40 năm gắn bó với 'nghề đặc biệt'
Theo con đường thẳng tắp, rợp bóng cây xanh của làng Đại An Khê, (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng), chúng tôi tìm gặp ông Hồ Xuân Thành, người có 40 năm làm công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng. Quá nửa đời người, người cựu chiến binh ấy vẫn miệt mài với công việc đầy ý nghĩa, mang tính nhân văn, tri ân sâu sắc đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và như tâm nguyện của ông, sẽ còn tiếp tục làm công việc này cho đến khi nào mắt mờ, chân mỏi…
Niềm hạnh phúc khi làm quản trang
Đến xã Hải Thượng, hỏi ông Thành, từ người già tới trẻ nhỏ đều trả lời cứ ra nghĩa trang liệt sĩ xã, vì đó được xem như “ngôi nhà” thứ hai của ông. Và quả đúng như vậy, trong nắng gắt ban trưa, bước vào cổng nghĩa trang tôi đã thấy bóng dáng ông đang cần mẫn dọn dẹp, chăm sóc từng ngôi mộ liệt sĩ. Những ngày tháng bảy, khi lễ tri ân lớn nhất dành cho các thương binh, liệt sĩ đang đến gần thì công việc của một người quản trang như ông Thành trở nên bận rộn hơn.
Chuyện trò với ông, tôi càng xúc động khi biết 40 năm nay, ngày qua ngày, ông vẫn đều đặn đi về con đường ra nghĩa trang xã trên chiếc xe đạp cọc cạch. Giữa nghi ngút khói hương, bên chén trà pha vội, câu chuyện của người cựu chiến binh về cuộc đời và hành trình gắn bó với “nghề đặc biệt” tại nghĩa trang cứ thế cuốn hút tôi…
Nhập ngũ từ năm 1977, khi vừa tròn 20 tuổi, sau 3 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, ông Thành trở về sinh sống tại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng. Ông kể rằng thời gian trong quân ngũ đã để lại nhiều kỷ niệm vui buồn và không ít mất mát đau thương khi chứng kiến cảnh các đồng đội hy sinh. Trở về từ chiến trường, ông Thành mang trên mình những vết thương và trong lòng một nỗi đau đáu mong làm một điều gì đó có ích cho thế hệ đi trước cũng như đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Ít lâu sau, ông Thành lập gia đình cùng cô Trần Thị Yến, cũng là nữ du kích, cựu thanh niên xung phong trở về quê hương.
Năm 1982, ông mạnh dạn tới UBND xã đề đạt nguyện vọng và được tin tưởng giao nhiệm vụ trông coi nghĩa trang xã. Ông Thành kể lại, thực ra công việc ban đầu là “người bảo vệ nghĩa trang”, bởi Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng khi đó chỉ mới có vài trăm ngôi mộ liệt sĩ. Đến năm 1990, khi nghĩa trang được xây dựng mở rộng, UBND xã đề xuất phụ cấp cho ông một năm 3 tạ lúa nhận tại hợp tác xã. Từ năm 2000- 2006, ông không được hỗ trợ lúa nữa mà được hỗ trợ tiền với mức 100 ngàn đồng/ tháng.
Sau năm 2006 đến nay, mức hỗ trợ tăng lên 150 ngàn đồng/ tháng, rồi 300 ngàn đồng/tháng. Gia đình ông thuần nông, nên công việc hằng ngày của hai vợ chồng gắn với đàn vịt, bầy gà và đồng ruộng, ao vườn. Từ khi các con ra đời, gánh nặng cơm áo càng nhiều thêm. Số tiền 300 ngàn đồng được hỗ trợ từ công việc quản trang thực ra còn chẳng đủ mua dăm bao thuốc, gói trà để ông tiếp khách đến viếng, huống gì là trang trải cuộc sống. Thế nhưng, ngần ấy năm trôi qua, dẫu còn lo toan nhiều cho phát triển kinh tế gia đình, ông Thành vẫn dành thời gian và đảm đương trọn công việc của một người quản trang tận tụy.
