4 vị tướng giỏi nhất Tam Quốc: Tôn Kiên chót bảng, Quan Vũ chỉ xếp thứ 3, vậy ai đứng đầu?
Tam Quốc được biết tới là thời đại không thiếu nhân tài. Thế nhưng trong số những nhân tài nổi lên vào giai đoạn ấy, ai mới là người sở hữu tài cầm binh xuất sắc nhất.
Cuối thời Đông Hán, thiên hạ rơi vào thế cục hỗn loạn, các thế lực chư hầu nổi lên khắp nơi. Khi đó, Tào Tháo chi phối Thiên tử để ra lệnh cho các chư hầu, Lưu Bị tự xưng là hậu duệ Hán thất, Tôn Quyền độc bá Giang Đông, thế chân vạc cũng dần được hình thành từ đó.
Thế nhưng trong giai đoạn nhân tài nổi lên khắp nơi như thời bấy giờ, liệu ai mới thực sự là người sở hữu năng lực thống lĩnh quân đội xuất chúng hơn cả?
Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc), thời Tam Quốc dù cho không thiếu tướng tài, nhưng số người được cho là có năng lực cầm binh xuất sắc hàng đầu lại chỉ có 4 nhân vật dưới đây.
Vị trí thứ tư: Tôn Kiên
Tôn Kiên (154 – 191), tự Văn Đài, là nhân vật đặt nền móng xây dựng nước Đông Ngô vào thời Tam Quốc.
Cuối thời nhà Hán, ông là một trong những danh tướng dưới quyền triều đình và đã từng tham gia cuộc chiến chống lại quyền thần Đổng Trác.
Năm xưa, tên tuổi của Tôn Kiên được gây dựng nhờ vô số chiến tích cầm quân bình định phản loạn. Trong cuộc chiến dẹp loạn Khăn Vàng, ông cũng lập được không ít công lao.
Khi Đổng Trác làm loạn triều chính, Tôn Kiên đã tham gia liên quân các chư hầu nhằm mục đích đánh đổ quyền thần này.
Trong số đó, đội quân do ông đứng đầu được xem là có biểu hiện tích cực hơn cả. Vị tướng tài này cũng từng có nhiều lần đánh bại các tướng của quân Tây Lương khét tiếng dưới quyền Đổng tặc.
Chỉ tiếc rằng trong thế cục loạn lạc khi ấy, Tôn Kiên đã không may bỏ mạng khi đang ở độ tuổi tráng niên vì trúng tên trong một lần giao chiến với quân Lưu Biểu.
Vị trí thứ ba: Quan Vũ
Quan Vũ (159 – 220), tự Vân Trường, là vị tướng nổi danh vào cuối thời nhà Hán và thời Tam Quốc. Ông cũng được biết tới là một trong những công thần đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nhà Thục Hán sau này.
Năm xưa, Quan Vũ từng đầu quân cho Lưu Bị ngay từ buổi đầu lập nghiệp. Ông dẫn binh nam chinh bắc chiến khắp nơi, trở thành một viên hổ tướng hàng đầu trong tập đoàn chính trị Thục Hán.
Khi bị Tào Tháo bắt sống, Quan Vũ từng tham gia trận chiến ở núi Bạch Mã và chém chết đại tướng Nhan Lương của Viên Thiệu.
Trong cuộc chiến ở Tương Phàn, ông cũng dùng kế khiến bảy đạo quân Tào Ngụy ngập chìm trong nước, sau đó dẫn thủy binh bắt Vu Cấm, chém Bàng Đức, danh tiếng "uy chấn Hoa Hạ".
Có thể nói rằng, bản thân Quan Vũ ngoài võ lực xuất chúng cùng phẩm chất hơn người thì còn sở hữu năng lực cầm quân hiếm có. Bởi những chiến công lẫy lừng làm nên tên tuổi của ông không phải là điều mà các thống lĩnh quân đội bình thường có thể làm được.
Chỉ tiếc rằng Quan Vũ cả đời vũ dũng nhưng cuối cùng lại vì khinh suất nhất thời mà để mất Kinh Châu và bỏ mạng trong tiếc nuối.
