400.000 xe máy xăng sang xe điện ở TPHCM: Tài xế công nghệ trăm mối ngổn ngang

TPHCM đặt mục tiêu chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện đối với nhóm tài xế công nghệ, shipper. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi xanh này đang khiến không ít người trong cuộc thấp thỏm bởi bài toán chi phí, hỗ trợ và sinh kế...

Lo “nợ chồng nợ”

Những cơn mưa nắng thất thường ở TPHCM dường như là chuyện quá đỗi quen thuộc đối với ông Nguyễn Thanh Tùng (67 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TPHCM). Trong chiếc áo đồng phục đã cũ sờn, ông Tùng vẫn cần mẫn bám tay lái, chạy xe công nghệ từng cuốc mỗi ngày để mưu sinh. Chạy từ sáng sớm đến tối muộn, sau khi trừ các chi phí, ông Tùng kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày. Trò chuyện về nghề, ông Tùng bộc bạch: “Có việc làm, có đồng ra đồng vô đều đặn là quý rồi”.

Tuy nhiên, khi nhắc đến thông tin chuyển đổi xe xăng sang xe điện từ năm 2026, ông Tùng không giấu nổi sự băn khoăn. “Tôi nghe nói sẽ chuyển qua xe điện, nhưng chưa thấy ai nói rõ chuyển khi nào, hỗ trợ ra sao. Nếu có hỗ trợ hợp lý thì tôi vẫn sẵn sàng. Nhưng nếu bắt mình đổi mà phải tự xoay xở hết thì lấy đâu ra tiền mà mua xe mới” – ông Tùng bộc bạch.

 Tài xế Nguyễn Thanh Tùng (67 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TPHCM).

Tài xế Nguyễn Thanh Tùng (67 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TPHCM).

Không riêng ông Tùng, cả cộng đồng tài xế công nghệ ở TPHCM đang râm ran câu chuyện về cuộc chuyển đổi phương tiện. Ông Kha Vĩnh Khang (ngụ phường Bến Thành) nói rằng, mấy tuần nay nghe nói một số hãng sẽ ngưng ký hợp đồng với người chạy xe xăng từ đầu năm 2026. “Chạy xe là kế sinh nhai của nhiều người. Nếu bắt buộc phải đổi xe thì phải tính nhưng quan trọng là có được hỗ trợ không, và hỗ trợ bao nhiêu? Anh em tài xế phần lớn không có tích lũy” - ông Khang cho hay.

Theo ông Khang, chuyển sang xe điện là xu hướng của tương lai, cần thiết cho môi trường và sự phát triển bền vững nhưng lý tưởng và thực tế vẫn chưa gặp nhau bởi nhiều tài xế vẫn đang chạy ăn từng bữa.

“Hiện có hãng như Grab hỗ trợ tài xế vay mua xe điện trả góp, trừ dần vào doanh thu. Tuy nhiên, chương trình này chỉ phù hợp với tài xế chạy ổn định lâu năm. Người mới hoặc không gắn bó nhiều thì không đủ điều kiện tham gia, coi như đứng ngoài cuộc” - ông Khang chia sẻ.

 Tài xế Kha Vĩnh Khang (ngụ phường Bến Thành, TPHCM).

Tài xế Kha Vĩnh Khang (ngụ phường Bến Thành, TPHCM).

Tranh thủ ăn vội hộp xôi khi chưa có khách, chị Minh Trang (45 tuổi, ngụ phường Khánh Hội) tâm sự, hai vợ chồng đều làm nghề chạy xe công nghệ nuôi ba con nhỏ đi học. Hai chiếc xe máy hiện tại đều là xe xăng, trong đó một chiếc xe mua bằng phương thức trả góp hàng tháng, đến nay vẫn chưa hết nợ.

“Nếu theo đề xuất, từ năm sau mình phải đổi thành xe điện thì cũng rất gay go với gia đình tôi. Nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết, nếu vay thêm tiền mua xe điện thì nợ chồng nợ, không biết lấy gì lo cho gia đình” – chị Trang lo lắng thổ lộ

Mạnh dạn chuyển đổi

Từng lăn bánh hàng trăm cây số mỗi ngày trên chiếc xe máy cũ chạy xăng, anh Nguyễn Văn Hữu (quê Long An, nay là tỉnh Tây Ninh) đã chọn bước ngoặt lớn trong hành trình mưu sinh của mình: chuyển sang chạy xe máy điện cho một hãng công nghệ xanh.

“Lúc đầu cũng lăn tăn lắm, vì chưa biết xe điện chạy có ổn không, rồi sạc pin như thế nào, hư hỏng thì sửa ở đâu. Nhưng tôi nghĩ thôi cứ thử. Không thử thì không biết mình có hợp không”, anh Hữu nhớ lại.

Gần một năm nay, anh là tài xế của một hãng xe, xe do hãng cung cấp, anh đặt cọc 4 triệu đồng để nhận xe. “Xe mình nhận là xe cũ, đã chạy được khoảng 40.000km nhưng vẫn chạy tốt. Xe mới thì sạc pin nhanh hơn, khoảng 2–2,5 tiếng là đầy, còn xe tôi sạc khoảng 3 tiếng”, anh chia sẻ.

