4 tư thế yoga giảm triệu chứng khó chịu thời kỳ mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh luôn đi kèm với các triệu chứng bốc hỏa, gián đoạn giấc ngủ và thay đổi tâm trạng. Chính vì thế, bổ sung một vài tư thế yoga vào thói quen tập luyện hàng ngày giúp giảm bớt những triệu chứng này một cách tự nhiên.
1. Thời kỳ mãn kinh có gì đặc biệt?
Thời kỳ mãn kinh là giai đoạn mất chức năng sinh lý hoặc kết thúc chu kỳ kinh nguyệt (vô kinh) do chức năng buồng trứng suy giảm.
Các triệu chứng khó chịu thường xuất hiện trong thời kỳ này bao gồm rối loạn giấc ngủ, đổ mồ hôi ban đêm, bốc hỏa và hội chứng niệu sinh dục của mãn kinh.
Thời kỳ mãn kinh thường xuất hiện vào độ tuổi 45-55, đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ.
Melie Purdon, giáo viên yoga và chuyên gia tiền sản tại New Jersey, Mỹ cho biết, bằng cách tạo không gian cho việc luyện tập yoga trong thói quen hàng ngày, bạn sẽ tạo ra những lộ trình mới giúp điều chỉnh bản thân về thể chất, tinh thần và cảm xúc cũng như vượt qua giai đoạn mãn kinh đầy biến động này.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu về Liệu pháp bổ sung trong y học báo cáo rằng Hatha yoga (các động tác và hơi thở chậm hơn, có kiểm soát) thúc đẩy những thay đổi tích cực về tinh thần và thể chất ở những người trong giai đoạn mãn kinh.
2. Các động tác cải thiện triệu chứng thời kỳ mãn kinh
2.1 Tư thế anh hùng xoay người
Cách thực hiện:
Quỳ trên sàn với lưng thẳng. Từ từ hạ mông và tách hai bàn chân sao cho mông ngồi vào giữa hai chân, hai đầu gối vẫn gần sát nhau hoặc chạm nhau (nếu có thể).
Trường hợp cảm thấy bị căng và đau hông, khó ngồi áp mông xuống sàn thì có thể ngồi lên gối hoặc chăn. Nếu đầu gối nhạy cảm, bạn nên đặt một chiếc chăn gấp dưới đầu gối và ống chân.
Đặt bàn tay phải phía sau mông phải, đặt bàn tay trái bên ngoài đùi phải, xoay ngực sang bên phải càng xa càng tốt.
Khi hít vào, kéo dài cột sống từ xương sống đến đỉnh đầu.
Khi thở ra, làm mềm bụng và xoay khung xương sườn quanh cột sống.
Giữ cổ và vai cách xa tai.
Từ từ quay trở lại chính giữa trước khi vặn sang phía bên trái.
Tác dụng: Tư thế xoay người và vặn người giúp giảm đầy hơi, thúc đẩy quá trình tiêu hóa khỏe mạnh, cải thiện lưu thông máu và làm giảm mệt mỏi.
2.2 Đứng gập người về phía trước
Cách thực hiện:
Đứng trên thảm, hai chân rộng bằng hông.
Giữ hông thẳng hàng với gót chân và dồn trọng lượng cơ thể về phía trước, từ từ gập người từ nếp gấp ở hông sao cho bụng áp vào phía trên của đùi, mặt áp vào cẳng chân (nếu có thể)
Tác dụng: Tư thế đứng gập người về phía trước giúp bạn tĩnh tâm và thư giãn các cơ trên mặt. Nếu thực hiện tư thế này thường xuyên có thể giúp giảm bớt tình trạng uể oải về tinh thần liên quan đến thời kỳ mãn kinh do tăng cường lưu lượng máu lên não.
2.3 Tư thế em bé
Cách thực hiện:
Bắt đầu ở tư thế qùy trên hai gối, chống hai tay xuống sàn.
Từ từ đẩy mông về phía sau, tách hai đầu gối sang hai bên và gập thân người về phía trước, giữa hai đùi, hai ngón chân cái vẫn chạm nhau.
Hai tay duỗi thẳng về phía trước hoặc đặt xuôi theo thân mình.
Tác dụng: Tư thế em bé là một biến thể gập người về phía trước, tư thế này tăng cường sức mạnh cho hông và đùi, giúp giảm bớt căng thẳng và chứng đau nửa đầu, giúp giảm táo bón và đầy hơi.
2.4 Gác chân lên tường
Cách thực hiện:
Nằm ngửa trên sàn ở vị trí gần một bức tường, bàn chân chạm tường.
Từ từ di chuyển cơ thể về phía tường cho đến khi mông chạm vào tường và đưa hai chân áp tường, hướng lòng bàn chân hoặc ngón chân lên phía trần nhà.
Bạn có thể đặt một tấm đệm hay một chiếc chăn gấp gọn gàng phía dưới thắt lưng để tạo sự thư giãn, thoải mái hơn.
Hai tay đặt ngang sang hai bên.
Tác dụng: Gác chân lên tường là một trong những tư thế hiệu quả nhất để làm dịu tâm trí và cơ thể. Tư thế này có thể giúp giảm hội chứng chân không yên, đưa máu từ chân trở về tim và làm dịu tâm trí, thúc đẩy giấc ngủ ngon ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
Mời bạn xem tiếp video: