4 việc nên làm để lấy lại tinh thần sau nghỉ lễ
Post-vacation blues hay còn được biết đến là nỗi buồn sau kỳ nghỉ nghỉ lễ. Nhiều người mắc hội chứng này thường có cảm giác mất hứng, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất làm việc.
Theo Finacial Tribune, hiện tượng mất hứng sau kỳ nghỉ không có tên gọi chính thức trong các tạp chí về tâm thần. Hiện tượng này thường được gọi bằng những cái tên khác như “nỗi buồn khi quay lại làm việc” (back-to-work blues) hay “nôn nao sau kỳ nghỉ” (post-vacation hangover)
Đối với nhiều người, kỳ nghỉ lễ có nhiều điểm tương tự với một giấc mơ đẹp: thường kết thúc rất nhanh và để lại cảm giác tiếc nuối. Kể cả khi kỳ nghỉ không như mong đợi, họ vẫn tiếc nuối, lưu luyến và không vui khi trở lại làm việc.
Theo ông Mohsen Paknejad, nhà tâm lý học và trợ giảng tại Đại học Tehran (Iran), mọi người đều có cảm giác chung là buồn tẻ và miễn cưỡng khi phải làm việc trở lại sau một kỳ nghỉ dù ngắn hay dài.
“Đây điều tự nhiên và ở hầu hết mọi người. Đây được xem là nguyên nhân gây ra stress ở nhiều người, đặc biệt là người trong độ tuổi lao động hoặc trẻ em đang phải đến trường”, ông chia sẻ với trên Tuần báo Ba Tư.
Tuy nhiên, nỗi buồn sau kỳ nghỉ sẽ không ảnh hưởng quá lâu. Tình trạng này sẽ chỉ kéo dài trong khoảng vài ngày đến vài tuần.
Theo các chuyên gia, 4 mẹo dưới đây có thể giúp bạn vượt qua hội chứng này.
Lập kế hoạch làm việc
Nhiều người thường cảm thấy quá tải với danh sách đầu việc cần làm ngay khi kết thúc kỳ nghỉ. Họ lao vào giải quyết công việc rất nhanh. Tuy nhiên, cách này chỉ khiến bạn stress hơn vì thay đổi lịch trình đột ngột.
Do đó, theo tiến sĩ Andrea Bonior, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Mỹ, để tránh sốc khi thay đổi đột ngột, bạn nên dành một ngày nghỉ ngơi, chuẩn bị tại nhà trước khi quay trở lại làm việc.
"Nếu có thể, bạn nên cố gắng lên kế hoạch cho một ngày đệm. Lúc này, hãy nghỉ ngơi và dành chút thời gian điều chỉnh tâm trạng, làm quen với múi giờ nếu trong kỳ nghỉ bạn có du lịch nước ngoài", bà nói.
Duy trì niềm vui của chuyến đi
Tiến sĩ Laurie Santos, giảng viên tâm lý học tại Đại học Yale (Mỹ), khuyến khích mọi người duy trì cảm giác du lịch tại nơi mình đang sống, làm việc bằng cách dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên, đến một nhà hàng mới hoặc đi dạo phố.
Còn theo tiến sĩ Tracy Thomas, nhà tâm lý học và nhà khoa học cảm xúc, điều quan trọng là phải xác định điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái khi đi chơi xa và cố gắng biến nó thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Chuyên gia này cũng gợi ý bạn nấu một số món ăn đã thưởng thức trong kỳ nghỉ để tiếp tục có trải nghiệm mới mẻ.
"Trong kỳ nghỉ, bạn thấy thư giãn khi thức dậy sớm ngắm bình minh, đi dạo. Hãy thử làm điều đó khi trở về nhà", bà Thomas dẫn chứng.
Lưu lại trải nghiệm
"Hãy dành chút thời gian để lưu lại những kỷ niệm vui vẻ trong kỳ nghỉ của bạn", tiến sĩ Santos gợi ý. Theo ông, mọi người có thể tạo một album, nhật ký hoặc chỉ nhắc nhở bản thân về những điều thú vị vừa trải qua.
Thay vì mãi nhung nhớ và tiếc nuối về kỳ nghỉ, mọi người nên nghĩ về những trải nghiệm, kỷ niệm theo chiều hướng tích cực bằng cách chỉnh sửa ảnh, ghi lại những thứ hay ho của chuyến đi.
Điều này sẽ giúp mọi người rút ra được nhiều kinh nghiệm đáng quý, tâm trạng vì thế cũng sẽ tích cực hơn
Tập luyện thể thao
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên là cách tốt để chống lại lo âu và trầm cảm.
Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 4/2020 trên tạp chí JAMA Psychiatry, những người trưởng thành thực hiện các hoạt động tương đương với 1,25 giờ đi bộ nhanh mỗi tuần có nguy cơ trầm cảm thấp hơn 18% so với những người không tập thể dục.
Theo tiến sĩ Bonior, sau kỳ nghỉ, mọi người chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng, không nhất thiết phải đến trung tâm chuyên nghiệp hay tập luyện với cường độ cao.
Thường xuyên luyện tập thể dục cũng giúp cải thiện giấc ngủ, giảm huyết áp, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vì vậy, dù rất muốn giải quyết công việc sau kỳ nghỉ, bạn nên cố gắng ra ngoài luyện tập trước tiên.
Nguồn Znews: https://znews.vn/4-viec-nen-lam-de-lay-lai-tinh-than-sau-nghi-le-post1458895.html