4 tư thế yoga giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt trong mùa hè
Mùa hè có khí hậu nắng nóng kéo dài gây nhiều tác động tới sức khỏe và có ảnh hưởng nhất định đến chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
1. Vì sao mùa hè lại tác động đến chu kỳ kinh nguyệt?
Theo một số nghiên cứu trên thế giới, chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời và có mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với vitamin D và việc tăng sản xuất hormone kích thích nang trứng (FSH), dẫn đến hoạt động buồng trứng cao hơn, có thể gây ra kinh nguyệt thường xuyên và lâu hơn.
Bên cạnh đó, cái nóng của mùa hè gây mệt mỏi, kiệt sức và mất nước, cùng với những thay đổi nội tiết tố có thể gây đầy hơi, rối loạn tâm trạng trước và trong chu kỳ kinh nguyệt có thể khiến giai đoạn này trở nên khó chịu hơn.
Ngoài ra, mùa hè đến mang theo mồ hôi, bụi bẩn, có thể khiến các triệu chứng chuột rút, đầy hơi, đau, tiêu chảy và khó chịu trong thời kỳ tiền kinh nguyệt diễn ra nặng nề hơn.
Huấn luyện viên yoga tại Ấn Độ, Roopa Soni cho biết, yoga là một môn tập luyện không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp hài hòa giữa tâm trí và tinh thần. Thông qua sự kết hợp của các tư thế thể chất, các bài tập thở và thiền định, yoga giúp hạn chế căng thẳng, cải thiện lưu thông máu và cân bằng lượng hormone.
2. Một số tư thế yoga có thể giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt
2.1. Tư thế con cá
Tư thế con cá có tác dụng tăng cường hoạt động của tuyến giáp, hỗ trợ điều chỉnh cân bằng nội tiết tố, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Cách thực hiện:
Bắt đầu bằng cách nằm ngửa, hai tay đặt dưới hông.
Nâng và ưỡn ngực lên, giữ cho đầu thoải mái.
Giữ tư thế trong 30 giây.
2.2. Tư thế cánh cung
Tư thế cánh cung là tư thế lý tưởng để mát xa nhẹ nhàng vùng bụng, đồng thời cũng giúp kéo căng và làm săn chắc các cơ quan sinh sản. Tư thế này kích thích buồng trứng và tử cung, giúp cải thiện lưu lượng máu đến những khu vực này, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.
Cách thực hiện:
Nằm sấp trên sàn với hai chân duỗi thẳng và hai tay đặt xuôi theo thân.
Uốn cong đầu gối, hướng lòng bàn chân lên trần nhà. Sau đó, đưa hai tay nắm và giữ hai mắt cá chân.
Nâng ngực và chân lên, kéo căng cơ thể về hai hướng trước và sau.
Giữ tư thế trong 30 giây.
2.3. Tư thế vòng hoa
Tư thế vòng hoa giúp giảm căng thẳng ở vùng xương chậu và cải thiện lưu thông đến các cơ quan sinh sản. Bằng cách thực hành tư thế này, bạn có thể kích thích buồng trứng và điều chỉnh hoạt động của hormone.
Cách thực hiện:
Ngồi xổm với hai bàn chân tách nhau và gót chân chạm đất.
Giữ hai lòng bàn tay trước ngực và dùng khuỷu tay ấn nhẹ vào đùi trong.
2.4. Tư thế lạc đà
Tư thế lạc đà giúp kéo căng vùng bụng và kích thích các cơ quan sinh sản, thúc đẩy sự cân bằng nội tiết tố. Tư thế này cũng giúp giải phóng căng thẳng ở vùng xương chậu và cải thiện lưu lượng máu đến tử cung.
Cách thực hiện:
Quỳ trên hai gối
Đặt hai tay lên hai bên hông hoặc đưa tay chạm vào gót chân (nếu có thể).
Nhẹ nhàng uốn cong lưng, đẩy hông lên cao trong khả năng của mình.
Để đạt hiệu quả tập luyện cao nhất, bạn nên đặt mục tiêu tập yoga ít nhất 4-5 lần/ tuần. Bên cạnh đó bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh, kiểm soát mức độ căng thẳng để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và cân bằng nội tiết tố.
Mời bạn xem tiếp video: