40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Toàn tâm thắp lên tình yêu tri thức
Nhân dịp 20-11, các nhà giáo tiêu biểu cho rằng cần tạo điều kiện để giáo viên toàn tâm toàn ý dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, vừa bảo đảm kiến thức cơ bản và sáng tạo ra những tiết học phá vỡ truyền thống
. Thầy NGUYỄN MẠNH HÙNG, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình):
Lựa chọn nghề dạy học là mỗi người giáo viên (GV) đã xác định và chấp nhận đối mặt với khó khăn, thách thức. Nhiều GV đã trở thành thầy cô giáo hạnh phúc, xây dựng những lớp học hạnh phúc. Các cuốn sách về giáo dục nổi tiếng trên thế giới được dịch ra tiếng Việt ngày càng nhiều và chưa bao giờ được đặt mua nhiều như thế trên thị trường. Các diễn đàn đổi mới phương pháp giảng dạy trên các trang mạng xã hội dành cho GV cũng đang thu hút ngày càng nhiều người tham gia... Đó là những minh chứng cho thấy sự quyết tâm thay đổi, phát triển bản thân của mỗi GV để đam mê hơn với nghề, để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh "trồng người" cao cả mà mình đã chọn. Chúng tôi mong nhà nước sẽ có những chính sách thiết thực hơn để nâng cao đời sống GV. Mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống chính là lý do khiến nhiều GV phải bỏ nghề, rẽ ngang sang hướng khác, không đi hết được con đường đã chọn.
. Thầy NGUYỄN ĐỨC TRƯỜNG, giáo viên môn toán Trường THCS Đa Tốn (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội):
Tấm gương người thầy được học trò cảm nhận ở rất nhiều khía cạnh, từ phương pháp truyền thụ kiến thức hấp dẫn đến miệt mài soạn giáo án và trên hết là người thầy tận tâm, tài giỏi.
Gần 30 năm đứng trên bục giảng với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, tôi muốn chinh phục học sinh bằng trái tim và trí tuệ của mình chứ không phải bằng hình ảnh bên ngoài. Thầy giáo phải như một ngọn đuốc, phải sáng về chuyên môn và tâm đức. Tôi nỗ lực làm thế nào để người ta gặp mình thì gọi là "thầy giáo".
Điều gì xuất phát từ trái tim, trí tuệ thì những người khác, đặc biệt là học sinh, cảm thụ rất nhanh. Các thầy cô giáo hãy yêu thương bằng trí tuệ và dạy học bằng con tim. Hãy nghĩ những gì mình không dạy hôm nay, ngày mai không còn cơ hội dạy học sinh đó lần nữa thì sẽ truyền hết cảm xúc, động lực cho học sinh.
Điều quan trọng nhất với mỗi GV không chỉ là để học sinh hiểu bài mà làm thế nào truyền động lực đến các em, thắp lên ngọn lửa của tình yêu tri thức. Điều đó đòi hỏi các GV, trong đó có tôi, thực hiện hằng ngày, hằng giờ theo cách giản dị, nghị lực sống mạnh mẽ, sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong từng bài giảng.
. Thầy VÕ KIM BẢO, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM):
Bất kể ngành nghề nào, muốn toàn tâm toàn ý làm việc và sáng tạo đều phải có cơ sở, đó là nền móng vững chắc, vì vậy ai học cái gì cũng phải nắm rõ kiến thức đó, sau đó mới thực hành và sáng tạo được. Bản thân nhà giáo cũng vậy, khi có cơ hội được nắm rõ, nắm chắc chương trình, nắm chắc bài vở thì sẽ dễ dàng trong việc sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, chẳng hạn như chương trình, sách giáo khoa vừa mới ra nhưng lại yêu cầu GV phải có sự sáng tạo ngay. Lẽ dĩ nhiên, GV làm cũng được nhưng sẽ vội vàng mà thiếu đi chất lượng. Một bài dạy mới vừa xuất hiện, ở góc độ chuyên môn thì GV phải nắm rõ rồi, nhưng khi tổ chức giảng dạy phải nắm được tâm lý của học sinh khi đón nhận, năng lực đón nhận của từng em như thế nào. Chính vì vậy, GV cần ít nhất khoảng 1 năm để có thể thấm được nội dung bài, nội dung chương trình, sau đó mới có thể bắt đầu sáng tạo được.
