405 nhân viên y tế qua đời vì COVID-19, hội bác sĩ Indonesia kêu gọi phong tỏa toàn quốc
Tổng số bác sĩ tử vong kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Indonesia đến nay đã lên tới 405 người, sau khi quốc đảo ghi nhận thêm 30 người qua đời trong tháng này.
Ảnh: Reuters
Trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (27/6), Hiệp hội Bác sĩ y khoa Indonesia (IDI) kêu gọi chính phủ nước này áp đặt lệnh phong tỏa trong ít nhất hai tuần, đặc biệt là ở Java – hòn đảo đông dân nhất, nơi có thủ đô Jakarta.
Bác sĩ Adib Khumaidi – một lãnh đạo của IDI – cho biết tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Indonesia đến nay, 405 bác sĩ đã qua đời vì nhiễm bệnh. Tính riêng trong tháng này, số bác sĩ tử vong đã lên đến 30 người, bao gồm bốn người qua đời ngày Chủ nhật.
Theo ông Khumaidi, Kudus – huyện nhỏ nhất ở Indonesia – hiện đang có 231 bác sĩ phải nằm viện hoặc tự cách ly tại nhà. Yogyakarta, Surabaya và Jakarta cũng nằm trong số các khu vực có số bác sĩ tử vong cao.
Ngày 27/6, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng thấy, với 21.342 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Indonesia tính đến thời điểm hiện tại đã vượt 2,1 triệu ca, với hơn 57,5 nghìn ca tử vong.
Bác sĩ Adib cảnh báo nguy cơ “vỡ trận” ở Indonesia, khi quốc đảo này có nguy cơ trở thành “Ấn Độ thứ hai” vì các bệnh viện đang quá tải và tỉ lệ xét nghiệm thấp.
“Chỉ bổ sung giường bệnh là không đủ. Nguồn nhân lực mới là yếu tố quan trọng. Hiện nay rất nhiều nhân viên y tế của chúng tôi nhiễm bệnh, phải tự cách ly và nhập viện”, ông Adib nói.
Bác sĩ này cho biết thêm rằng một số bệnh viện ở Indonesia có thể được coi là đã “thất thủ”. Ông Adib cảnh báo nếu chính quyền không có biện pháp quyết liệt, toàn bộ hệ thống y tế cũng có thể rơi vào trạng thái tê liệt.
Không chỉ đội ngũ bác sĩ, hôm Chủ nhật, Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc hội Indonesia - Charles Honoris đã yêu cầu chính phủ “ít nhất phải áp đặt lệnh phong tỏa ở Java”.
Biểu đồ số ca bệnh ở Indonesia được mô tả “gần như là một đường thẳng đứng, giống như Ấn Độ hồi tháng 4", ông Charles cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Joko Widodo vẫn từ chối lời kêu gọi của các chuyên gia y tế về việc phong tỏa toàn quốc. Ông cho biết các lệnh hạn chế hiện tại, chỉ nhắm vào các điểm “nóng”, là lựa chọn tốt nhất vì chúng không "giết chết" nền kinh tế.