Xuất hiện 'cú hích', thị trường xe máy điện vẫn thiếu hai yếu tố quan trọng

Chính sách hạn chế xe xăng từ 2026 được kỳ vọng thúc đẩy thị trường xe máy điện tại Việt Nam tăng tốc chuyển mình. Tuy nhiên, để tạo ra 'cú hích' lớn, các chuyên gia cho rằng cần xe điện cần phải 'gây ấn tượng' về giá và xây dựng hạ tầng trạm sạc, pin thay thế được đầu tư đồng bộ.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đến năm 2024, cả nước có khoảng 75 triệu xe máy xăng trong khi mới có khoảng 3 triệu xe máy, xe đạp điện.

Tâm lý người tiêu dùng thay đổi

Theo Chỉ thị số 20 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ áp dụng lệnh cấm xe môtô và xe gắn máy chạy xăng trong vành đai 1. Từ 1/1/2028, phạm vi hạn chế mở rộng sang vành đai 2, bao gồm cấm xe máy và hạn chế xe ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, lộ trình tiếp tục được mở rộng đến vành đai 3.

TP HCM tuy chưa ấn định mốc thời gian hạn chế xe máy xăng nhưng đang nghiên cứu các giải pháp nhằm phân vùng, ưu tiên cho xe năng lượng xanh. Đồng thời hạn chế ôtô, xe máy xăng, dầu tại các khu vực như trung tâm TP HCM, Cần Giờ (cũ), đặc khu Côn Đảo. Bên cạnh đó, dự thảo đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ chạy xăng sang chạy điện do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM soạn thảo đã đề xuất từ ngày 1/1/2026, không cho xe máy xăng đăng ký mới trên các nền tảng xe công nghệ. Đến cuối năm 2029, cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng này.

Nhiều người cho rằng Hà Nội dự kiến hỗ trợ mức 3 triệu đồng cho người dân khi đổi xe xăng sang xe điện là chưa phù hợp.

Nhiều người cho rằng Hà Nội dự kiến hỗ trợ mức 3 triệu đồng cho người dân khi đổi xe xăng sang xe điện là chưa phù hợp.

Theo kế hoạch hạn chế xe máy xăng của Hà Nội và TP HCM có thể tạo nên những chuyển biến lớn trên thị trường xe máy. Đây là hai nơi có lượng tiêu thụ xe máy cao hàng đầu cả nước bởi đặc thù dân cư lớn nhất, kinh tế phát triển sôi động nhất.

Hiện chưa có thống kê chính thức về doanh số xe máy điện hàng năm tại Việt Nam. Năm 2024, VinFast là hãng duy nhất công bố số liệu bán hàng với gần 71.000 xe, tương đương khoảng gần 3% so với doanh số của mảng xe máy xăng (5 thành viên VAMM - 2,65 triệu xe). Theo dữ liệu thống kê của chuyên trang xe máy Motorcycles Data, nửa đầu năm 2025, phân khúc xe máy điện tiếp tục bứt phá mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Ở nhóm L1 (tương đương động cơ dưới 50cc), doanh số tăng vọt 112,6%. Các dòng xe máy điện L3 (tương đương xe trên 50cc) cũng đạt mức tăng 52,6% trong nửa đầu năm 2025.

VinFast có mức tăng trưởng vượt trội 501%, Yadea tăng 37,5%, Dibao, Pega cũng đang không ngừng vươn lên.

Mặc dù lượng xe điện tiêu thụ trên thị trường tăng mỗi năm, nhưng so với lượng xe xăng vẫn còn rất thấp. Theo nhận định của một chuyên gia, chủ trương kiểm soát khí thải xe máy đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2010, song nhiều phương án, kể cả cấm xe xăng cá nhân, đều không thành công do thiếu phương tiện thay thế. Hiện, với sự phát triển của xe điện - phương án di chuyển không phát thải, cùng chính sách hỗ trợ hợp lý từ phía nhà nước - điều kiện nay đã khác, có thể trở thành cú hích lớn cho thị trường xe điện.

Để thực hiện lộ trình trên, TP Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy xăng của người dân sống trong đường Vành đai 1. Đồng thời, xem xét hỗ trợ lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe; bổ sung quy hoạch khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.

Trước động thái của các đô thị lớn, tâm lý người tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng chủ động thích ứng. Tại Hà Nội, người dân đang cân nhắc chuyển đổi dần sang phương tiện chạy điện, nhất là những người sống ở khu vực sớm áp dụng quy định hạn chế xe xăng.

