40 mỏ vàng mới được phát hiện ở Tây Bắc có dễ khai thác?

Đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, việc khai thác các mỏ vàng và đất hiếm sẽ được thực hiện thông qua đấu giá theo luật. Mỏ trữ lượng lớn thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép, còn mỏ trữ lượng nhỏ thì địa phương cấp phép.

Những mỏ vàng có trữ lượng lớn ở Việt Nam

Mới đây, Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc) được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố.

Trước đó, ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, 110 mỏ khoáng sản gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ, vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu đề ra.

Theo Đề án Tây Bắc, 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 (được khoanh định trong phạm vi cấu tạo địa chất thuận lợi cho thành tạo khoáng sản) xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Trên đây mới chỉ là đánh giá tài nguyên khoáng sản qua nghiên cứu ở khu vực Tây Bắc. Thực tế, ngoài Tây Bắc, mỏ vàng còn phát hiện ở các địa phương khác.

Thăm dò trữ lượng khoáng sản vàng khu vực Tây Bắc.

Thăm dò trữ lượng khoáng sản vàng khu vực Tây Bắc.

Theo thông tin do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cung cấp, trữ lượng vàng của cả nước được phân thành 2 loại, đó là quặng vàng gốc và vàng sa khoáng.

Quặng vàng gốc (vàng nằm trong đá cứng) ở Việt Nam có ở nhiều nơi với trên 200 mỏ. Tuy nhiên, chỉ 50 mỏ có triển vọng được điều tra, đánh giá, thăm dò.

Các mỏ vàng có trữ lượng đáng kể gồm: Phước Sơn, Bồng Miêu, Sa Phìn, Minh Lương (Lào Cai). Trong số này, mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn có trữ lượng và tài nguyên lớn nhất là 12,3 tấn và 24 tấn, trụ khoáng vàng Minh Lương có trữ lượng vàng gần 3 tấn.

Thuộc kiểu mạch thạch anh chứa vàng còn có quặng thạch anh sulphur. Các mỏ vàng kiểu này đã được điều tra, đánh giá gồm: Nà Pái, Pác Lạng và Khe Nang. Tụ khoáng Nà Pái nằm ở huyện Bình Gia (Lạng Sơn) được phát hiện từ năm 1985. Vàng ở dạng xâm tán cực kỳ mịn, khó quan sát được. Tài nguyên dự báo tại các mỏ này khoảng 20 tấn.

Các mỏ quặng vàng bạc kiểu viễn nhiệt được phát hiện ở Xà Khía (Lệ Thủy, Quảng Bình), một số mỏ ở Rào Mốc (Hà Tĩnh), Làng Nèo (Thanh Hóa).

Đối với vàng sa khoáng (vàng trong đá do nắng mưa bị phá hủy trôi theo sông suối) được điều tra đánh giá thăm dò tập trung ở một số vùng: Na Rì (Bắc Kạn), Đại Từ (Thái Nguyên), Bồng Miêu (Quảng Nam) và một số điểm ở Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An.

Ngoài ra, mỏ vàng Tân An, Lương Thượng (Bắc Kạn) thuộc loại quy mô lớn với trữ lượng trên 1 tấn. Các mỏ Bồ Cu, Trại Cau - Suối Hoan (Thái Nguyên) thuộc loại quy mô trung bình với trữ lượng trên 0,5 tấn và mỏ Cắm Muộn (Nghệ An) gần 300kg.

Đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, việc khai thác các mỏ vàng và đất hiếm sẽ được thực hiện thông qua đấu giá theo luật. Mỏ trữ lượng lớn thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép, còn mỏ trữ lượng nhỏ thì địa phương cấp phép.

Để khai thác được mỏ vàng là quá trình rất dài

Theo đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản, để khai thác các mỏ khoáng sản trong đó có vàng đã được phát hiện, Bộ Công Thương sẽ đưa vào quy hoạch theo Quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2023 về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi đưa vào quy hoạch các mỏ khoáng sản, các doanh nghiệp sẽ đăng ký thăm dò và lựa chọn nhà đầu tư để khai thác. Trước khi khai thác, các đơn vị phải đánh giá tác động về môi trường và lên một bản thiết kế phương án khai thác.

"Từ lúc phát hiện tới lúc đưa vào khai thác các mỏ khoáng sản trong đó có vàng là cả một quá trình khá dài. Nhóm điều tra chỉ mới phát hiện và tính toán trữ lượng ở mức độ tài nguyên", đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết.

Theo TS Trần Đức Minh, chuyên gia về địa chất khoáng sản, ngành công nghiệp khoáng sản phát triển hợp lý sẽ phát huy được nguồn nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản là tài nguyên hữu hạn, không tái tạo, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản gây ra các tác động đáng kể đối với môi trường sống của con người.

Trên thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.

Trong khai thác vàng, ngay tại các mỏ vàng đã được cấp phép, đa số các nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải, tình trạng nước thải chưa qua xử lý chứa các loại hóa chất độc hại như xyanua, thủy ngân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.

Đáng lo ngại nhất là các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Do vốn đầu tư của các doanh nghiệp này hạn chế, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và nhất là chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên các chủ cơ sở ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu đến môi trường. Đa số các mỏ đang hoạt động hiện nay sản lượng khai thác thấp hơn nhiều so với sản lượng được cấp phép, hoạt động không tuân thủ dự án, thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết được duyệt.

Theo đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản, kết quả của Đề án Tây Bắc có tác động khá lớn tới sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Giúp cung cấp các thông tin quan trọng phục vụ xây dựng các công trình giao thông, xây dựng cơ bản khác, về các loại đất đá giúp cho việc tìm kiếm các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho nhu cầu của các địa phương.

Tại các địa phương có các mỏ khoáng sản được phát hiện, đánh giá tài nguyên, khi có các doanh nghiệp đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cũng sẽ được hưởng lợi, có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho lực lượng lao động ở địa phương, tăng ngân sách cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/40-mo-vang-moi-duoc-phat-hien-o-tay-bac-co-de-khai-thac-169250404062124778.htm