4 xu hướng công nghệ sẽ định hình Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2025
Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) 2025 sẽ diễn ra từ ngày 7-10/1 tại Las Vegas, Mỹ với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong giới công nghệ đến từ 166 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ.
Theo chuyên trang công nghệ TechCrucnh, với những bước tiến vượt bậc trong trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô và đổi mới trong lĩnh vực máy tính, giới chuyên gia chỉ ra, 4 xu hướng công nghệ nổi bật được mong chờ tại CES 2025.
Tác nhân AI
Tác nhân AI (Agentic AI) là các chương trình phần mềm được thiết kế để hoạt động một cách độc lập, đưa ra quyết định và thực hiện hành động nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể do con người đặt ra.
Những hệ thống này tích hợp các khả năng tiên tiến của AI với các yếu tố như trí nhớ, khả năng lập kế hoạch, cảm biến môi trường, hướng dẫn an toàn và nhiều yếu tố đầu vào khác. Nhờ vậy, chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tự động, từ đó nâng cao năng suất và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
CES năm nay diễn ra trong bối cảnh công nghệ AI đang bước vào một kỷ nguyên mới với sự trỗi dậy của tác nhân AI - một khái niệm được nhà sản xuất chip bán dẫn Nvidia mô tả là "biên giới tiếp theo của AI".
Công nghệ này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực AI mà còn mở ra tiềm năng to lớn khi cho phép các hệ thống hoạt động tự động, linh hoạt và độc lập hơn. Tác nhân AI có khả năng tự đưa ra quyết định, xử lý các nhiệm vụ phức tạp và tối ưu hóa quy trình mà không cần sự can thiệp thường xuyên của con người.
Đây không chỉ là một sự cải tiến kỹ thuật mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho tự động hóa, hiệu suất và khả năng mở rộng ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực của đời sống. Các hệ thống tác nhân AI không chỉ đơn thuần xử lý dữ liệu đầu vào mà còn có khả năng tự đưa ra quyết định và linh hoạt thích ứng với những thay đổi trong môi trường hoạt động. Chúng có thể phân tích hồ sơ y tế phức tạp để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, đề xuất phác đồ điều trị tối ưu hoặc thậm chí phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn.
Trong lĩnh vực kỹ thuật, những hệ thống này có thể liên tục giám sát dữ liệu từ các cảm biến công nghiệp, phát hiện bất thường và dự đoán tình trạng hao mòn của thiết bị trước khi sự cố xảy ra.
Sự kết hợp giữa khả năng học hỏi và thích ứng nhanh chóng giúp tác nhân AI trở thành công cụ đắc lực trong việc nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một ví dụ tiêu biểu gần đây về tác nhân AI là Project Mariner của Google. Đây được xem là một tác nhân thông minh với khả năng tự động điều hướng và quản lý nhiều dịch vụ web một cách linh hoạt. Hệ thống này không chỉ thực hiện các tác vụ được lập trình sẵn mà còn có thể tự ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực, tối ưu hóa quy trình hoạt động một cách hiệu quả.
Xu hướng này được dự đoán bùng nổ mạnh mẽ trong những năm tới. Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Gartner của Mỹ nhận định, đến năm 2028, các hệ thống tác nhân AI có thể tự động xử lý tới 15% các quyết định công việc hàng ngày, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất và giảm thiểu sai sót do yếu tố con người.
Những đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp ô tô
Ngành công nghiệp ô tô đang chứng kiến những bước tiến đột phá trong việc tích hợp AI và cải tiến thiết kế giao diện người dùng. Tại CES 2025, LG sẽ giới thiệu AI In-Vehicle Experience, một giải pháp tiên tiến ứng dụng Vision AI để nâng cao trải nghiệm bên trong khoang lái.
Hệ thống này được xây dựng dựa trên 2 thành phần cốt lõi đó là hệ thống giám sát người lái và hệ thống giám sát bên trong. Hệ thống giám sát người lái tập trung phân tích trạng thái người điều khiển, phát hiện dấu hiệu mất tập trung hoặc mệt mỏi. Còn hệ thống giám sát bên trong lại quan sát toàn bộ không gian bên trong xe, đảm bảo an toàn và tiện nghi tối đa cho tất cả hành khách. Sự kết hợp này không chỉ nâng cao trải nghiệm lái xe mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho các phương tiện thông minh, an toàn và tương tác linh hoạt hơn.
Những công nghệ này mang đến một loạt tính năng tiên tiến bao gồm theo dõi sức khỏe thời gian thực như giám sát nhịp tim và nhận dạng biểu cảm khuôn mặt, đồng thời có khả năng đánh giá mức độ tỉnh táo của người lái xe. Cùng với đó, hệ thống này còn cung cấp các dịch vụ hữu ích như định tuyến thích ứng và cập nhật tình trạng giao thông theo thời gian thực, giúp hành trình trở nên an toàn và hiệu quả hơn.