Hiện nay, ông Thành còn kiêm thêm công việc bảo vệ Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Hải Thượng. Số tiền hỗ trợ ít ỏi chẳng đáng là bao, nhưng ông nói: “Xã hỗ trợ bao nhiêu thì tôi nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi gì cả. Bởi với tôi, công việc quản lý nghĩa trang, chăm sóc mộ liệt sĩ là một niềm hạnh phúc vì đã tự tay mình gìn giữ, chăm lo “giấc ngủ”, sưởi ấm nơi yên nghỉ cho các đồng chí, đồng đội và cả lớp người đi trước. Họ được ấm áp thì tôi cũng ấm lòng...”.
Những cống hiến lặng thầm
Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng là nghĩa trang liệt sĩ cấp xã lớn nhất của tỉnh Quảng Trị với hơn 2.000 ngôi mộ liệt sĩ, tức là bằng 1/5 tổng số ngôi mộ của Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Trong số hơn 2.000 ngôi mộ mà hằng ngày ông Thành chăm sóc, có 1.600 liệt sĩ từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra các tỉnh miền Bắc, hàng trăm liệt sĩ địa phương và hơn 150 liệt sĩ chưa biết tên. Nhưng hằng năm, chính quyền địa phương chỉ cấp kinh phí hương khói trong những dịp tết, lễ và ngày Thương binh - Liệt sĩ. Những ngày còn lại, ông Thành bỏ tiền túi ra mua hương thắp, bởi lo nghĩa trang lạnh lẽo.
Nhìn ông tỉ mỉ quét dọn, làm cỏ, tưới hoa, chăm sóc cây cảnh và hương khói các phần mộ mà cảm thấy dường như trong ánh mắt, nụ cười ông đang chuyện trò với các đồng chí, với người thân. Ông bộc bạch rằng, hôm nào trở trời, vết thương cũ tái phát, hay bệnh của người già khiến ông không ra nghĩa trang được là trong lòng lại thấy ray rứt như có lỗi với đồng đội. Vào những ngày rằm, đầu tháng, ông Thành đều đến dâng hương trước anh linh các liệt sĩ. Các dịp tết, lễ, ông chuẩn bị chu đáo, dọn dẹp lại nghĩa trang cho sạch đẹp để các tổ chức, đoàn thể và Nhân dân đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm.
Khi tôi đến nghĩa trang, ông Thành đang loay hoay với cái máy bơm nước đã cũ, rồi kéo dây ra khắp các mộ phần để tưới cây, hoa. Công việc cứ đều đều diễn ra như vậy, nhiều lúc quấn lấy ông mất cả ngày. Mệt nhọc, vất vả là thế, nhưng với ông Thành, trên tất là cả tấm lòng tri ân sâu sắc đối với các liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Cách đây chừng 10 năm, thấy nghĩa trang còn rộng mà không có bóng cây, ông Thành đã tìm kiếm và đưa về nhiều loại hoa để trồng thành bồn hoa trong khuôn viên.
Sau một thời gian ông cần mẫn vun trồng, tưới bón, trên bồn hoa tượng đài trong nghĩa trang lúc nào cũng rực rỡ sắc hoa. Ông còn đưa thêm hàng chục cây tùng, sứ, bàng về trồng xung quanh nghĩa trang và hai bên con đường chính từ cổng dẫn vào tượng đài. Bây giờ, mỗi khi có dịp đến viếng mộ liệt sĩ, nhiều người dân lại tấm tắc khen Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng đẹp và sạch sẽ như công viên. Trên mỗi ngôi mộ bốn mùa có hoa nở, cổng và lối đi khang trang. Quang cảnh này và tấm lòng của người quản trang chân tình, tận tụy như ông Thành đã làm ấm lòng những người nằm xuống, làm yên lòng các thân nhân liệt sĩ.