Mỗi buổi chở khách, xe do anh Hữu điều khiển có thể chạy được khoảng 80km. Khi pin gần cạn, anh tranh thủ quay về phòng trọ ở quận Bình Tân cũ để sạc, nghỉ ngơi. “Nói thật, trước giờ anh em mình quen xe xăng, ngại xe điện cũng phải. Nhưng xài rồi mới thấy, nếu biết cách bảo quản, giữ gìn thì xe điện cũng bền, dễ chạy”, anh Hữu nói.

Chuyển sang xe điện, điều anh Hữu hài lòng nhất là chi phí xăng xe giảm đáng kể. Máy xe vận hành êm hơn và không còn phải lo chuyện thay nhớt, bảo trì thường xuyên như trước. Dù còn một số bất tiện như thời gian sạc lâu hơn đổ xăng nhưng theo anh Hữu, “làm nghề gì thì cũng phải thích nghi. Miễn có việc làm và có thu nhập ổn định thì phải làm”.

 Nhiều tài xế công nghệ ở TPHCM hiện nay vẫn đang sử dụng xe máy xăng. Ảnh: Hữu Huy

Nhiều tài xế công nghệ ở TPHCM hiện nay vẫn đang sử dụng xe máy xăng. Ảnh: Hữu Huy

Còn anh Trần Văn Bình (phường Bình Dương) nói rằng, trước giờ chưa từng chạy xe điện, tuy nhiên nếu TPHCM yêu cầu chuyển đổi, anh sẽ chấp hành. “Chạy xe là “cần câu cơm” nuôi vợ con nên tôi không thể bỏ nghề này. Do đó, khi có yêu cầu thì mình sẽ thực hiện thôi. Dẫu vậy, tôi vẫn mong được cơ quan chức năng hỗ trợ chuyển đổi, cũng như có các phương án xây dựng trạm sạc vì nơi tôi thuê trọ không cho sạc xe điện trong phòng” – anh Bình bộc bạch.

Riêng về xe máy cũ, anh Bình nói rằng có thể gửi về quê, nơi chưa siết chạy xe xăng để người nhà sử dụng.

Chuyển 400.000 tài xế công nghệ sang xe điện

Theo Ths Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đề án “Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TPHCM” đã được trình UBND TPHCM trong tháng 7/2025. Nếu được thông qua, thời gian dự kiến áp dụng từ 1/1/2026.

Theo đề án này, TPHCM có khoảng 400.000 shipper, tài xế công nghệ hoạt động sẽ được chuyển đổi sang xe điện theo từng giai đoạn.

Lý giải chọn lực lượng này chuyển đổi trước, nội dung đề án cho hay mỗi ngày một tài xế di chuyển trung bình 80 - 120km, gấp 3 - 4 lần người dân thường (số liệu khảo sát) nên nhóm này cần được triển khai chuyển đổi trước tiên.

 Việc chuyển đổi phương tiện từ xe xăng sang xe điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các tài xế công nghệ, shipper tại TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Việc chuyển đổi phương tiện từ xe xăng sang xe điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các tài xế công nghệ, shipper tại TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Từ đó, hình ảnh shipper, tài xế công nghệ di chuyển nhiều bằng xe điện êm ái, sạch đẹp góp phần thay đổi nhận thức, thúc đẩy nhu cầu dùng xe điện trong cộng đồng dân cư.

Cũng theo đề án, dự kiến từ tháng 1/2026, TPHCM bắt đầu áp dụng những chính sách ưu đãi, đồng thời ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.

Các tài xế sử dụng xe xăng đăng ký và được chấp nhận trước ngày 1/1/2026 vẫn hoạt động bình thường và cần có kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2029 sẽ chuyển đổi toàn bộ xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tất cả shipper và tài xế công nghệ, giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm xe này.

Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM thông tin, hệ thống sạc công cộng cho ô tô điện cá nhân, taxi, xe máy sẽ được mở rộng mạnh trong thời gian tới. Đến năm 2028, thành phố dự kiến có khoảng 3.000 điểm sạc và đổi pin, ưu tiên đặt tại các vị trí thuận tiện như cây xăng, bãi giữ xe công cộng, trung tâm thương mại, công viên...

Sở Công Thương TPHCM khẳng định, sẽ phối hợp với ngành điện đảm bảo cung cấp nguồn ổn định cho hệ thống trạm sạc, nâng cấp lưới điện tại các khu vực có nguy cơ quá tải, đồng thời áp dụng biểu giá linh hoạt để khuyến khích người dân sạc xe vào giờ thấp điểm. Thành phố cũng tính đến việc tích hợp điện mặt trời để tăng tính bền vững và tiết kiệm.

Hữu Huy

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/400000-xe-may-xang-sang-xe-dien-o-tphcm-tai-xe-cong-nghe-tram-moi-ngon-ngang-post1762218.tpo