4 yếu tố cản trở phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine
F-16, Gripen, F-35 và Typhoon có thể là những lựa chọn tiềm năng nếu phương Tây cân nhắc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tuy nhiên, có nhiều rào cản trong vấn đề này.
Ukraine đang kêu gọi các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu tiên tiến, tuy nhiên, kế hoạch của Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể gặp nhiều khó khăn.
Ngày 9/2, ông Zelensky tới Brussels để thúc đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu tài trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine. Chuyến thăm của ông Zelensky tới Brussels diễn ra sau chuyến đi tới London và Paris. Tại Paris, ông đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Pháp và Đức có thể là những nước đóng vai trò quyết định, ông Zelensky nói sau khi chụp ảnh tại Điện Élyseé.
Tổng thống Pháp Macron tái khẳng định sự ủng hộ của Paris đối với Kiev, đồng thời nói thêm: “Chừng nào Nga còn tiếp tục tấn công, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh sự hỗ trợ quân sự cần thiết để bảo vệ Ukraine và tương lai của nước này”.
Trước đó vài giờ, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chào đón ông Zelensky tới London với cam kết mở rộng chương trình đào tạo của Anh dành cho các quân nhân Ukraine, bao gồm cả các phi công lái máy bay chiến đấu.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, chương trình sẽ đảm bảo các phi công [Ukraine] có thể lái các máy bay chiến đấu tinh vi theo tiêu chuẩn NATO trong tương lai”.
Anh và Mỹ đã loại trừ việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16, F-35 và Typhoon, coi đó là “lằn ranh đỏ”.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh là động thái đáng chú ý, vì đó là “một bước tiến xa hơn” đối với các đối tác phương Tây của Ukraine, Tướng Không quân nghỉ hưu Andrew Curtis phát biểu với Newsweek.
“Nó gửi đi một thông điệp tới các đồng minh của Vương quốc Anh rằng, London vẫn đang hỗ trợ Kiev và có ý định tiếp tục làm như vậy”, ông Curtis nhấn mạnh.
Sau đó, ngày 8/2, Thủ tướng Anh Sunak nói rằng “không có gì không thể bàn tới” và máy bay chiến đấu tiên tiến là “một phần của cuộc trò chuyện”.
Theo ông Frank Ledwidge, cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh, cam kết của Anh được đưa ra “để làm gương”.
Theo Newsweek, có nhiều rào cản trong việc các nước phương Tây và NATO cung cấp máy bay chiến đấu tới Ukraine.
Loại máy bay nào sẽ được gửi cho Ukraine?
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề đầu tiên là quyết định chính xác nên gửi loại máy bay nào. Thông báo của Vương quốc Anh ngày 7/2 không phải là lời đề nghị cung cấp máy bay chiến đấu cụ thể nào mà là lời hứa hẹn về việc huấn luyện phi công trên máy bay tiêu chuẩn NATO.
“Tôi nghĩ những gì Vương quốc Anh đề xuất là đào tạo trên mặt đất và đào tạo về cấu trúc, để giúp các phi công Ukraine trở thành những phi công chiến đấu giỏi hơn mà không thực sự đưa họ vào buồng lái và đưa họ lên trên không”, ông Curtis nói.
“Cuối cùng, bạn sẽ chỉ muốn huấn luyện một phi công trên một loại máy bay mà sau đó họ sẽ được giao cho việc vận hành. Thật vô nghĩa khi Vương quốc Anh đặt phi công Ukraine vào máy bay Typhoon, và trong vài tháng sau đó, họ lại được nhận máy bay F-16. Điều đó hoàn toàn lãng phí thời gian”, ông Curtis nhấn mạnh thêm.
Mỗi máy bay, dù là F-16, F-35, Typhoon, Gripen hay Rafale của Pháp, đều yêu cầu một số khóa huấn luyện với loại máy bay cụ thể.
Các chuyên gia lập luận rằng máy bay tàng hình F-35 có thể nằm ngoài giới hạn. Theo ông Ledwidge, loại máy bay này sẽ không được bàn tới, vì Anh “không có đủ” và chắc chắn “không thể để mất một chiếc nào”.
“Đó là điều chắc chắn không xảy ra”, ông Curtis nói thêm. Máy bay đa nhiệm do nhà sản xuất quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Không quân Anh.
Ông Justin Bronk thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh có trụ sở tại London cho rằng F-35B “không cần phải đặt câu hỏi”.
