40 phút 'khủng khiếp' cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân số 19
Là người trực tiếp theo dõi và điều trị cho bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Đồng Phú Khiêm- Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, khi bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn, trong 40 phút cấp cứu cho bệnh nhân thực sự rất khủng khiếp và cả ekip phải huy động thêm rất nhiều các y bác sĩ hỗ trợ.
40 phút quyết định
Trao đổi về việc điều trị cho bệnh nhân số 19 nhiễm COVID-19, bác sĩ Khiêm cho biết, bệnh nhân sau khi cai được ECMO đã có những tiến triển tốt, tuy nhiên đối với những bệnh nhân nhiễm virus Covid-19, virus này gây ra tình trạng tổn thương, loạn nhịp tim. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp bệnh nhân loạn nhịp tim và dẫn đến đột tử.
Chia sẻ về kỹ thuật ECMO, bác sĩ Khiêm cho biết, kỹ thuật ECMO là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất thế giới. Và rất may mắn, kỹ thuật này không phải lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Kỹ thuật này được thực hiện rất nhiều lần, vì vậy ekip thực hiện cũng đã quen với các thao tác này. Bình thường chỉ có 1 bác sĩ làm ở vòng trong, nhưng khi tình trạng bệnh nhân nặng như vậy chúng tôi huy động toàn bộ, từ Trưởng khoa cho đến tất cả anh chị em có mặt lúc đó để nhận định, bàn bạc trao đổi. Khi mà nhận định tình hình bệnh nhân như vậy, quyết định làm thì chúng tôi cũng báo cáo và xin ý kiến cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế. Bác sĩ Khiêm nhớ lại, bình thường mình làm quen rồi, tay chân tương đối chắc tay, nhưng lúc cấp cứu bệnh nhân thời gian rất nhanh sợ không kịp thực hiện, nên lúc đó tay chân cũng hơi run run và căng thẳng. Tuy nhiên, rất may sau đó các dấu hiệu sinh tồn đã được thiết lập lại”, bác sĩ Khiêm cho hay.
“Rất may mắn là tình hình dịch bệnh tại Việt Nam chưa quá tải nên có thể tập trung đủ nguồn lực để theo dõi các bệnh nhân và cấp cứu kịp thời. Sau cấp cứu thì bệnh nhân tỉnh táo không để lại di chứng. Nếu tình trạng ngừng tuần hoàn nếu như phát hiện muộn, khả năng bệnh nhân sống để lại di chứng rất lớn, đặc biệt là tổn thương não dẫn đến sống thực vật”- bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Trong vài ngày qua có một số thông tin cho rằng bệnh nhân số 19 đã ngừng tim 3 lần, tuy nhiên theo bác sĩ Khiêm khẳng định rằng thông tin này là do mọi người chưa hiểu đúng.
“Thực chất, bệnh nhân 19 chỉ ngừng tuần hoàn 1 lần". Đêm ngày 8/4, bệnh nhân số 19 xảy ra hiện tượng loạn nhịp tim và dẫn đến tình trạng ngừng tim. Sau khi cấp cứu được 30 phút nhưng tình trạng bệnh nhân không có phản hồi, tưởng chừng như không qua khỏi và các bác sĩ đã báo cho gia đình bệnh nhân biết được tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn không bỏ cuộc và đã huy động thêm người để hỗ trợ cho ca cấp cứu.
“Cấp cứu ngừng tuần hoàn trong hơn 40 phút thực sự rất khủng khiếp. Động tác ép tim dù người khỏe đến mấy chỉ 1, 2 phút thì tay đã rã rời. Nếu như ép lỏng và không đúng kỹ thuật thì sẽ không đảm bảo được tuần hoàn cho bệnh nhân, việc ép sẽ vô nghĩa. Còn nếu ép đúng kỹ thuật thì sẽ mệt và phải có rất nhiều người thay nhau vì thông thường sẽ ép 120 lần/1 phút. Tham gia ekip ép tim cho bệnh nhân hôm đó gồm 8 người, bao gồm cả bác sĩ và điều dưỡng.”- Bác sĩ Khiêm nhớ lại.
Theo đó, sau khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn các cơ quan sẽ bị tổn thương như suy tim, nhiễm trùng, suy thân phải lọc máu, tổn thương phối, nên những ngày tiếp theo đó cũng rất căng thẳng đối với đội ngũ các y bác sĩ.
Điều trị bệnh nhân nước ngoài gặp không ít khó khăn
Đối với việc chăm sóc bệnh nhân người nước ngoài, bác sĩ Khiêm cho biết do thể trạng người nước ngoài rất khác, cân nặng lớn nên việc chăm sóc toàn diện từ vệ sinh cá nhân, thay đổi tư thế cho bệnh nhân không hề dễ dàng. Ngoài ra, bệnh nhân lại không có người nhà bệnh bên cạnh nên các bác sĩ cũng gặp rất không ít những khó khăn.
“Về vấn đề giao tiếp cũng không có trở ngại, tuy nhiên trong giai đoạn rút ống cho bệnh nhân, đối với các bệnh nhân người Việt, giai đoạn đó phải dùng thuốc an thần, giảm đau, bệnh nhân tỉnh để hợp tác, bệnh nhân hợp tác tốt thì khả năng rút ống thành công sẽ cao hơn.
Còn đối với bệnh nhân người Anh thì việc giải thích tỉ mỉ để họ hợp tác sẽ hơi khó khăn hơn. Thứ hai, giai đoạn sau rút ống, khi bệnh nhân khó chịu mà muốn truyền đạt lại cho các bác sĩ thì giọng bệnh nhân thường thều thào sẽ rất khó nghe.”- Bác sĩ chia sẻ.
Quan trọng hơn hết là cộng đồng mình an toàn
Sau gần 2 tháng liên tục túc trực trong bệnh viện bác sĩ Khiêm mới được về thăm nhà, nhưng khi được hỏi có cảm thấy thiệt thòi và nhớ nhà không, bác sĩ lại phân trần: “So với mọi người thì bản thân tôi may mắn hơn rất nhiều vì vẫn được về thăm nhà. Chứ ban đầu đơn vị tiếp nhận những bệnh nhân nghi ngờ hay các bệnh nhân dương tính thì đã có rất nhiều các y bác sĩ phải chiến đấu liên tục hàng tháng trời thực sự rất vất vả.”
Sau khi bệnh nhân rút được ống thở ra thì vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến chăm sóc như tim mạch, dinh dưỡng,.. Nói chung là để thành công thì phải từng chút một và đến thời điểm này thì các bác sĩ chúng tôi cũng phần nào yên tâm, chứ chưa hoàn toàn yên tâm, bác sĩ Đồng Phú Khiêm chia sẻ.
Bác sĩ Khiêm và những người đồng nghiệp của anh làm việc không ngừng nghỉ để chăm sóc, chữa trị cho các bệnh nhân và điều mà các anh mong muốn nhận lại chỉ đơn giản là: “Quan trọng hơn hết là cộng đồng mình an toàn thì đã rất vui rồi. Bên cạnh niềm vui đấy thì chúng tôi cũng luôn xác định sẽ vẫn tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi nào thế giới hết dịch."