Mặc dù những tiến bộ này có thể mở ra cơ hội cho các tính năng an toàn và tiện nghi vượt trội trong ô tô, nhưng thời điểm chính xác chúng được áp dụng vào các dòng xe sản xuất hàng loạt vẫn chưa được công bố chi tiết.
Mới đây, nhà sản xuất ô tô BMW giới thiệu màn hình hình Panoramic iDrive được xem là một cập nhật quan trọng cho giao diện người lái xe truyền thống. Bằng cách chuyển các thông tin của người lái trực tiếp lên màn hình hiển thị trên kính chắn gió và loại bỏ bộ điều khiển iDrive truyền thống, BMW không chỉ tối ưu hóa không gian bên trong xe mà còn mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn mới về tương tác giữa người lái và phương tiện, tạo nên một trải nghiệm lái xe hiện đại và thông minh hơn.
Hệ thống này dự kiến xuất hiện trên các mẫu xe điện Neue Klasse sắp ra mắt của BMW, sở hữu màn hình kéo dài gần như toàn bộ chiều rộng của bảng điều khiển. Ngoài ra, nhà sản xuất ô tô đến từ Đức sẽ trang bị giao diện này trên mẫu iX3 thế hệ thứu hai vào cuối năm 2025 và xe i3 sedan vào năm 2026, trước khi được mở rộng trên toàn bộ dòng sản phẩm của BMW.
Sự tiến bộ về sức mạnh tính toán
Theo đơn vị tổ chức, CEO Nvidia Jensen Huang sẽ có bài phát biểu quan trọng tại triển lãm. Bài phát biểu sẽ là những thông tin chi tiết về thế hệ tiếp theo của bộ xử lý đồ họa GeForce RTX 50 Series.
Không nằm ngoài xu hướng, nhà sản xuất điện tử, bán dẫn AMD của Mỹ cũng ra mắt kiến trúc RDNA 4 của mình tại sự kiện.
Sự chú trọng ngày càng tăng vào xử lý AI ngay trên thiết bị, đặc biệt trong máy tính xách tay và điện thoại thông minh chứng tỏ các nhà sản xuất đang khám phá những phương thức mới để tăng cường khả năng của thiết bị thông qua việc trang bị phần cứng AI chuyên dụng. Điều này không chỉ mở ra những cơ hội mới cho việc tối ưu hóa hiệu suất mà còn thúc đẩy trải nghiệm người dùng trở nên thông minh và mượt mà hơn bao giờ hết.
Giới chuyên gia công nghệ nhận định, tích hợp các đơn vị xử lý thần kinh (NPU) và khả năng AI vào các thiết bị tiêu dùng là một trong những chủ đề nổi bật tại CES 2024 và dự kiến tiếp tục là xu hướng chính tại CES 2025.
Sự phát triển của công nghệ màn hình
Tiến bộ về công nghệ màn hình luôn là một điểm nhấn tại CES. Một ví dụ đáng chú ý là công nghệ QD-Mini LED của công ty truyền thông và điện tử tiêu dùng toàn cầu TCL (Trung Quốc), sự kết hợp giữa chấm lượng tử và mini LED, mang đến chất lượng hình ảnh vượt trội nhờ khả năng kiểm soát ánh sáng chính xác đến từng pixel.
Điều này không chỉ nâng cao độ tương phản mà còn cải thiện độ sáng cực đại, mang lại trải nghiệm hình ảnh rõ nét và sống động hơn. QD-Mini LED thực sự có thể đưa TV mini LED lại gần hơn với mức độ tương phản và màu đen thực sự của TV OLED, đồng thời khắc phục được những hạn chế của OLED như độ sáng giảm và hiện tượng lưu ảnh.
Công nghệ màn hình Nxtpaper của TCL sử dụng thiết kế màn hình đa lớp, kết hợp ánh sáng phân cực tròn và công nghệ khắc nano. Mục tiêu chính của công nghệ này là giảm mỏi mắt, mang lại sự thoải mái lâu dài cho người dùng. Bên cạnh đó, Nxtpaper còn được trang bị những tính năng tiên tiến như DC dimming để giảm hiện tượng nhấp nháy, đồng thời điều chỉnh nhiệt độ màu tự động dựa trên điều kiện ánh sáng xung quanh, giúp tối ưu hóa trải nghiệm xem và bảo vệ sức khỏe thị giác.
Những đổi mới này sẽ mang đến cái nhìn rõ ràng hơn về hướng phát triển của công nghệ tiêu dùng trong năm 2025, từ các sản phẩm thông minh cho đến những cải tiến về trải nghiệm người dùng. Những công nghệ và xu hướng này có thể sẽ định hình lại cách người dùng sử dụng công nghệ trong tương lai gần.
Triển lãm điện tử tiêu dùng (Consumer Electronics Show - CES) là một trong những triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới, nơi các doanh nghiệp trên toàn cầu giới thiệu những sản phẩm và công nghệ điện tử tiêu dùng tiên tiến.