Ông Thành nói với tôi rằng đừng viết nhiều về ông, vì cho rằng việc ông làm là nghĩa vụ của người cựu chiến binh đối với những đồng chí, đồng đội đã yên nghỉ tại nghĩa trang. Rồi nhấp ngụm trà đặc, ông mỉm cười hiền hậu: “Tôi từng sống và chiến đấu trong quân ngũ nên hiểu rõ tâm hồn người lính. Dù còn sống hay đã khuất, họ đều rất chỉnh chu, nghiêm túc, yêu đời. Đó là lý do tôi muốn trồng thật nhiều hoa thơm, nhiều cây xanh và hương khói để các mộ phần luôn sạch sẽ. Công việc quản trang tuy nhìn nhàn nhã nhưng nếu tận tâm, làm việc có trách nhiệm thì cũng vất vả. Cho dù không còn hiện diện trước mặt, nhưng tôi cảm nhận được đằng sau mỗi mộ phần là mỗi trái tim chan chứa tình yêu hòa bình, tình yêu quê hương, đất nước của người đi trước, của đồng chí, đồng đội tôi. Họ như luôn bên cạnh, nhắc nhở tôi sống sao cho trọn vẹn nghĩa tình”.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông Thành không nhớ hết những đoàn khách, thân nhân và gia đình liệt sĩ đã đến viếng nghĩa trang nơi ông gắn bó, nhưng có một thứ ông luôn nhớ chính xác, thuộc nằm lòng. Đó là vị trí của từng ngôi mộ trong nghĩa trang hơn 2.000 mộ phần này. Mỗi khi có thân nhân đến viếng, chỉ cần đọc tên tuổi, quê quán liệt sĩ là ông nhớ và hướng dẫn ngay vị trí. Khi biết nguyện vọng của thân nhân nào muốn đưa hài cốt liệt sĩ về quê, ông Thành rất tận tâm, góp phần xác minh và tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Tô đẹp thêm truyền thống gia đình, dòng họ
Có rất nhiều điều ấn tượng và đặc biệt xoay quanh câu chuyện của cựu chiến binh Hồ Xuân Thành. Trong khi thắp hương ở các phần mộ liệt sĩ, chợt tới một mộ phần, tôi bỗng thấy mắt ông Thành đỏ hoe. Ông nói rằng gia đình, dòng họ ông có nhiều mất mát lớn trong chiến tranh, và dưới mộ phần ông vừa dừng lại đó là chị gái ruột của ông là liệt sĩ Hồ Thị Hữu hy sinh năm 1972. Bố ruột ông Thành là liệt sĩ Hồ Thí từng được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, mẹ ruột ông là liệt sĩ Trần Thị Mười được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Các cô chú, cậu dì của ông đều đã từng là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, hy sinh anh dũng. Sẽ rất xứng đáng khi nói rằng những việc làm, những cống hiến thầm lặng của ông bây giờ đây chính là để tô đẹp thêm cho truyền thống của một gia đình cách mạng tiêu biểu. Đáng quý hơn nữa, công việc quản trang, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ của ông được cả gia đình chung tay, ủng hộ.
Bà Trần Thị Yến, vợ ông Thành tâm sự: “Khi vừa lấy nhau thì chồng tôi đã làm công việc quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Biết được tâm huyết và những cống hiến lặng thầm của ông, tôi và các con rất tự hào, ủng hộ. Có những ngày việc nhiều, một mình làm không xuể thì chồng tôi lại huy động cả tôi, các con, cháu ra nghĩa trang. Có khi cả gia đình tôi, con gái tôi và các cháu đều đến cả. Người quét dọn, người tỉa cây, nhặt rác, phụ giúp ông và cũng là để tri ân lớp người đi trước. Tôi cũng luôn căn dặn các cháu hãy biết trân quý những việc mà ông đã làm, nhìn ông để noi theo và tiếp nối truyền thống của gia đình, dòng họ. Điều mong muốn lớn nhất bây giờ là mong chồng tôi có sức khỏe để tiếp tục công việc ý nghĩa mà ông đã gắn bó suốt gần cả cuộc đời”.
Bịn rịn nói lời chia tay ông khi ánh chiều đã buông trên những đóa hoa dâng mộ liệt sĩ, tôi vẫn không thể quên lời ông tâm sự: “Mỗi một con người sinh ra gánh vác nhiều trách nhiệm. Với tôi, trong chiến tranh, trách nhiệm đó là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bây giờ, may mắn còn sống thì phải dành trọn tâm huyết chăm lo cho những đồng đội, đồng chí đã khuất. Tôi ước ao trên khắp non sông nước ta sẽ không còn ngôi mộ liệt sĩ nào chưa biết tên, để các liệt sĩ đều có người thân thăm viếng, đưa về quê hương. Tôi tin rằng, hương hồn các đồng chí, đồng đội vẫn luôn ở bên, dõi theo tôi mỗi lần tôi đến chăm sóc, gắn bó với nghĩa trang này…”.