Thế nhưng giờ đây mỗi khi đánh giá về tài năng của vị tướng họ Quan, giới sử gia vẫn luôn cho rằng ông là một vị tướng võ nghệ xuất chúng, dũng cảm phi thường, uy tín đứng đầu toàn quân.
Vị trí thứ hai: Trương Liêu
Trương Liêu (169 – 222), tự Văn Viễn, là viên tướng nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông cũng được xem là một trong những vị tướng giỏi nhất của tập đoàn chính trị này và từng tham gia nhiều trận đánh lớn.
Sinh thời, Trương Liêu từng tham gia chinh chiến ở không ít chiến trường, thu về nhiều công lao hiển hách và đóng vai trò không nhỏ trong việc trợ giúp Tào Tháo thống nhất phương Bắc.
Ông từng theo Tào Tháo tham chiến ở Sơn Đông, đánh Viên Đàm, diệt Viên Thuật, bình Liêu Đông…
Trong số đó, chiến tích nổi bật nhất của ông phải kể tới chiến thắng lẫy lừng trước Đông Ngô trong trận Hợp Phì.
Sử cũ ghi lại, năm 213, Trương Liêu cùng Nhạc Tiến, Lý Điển lĩnh 7000 quân trấn giữ Hợp Phì. Hai năm sau đó, Tôn Quyền nhân lúc Tào Tháo đánh Trương Lỗ liền dẫn 10 vạn quân tấn công thành trì này.
Bấy giờ, Trương Liêu chủ động tuyển 800 quân cảm tử, sau đó xung phong tấn công quân địch để dẫn dụ đối phương đuổi theo.
Tới cầu Tiêu Diêu, quân Ngô trúng bẫy mai phục, vị tướng họ Trương chỉ dẫn thêm 2000 kỵ binh đã đủ để khiến 10 vạn quân Ngô chuốc lấy thảm bại.
Chỉ với số quân ít ỏi trong tay, Trương Liêu đã khiến cho đại binh Đông Ngô không khỏi khốn đốn. Sau cuộc chiến ấy, tên tuổi của ông nổi danh tới nỗi người Giang Nam nghe tới đều khiếp đảm.
Tôn Quyền từ đó cũng không dám mơ tưởng tới thành trì Hợp Phì – nơi có Trương Liêu còn đang trấn thủ.
Vị trí thứ nhất: Chu Du
Chu Du (175 – 210), tự Công Cẩn, là danh tướng nổi tiếng và khai quốc công thần của nhà Đông Ngô thời Tam Quốc.
Năm xưa khi mới 20 tuổi, ông đã cùng Tôn Sách chinh chiến khắp Giang Đông, đặt nền tảng vững chắc để gia tộc họ Tôn làm chủ vùng đất này.
Sau khi Tôn Sách bị ám sát, ông tiếp tục thống lĩnh quân đội dưới thời Tôn Quyền. Bấy giờ, những trận đánh lớn, nhỏ do ông trực tiếp chỉ huy hầu hết đều giành về thắng lợi.
Chiến tích nổi bật nhất trong cuộc đời của vị thống lĩnh họ Chu này chính là chiến thắng trong trận đại chiến Xích Bích.
Bấy giờ, liên minh Tôn – Lưu với vẻn vẹn chỉ 50 ngàn quân dưới tay Chu Du đã đánh bại đại quân xấp xỉ lên tới hơn 200 ngàn của Tào Tháo.
Là một trong những trận đánh lớn nhất thời bấy giờ, chiến thắng của cuộc chiến Xích Bích đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, giúp phân định cục diện Tam Quốc, đồng thời cũng đưa tên tuổi của Chu Du trở thành vị tướng có tài cầm quân nổi bật nhất vào thời bấy giờ.
Năng lực cầm binh của Chu Du xuất chúng tới nỗi ngay tới Lưu Bị năm ấy cũng vẫn phải khen rằng:
"Công Cẩn văn võ thao lược, là anh tài trong vạn người".
Tiếc rằng chỉ vẻn vẹn hai năm sau đó, Chu Du đã đột ngột qua đời ở tuổi 36, để lại vô vàn tiếc nuối cho tập đoàn chính trị Đông Ngô khi mất đi một trụ cột về quân sự khó có thể thay thế ở thời điểm đó…