4 tỷ USD vốn ngoại đổ vào nếu chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, những cổ phiếu nào sẽ được quan tâm?
Theo ước tính của BSC Research, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi sẽ có khoảng 3.5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam...
Theo đánh giá mới nhất của BSC, trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có thể được hưởng lợi ở một số khía cạnh như: tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam và vị thế quốc gia; doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Tăng cường tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF – tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ “đổ bộ” vào thị trường chứng koán Việt Nam với quy mô lớn.
Theo ước tính của BSC Research, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi sẽ có khoảng 3.5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0.7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu thị trường chứng khoán Philippines (được FTSE xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.
Bên cạnh đó, các Quỹ đầu tư sẽ xem xét về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia để phân bổ danh mục đầu tư phù hợp, do đó con số này có thể sẽ thấp hơn thực tế khi Việt Nam đang là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, đang tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn, là đối tác chiến lược toàn diện của các nền kinh tế lớn trên thế giới và được nhiều tổ chức uy tín đánh giá cao.
Do Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE nên trong tương lai gần thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp. Khi FTSE Russell chính thức nâng hạng, dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1.3-1.5 tỷ USD từ các Quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE, trong đó các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700-800 triệu USD tương đương với quy mô thị trường chứng khoán Philippines hiện tại.
Bên cạnh các bộ chỉ số bao quát chung, phân bổ ở các quốc gia theo tỷ trọng, MSCI và FTSE cũng sẽ có các bộ tiêu chí dành riêng cho từng thị trường để các Quỹ tham khảo và tham chiếu – phần lớn các Quỹ ETF sử dụng để đầu tư vào các thị trường theo phân loại của MSCI, FTSE.
Bên cạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ chỉ số VN30-Index do HoSE ban hành, các cổ phiếu khác đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng cần được lưu ý trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức nâng hạng thị trường.
BSC Research thực hiện tổng hợp 20 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất thuộc các ETF ngoại đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam theo đó có tổng cộng 31 cổ phiếu thuộc 06 ETF ngoại cần chú ý, trong đó có 15/30 cổ phiếu VN30-Index gồm: HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VJC, SHB, POW, BID, STB, SAB, BVH.
Đối với những cổ phiếu hết “room-ngoại” các NĐTNN có thể sở hữu gián tiếp thông qua việc đầu tư CCQ ETF VN-Diamond hoặc sản phẩm NVDR trong tương lai (nếu có).
Theo tiêu chí của MSCI và FTSE Russell, Việt Nam đang ở thị trường cận biên (Frontier Market) và đã đáp ứng một số tiêu chí phân loại thị trường mới nổi (Emerging Market) tuy nhiên vẫn còn nhiều điều kiện cần thay đổi.
Cụ thể, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging), tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 9/18 tiêu chí – tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.
Riêng FTSE, tổ chức này đang đánh giá 2 tiêu chí còn hạn chế là "Chu kỳ thanh toán (DvP)" và "Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại". Hiện nay, việc kiểm tra có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn là thông lệ tại Việt Nam do đó thị trường sẽ không có các giao dịch thất bại (failed trades), vì vậy tiêu chí "Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại" không được đánh giá.
Song, hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tìm kiếm giải pháp để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) bên cạnh sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX - các động thái này được FTSE Russell đánh giá cao.