Đối với mỗi người thầy, sáng tạo cũng là sự tự nguyện chứ không phải là sự ép buộc, vì vậy, GV dạy học sáng tạo nên là những phong trào khuyến khích chứ không phải thi đua hoặc là những cuộc thi... Hơn nữa, dạy học sáng tạo hiện nay nên cần được đánh giá là có hiệu quả tới đâu chứ không phải cứ cái gì lạ thì gọi là sáng tạo. Cái lạ chưa chắc là sáng tạo, nếu cái lạ mà tạo được sự hứng thú, hiệu quả của giờ học, phù hợp hoàn cảnh thì là sáng tạo. Hiện nay, người ta vẫn đang nhập nhằng, cứ cái gì hoành tráng, quy mô là sáng tạo. Nhiều khi, sự sáng tạo của GV chỉ nằm rất đơn giản ở một chi tiết nhỏ trong bài học thôi nhưng cái đó lại rất cần được ghi nhận.
. Cô NGUYỄN DUY ANH TÂM, giáo viên Trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7, TP HCM):
GV bậc học nào cũng cần dạy học sáng tạo, đổi mới, bậc mầm non càng cần sáng tạo, đổi mới bởi đặc thù bậc học luôn cần những tiết học vui nhộn, đa sắc màu - vừa để thu hút trẻ vừa bảo đảm nội dung theo yêu cầu.
Nhiều người nói GV mầm non vất vả nhất trong các bậc học, không chỉ vì lứa tuổi mầm non, các em còn nhỏ, việc cân bằng giữa công việc và gia đình cũng khiến GV bậc học này thêm nhiều nỗi lo hơn. Và nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì sẽ nản lòng bỏ nghề, chưa nói tới dạy học sáng tạo. Vì thế, GV phải có lòng yêu nghề mới có thể sáng tạo được. Gần đây khi thông tin lùi giờ học của học sinh, với chúng tôi là nỗi lo hơn là mừng; bởi lẽ, ngày nào tôi và nhiều đồng nghiệp đều phải đưa con đến trường lúc 6 giờ 30 phút, như vậy mới kịp thời gian đến trường và đón trẻ. Nếu thời gian vào học của con lùi lại, tôi vẫn phải đưa cháu đến trường sớm và dặn con ở trong trường ôn bài vở chờ đến giờ vào lớp, chứ không thể đón trẻ trễ giờ. GV muốn toàn tâm toàn ý sáng tạo, ngoài được tạo môi trường dạy học, cũng cần được tập trung trọn vẹn vào nghề, giảm bớt các phong trào thi đua không cần thiết.
. Thầy PHẠM LÊ THANH, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM):
Để toàn tâm toàn ý cho việc xây dựng bài giảng, dạy học sáng tạo, GV cần được giảm bớt hồ sơ, sổ sách, báo cáo, số lần dự giờ, thao giảng bắt buộc trong năm học. Chuyển đổi số cần được thực hiện để giảm áp lực cho GV phải sử dụng quá nhiều văn bản, hồ sơ, sổ sách giấy tờ. GV mong muốn được khuyến khích các tiết dạy học tốt, thao giảng trên tinh thần tự nguyện, qua đó các thành viên trong tổ bộ môn dự, góp ý, chia sẻ để hoàn thiện học liệu chung của tổ, cùng chung sức xây dựng tài nguyên bài giảng sáng tạo dưới sự huy động nguồn lực, ý tưởng sáng tạo từ nhiều thầy cô.
GV cần được tự chủ trong khuôn khổ cho phép, tránh việc kiểm soát GV thông qua giáo án, bài giảng y như văn mẫu, đối phó bằng đủ các công cụ, chế tài, ràng buộc họ bằng rất nhiều loại chứng chỉ dư thừa, các khóa học vô nghĩa, ngành giáo dục và đào tạo nên tập trung vào việc tuyển dụng, cho người trẻ, người giỏi có cơ hội cống hiến. Điều đặc biệt là GV cần được chăm sóc và quan tâm về mặt sức khỏe, tinh thần bằng các hoạt động tư vấn tâm lý, môi trường làm việc lành mạnh, sự hỗ trợ, chia sẻ từ đồng nghiệp. Cha mẹ học sinh nên có góc nhìn thoáng hơn, cùng chung tay với thầy cô trong hành trình giáo dục tri thức và nhân cách của con trẻ. Điều tôi muốn nói là "sự thấu cảm và sẻ chia" của xã hội để đời sống của GV được cân bằng phần nào đó giữa cuộc sống cá nhân và công việc.