng ký đối với tài sản bảo đảm đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm nhưng nội dung đã được đăng ký trước đó không bao gồm tài sản này.
Bổ sung tài sản mới, tài sản được thay thế mà tài sản này trở thành tài sản bảo đảm theo thỏa thuận trong văn bản thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm hoặc theo quy định của pháp luật và nội dung đã được đăng ký trước đó không bao gồm tài sản này.
Rút bớt tài sản bảo đảm. Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đã hình thành thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Chỉnh lý thông tin có sai sót trong nội dung đã được kê khai trên phiếu yêu cầu đăng ký do lỗi của người yêu cầu đăng ký. Bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm trong trường hợp hợp đồng bảo đảm ban đầu không có nội dung về việc bảo đảm cho nghĩa vụ trong tương lai.
Trường hợp khác theo yêu cầu của người yêu cầu đăng ký để thay đổi thông tin đã được kê khai trên phiếu yêu cầu đăng ký.
Nguồn PLO: https://plo.vn/4-truong-hop-duoc-dang-ky-bien-phap-bao-dam-bang-tai-san-post710487.html