Các chuyên gia cho rằng lựa chọn thực tế duy nhất cho Vương quốc Anh là cung cấp cho Kiev các máy bay phản lực Tranche 1 Typhoon. Theo ông Bronk, loại bỏ dần dần biến thể Tranche 1 để ưu tiên cho những chiếc Typhoon mới hơn được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn là sự lựa chọn rõ ràng hơn. Các máy bay Typhoon cũ sẽ được cho nghỉ hưu sau 2 năm nữa,
Tuy nhiên, ông lập luận, chúng không phù hợp với nhu cầu của Ukraine. Quá trình bảo dưỡng phức tạp và không phù hợp với chuyến bay tầm thấp, những chiếc Typhoon sẽ cần các nhà thầu của Vương quốc Anh thành lập xưởng bảo dưỡng ở Ukraine để hỗ trợ Kiev.
Thời gian đào tạo kéo dài
Cuối tháng 1/2023, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Sunak cho biết quá trình huấn luyện phi công lái một chiếc máy bay chiến đấu “cực kỳ tinh vi” phải mất hàng tháng. Khoảng thời gian đào tạo như vậy là “không thực tế” nếu có ý định đưa những máy bay phản lực loại đó đến Ukraine.
Nhưng vấn đề không chỉ ở việc đào tạo phi công. Các vấn đề khác bao gồm đội ngũ mặt đất, chuỗi cung ứng, mức độ phức tạp trong việc bảo dưỡng, cách sử dụng vũ khí cùng với chúng, cũng như bối cảnh cụ thể ở Ukraine.
“Để giải quyết được tất cả những vấn đề đó, sẽ phải mất hàng tháng chứ không phải vài ngày hay vài tuần”, ông Curtis nói.
“Trên thực tế, ngay cả khi Tổng thống Biden có nói rằng Mỹ sẽ hỗ trợ hậu cần khi Ba Lan cung cấp một phi đội F-16 cho Ukraine, vào thời điểm bạn có gói viện trợ đó đồng thời - việc đào tạo phi hành đoàn cũng như đào tạo mặt đất đã hoàn thành – cũng sẽ mất 6 tháng”.
Nhưng huấn luyện không chỉ là đưa phi công vào máy bay chiến đấu và đưa họ lên không trung. Ông Curtis nhấn mạnh rằng các phi công Ukraine có thể học các chiến lược và chiến thuật của NATO mà không cần đến gần một chiếc máy bay cụ thể. Có rất nhiều điều có thể dạy cho phi công trong lớp học, thay vì trong buồng lái.
Còn theo ông Ledwidge, việc huấn luyện giả lập có thể chiếm phần lớn quá trình đào tạo.
“Cơn ác mộng” hậu cần
Theo ông Ledwidge, Typhoon có “trở ngại hậu cần rất lớn”. Máy bay này cần mức độ hỗ trợ cao hơn nhiều hơn so với F-16.
Ông Bronk cho rằng Ukraine cần các máy bay phản lực tốc độ cao để tránh bị tên lửa tầm xa tiêu diệt. Cả Typhoon và F-16 đều sẽ phải vật lộn để đáp ứng yêu cầu này; các hoạt động bảo trì của chúng thường được vận hành tại các căn cứ tập trung với đường băng phẳng và cách xa các khu vực bị chiến tranh tàn phá của Ukraine.
“Tylon Typhoon được thiết kế để hoạt động trên các đường băng tương đối bằng phẳng và không được tối ưu hóa cho các cuộc hạ cánh ngắn trên các bề mặt gồ ghề”, ông Bronk cho biết.
Ngoài ra, chương trình đào tạo phi công của Anh có thể gặp khó khăn khi phải ưu tiên đào tạo phi công Ukraine trước với thời gian đào tạo tương đối dài, các chuyên gia cảnh báo.
“Chúng tôi không thể tự đào tạo đủ phi công”, ông Ledwidge nói.
Khía cạnh chính trị
Ông Ledwidge cho rằng, cam kết của Vương quốc Anh “không phải là một đề xuất thực tế, đó là một đề xuất chính trị. Mục đích của nó giống như một sự chỉ dẫn – tương tự như đối với xe tăng – để các nước khác bắt đầu nghĩ tới máy bay Gripen hay thậm chí F-16.
Typhoon là một dự án chung của Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha và cần có sự chấp thuận của mỗi nước để gửi các máy bay này tới Ukraine.
Nhưng vấn đề về F-16 sẽ tương tự như với các hệ thống tên lửa tầm xa: trước đây, các đồng minh phương Tây cũng từng do dự cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Nga./.