Anh Phạm Hòa, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với chủ trường chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, vấn đề anh Hòa lo lắng hiện nay là về vấn đề sạc pin, thời gian sạc và giá xe điện vẫn còn cao. "Hà Nội dự kiến hỗ trợ mức 3 triệu đồng cho người dân khi đổi xe xăng sang xe điện là chưa phù hợp. Bởi phí bỏ ra để mua xe điện là cao, trong khi chính sách thu mua lại xe xăng rất thấp", anh Hòa nói.

Theo tính toán của anh Hòa, gia đình anh có 2 xe máy xăng, nếu bán đi thì định giá rất thấp, may ra chỉ được 1/3 giá mua xe điện mới. Nếu được thêm 3 triệu đồng anh cũng phải bù khá nhiều nếu muốn có chiếc xe máy điện mới.

Thách thức trạm sạc và giá xe

Các chuyên gia nhận định, sức mua xe máy điện sắp tới chắc chắn sẽ tăng cao. Để đón xu hướng này, hiện nay các doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu.

Nhà máy sản xuất xe máy điện của VinFast có công suất thiết kế 250.000-500.000 xe/năm, có thể tăng lên 1 triệu xe/năm. Trong khi đó, Nhà máy Yadea Việt Nam có công suất thiết kế 500.000 xe/năm, Selex Motors là 200.000 xe/năm, Dat Bike 100.000 xe/năm, Pega 50.000 xe/năm... Theo tính toán, quy mô sản xuất của các nhà máy xe điện trong nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu tăng cao.

Ngoài ra, hãng xe máy Yamaha, Honda... cũng mở bán ra thị trường một số mẫu xe máy điện. Diễn biến mới trên thị trường có thể thúc đẩy các hãng khác như Piaggio, Suzuki, SYM... mạnh dạn tham gia thị trường xe máy điện trong thời gian tới.

Mặc dù lộ trình hạn chế xe xăng tạo cú hích cho thị trường xe điện song vẫn còn nhiều yếu tố "cản trở". Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, cho rằng các doanh nghiệp xe máy điện không chỉ đứng trước cơ hội lớn mà còn đối mặt thách thức không nhỏ. Để phổ cập xe máy điện, cần sự sẵn sàng từ phía nhà sản xuất và người tiêu dùng, bên cạnh sự đầu tư đúng mức của nhà nước về hạ tầng trạm sạc. "Ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp còn phải hỗ trợ người tiêu dùng mua được xe với mức giá hợp lý", ông Tân góp ý.

Ngày 21/7, tại tọa đàm Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau, chuyên gia cho rằng nên thúc đẩy mô hình đổi pin, trong đó các hãng sản xuất có thể điều chỉnh thiết kế pin sao cho việc thay pin diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, tương tự như việc đổ xăng hiện nay. Cần tận dụng hệ thống cây xăng hiện hữu để chuyển đổi công năng thành điểm sạc hoặc đổi pin cho xe điện, góp phần giảm thiểu đầu tư hạ tầng mới và quản lý an toàn tốt hơn...

PGS, TS. Nguyễn Đức Lượng, Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện không phải là vấn đề mới, nhiều quốc gia đã thực hiện từ hàng chục năm trước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan…Do đó, Việt Nam cần xây dựng lộ trình minh bạch, công bố kế hoạch cụ thể, phối hợp giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Hỗ trợ nhóm yếu thế và phát triển hạ tầng sạc, hệ thống đổi pin để đảm bảo tính khả thi.

Đối với câu hỏi về trạm sạc điện khi chuyển hết từ xe xăng sang xe điện, ông Phan Trường Thành, Trưởng Phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết Hà Nội có khoảng 1.000 trụ sạc các loại, trong đó có 3 loại: Trụ sạc cho xe công cộng; trụ sạc cho ô tô; trụ sạc của xe máy, xe đạp điện. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu rà soát, quy hoạch trạm sạc điện rõ ràng. Từ quy hoạch, doanh nghiệp, nhà đầu tư mới biết đâu để đầu tư trụ sạc. "Hà Nội đang rà soát tổng thể các vị trí bến bãi đỗ xe trong vành đai 1 để lắp các trụ sạc. Người dân từ nơi khác đến có thể gửi xe, sạc, di chuyển bằng phương tiện công cộng", ông Thành thông tin.

Đối với các trạm sạc ở khu chung cư cũ, TP Hà nội đang chỉ đạo đề án cải tạo tất cả chung cư cũ, còn trước mắt phải khảo sát đánh giá nhu cầu của người dân, cần thì bổ sung nguồn điện. Trong vành đai 1 đang rà soát tất cả khu vực công cộng để bố trí các trạm sạc cho người dân. Mọi chính sách đưa ra phải đảm bảo tính khả thi. Chậm nhất trong năm 2025 người dân phải cảm nhận thấy.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/xuat-hien-cu-hich-thi-truong-xe-may-dien-van-thieu-hai-yeu-to-quan-trong-1108286.html