405 sinh viên tham gia Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đăng cai tổ chức Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34, là đơn vị có thí sinh đông nhất phía Nam.

Thí sinh tham dự Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam, ngày 5/5. Ảnh: Như Quỳnh

Thí sinh tham dự Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam, ngày 5/5. Ảnh: Như Quỳnh

Ngày 5/5, 405 sinh viên đến từ 14 học viện, trường đại học khu vực phía Nam chính thức bước vào cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 năm 2024 khu vực phía Nam tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM.

Cuộc thi kéo dài trong 3 tiếng (8h30 - 11h30) với 8 môn thi. Trong đó, 7 môn thi tự luận là Cơ học kỹ thuật, Sức bền vật liệu, Thủy lực, Cơ học đất, Chi tiết máy, Nguyên lý máy, Cơ học kết cấu và môn Ứng dụng Tin học trong Chi tiết máy.

Năm nay, cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc cùng diễn cùng lúc tại 3 địa điểm: Đại học Bách khoa Hà Nội (khu vực miền Bắc), Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (khu vực miền Trung) và Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM (khu vực miền Nam) với 1154 lượt thí sinh dự thi.

Lễ khai mạc Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam. Ảnh: Như Quỳnh

Lễ khai mạc Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam. Ảnh: Như Quỳnh

Các đội tuyển tham dự Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam. Ảnh: Như Quỳnh

Các đội tuyển tham dự Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam. Ảnh: Như Quỳnh

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam. Ảnh: Như Quỳnh

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 34 phía Nam. Ảnh: Như Quỳnh

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, cơ học có vai trò quan trọng và là cơ sở khoa học trong nhiều ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ như Cơ khí, Cơ điện tử, Xây dựng, Giao thông, Công trình,...

Với mục đích truyền cảm hứng và khuyến khích sinh viên các trường đại học kỹ thuật học tập, nghiên cứu các môn Cơ học, phát hiện những sinh viên tài năng và bồi dưỡng trở thành các chuyên gia và giảng viên trong lĩnh vực cơ học, Hội Cơ học Việt Nam đã đề xuất và được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc hàng năm, kể từ năm 1989 cho đến nay.

Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc được tổ chức thường niên đã tạo môi trường hứng khởi, đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu các môn Cơ học của sinh viên các trường đại học, học viện.

Cuộc thi là sân chơi khoa học đậm chất trí tuệ cho các sinh viên, giúp sinh viên có cơ hội cọ xát, kiểm tra kiến thức, năng lực bản thân mình.

GS. TS Nguyễn Hữu Lộc phát biểu khai mạc cuộc thi. Ảnh: Như Quỳnh

GS. TS Nguyễn Hữu Lộc phát biểu khai mạc cuộc thi. Ảnh: Như Quỳnh

GS. TS Nguyễn Hữu Lộc - Ủy viên Ban thường vụ Hội Cơ học Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức phụ trách khu vực miền Nam - khẳng định, Olympic Cơ học toàn quốc trở thành sân chơi chuyên ngành mang tính ứng dụng cao.

Số lượng và chất lượng thí sinh của cuộc thi gia tăng theo từng năm. Những cá nhân dự thi đều là những hạt nhân sáng tạo cho phong trào học tập, nghiên cứu khoa học của các trường trong cả nước.

"Các nội dung thi cũng ngày càng hoàn thiện hơn để đáp ứng phạm vi giáo dục kỹ thuật thế kỷ 21 là từ ý tưởng đến thiết kế, chế tạo mô hình, tiếp thị và đưa sản phẩm ra thị trường, thông qua đó góp phần giúp cho sinh viên phát triển theo 4 trụ cột giáo dục kỹ thuật: học để biết, học để làm việc, học để trở thành và học để chung sống", theo GS Lộc.

Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng tin học trong thiết kế kết cấu công trình Xây dựng và Cơ khí” trong khuôn khổ cuộc thi. Ảnh: Như Quỳnh

Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng tin học trong thiết kế kết cấu công trình Xây dựng và Cơ khí” trong khuôn khổ cuộc thi. Ảnh: Như Quỳnh

Sau lễ khai mạc, Olympic Cơ học toàn quốc năm 2024 diễn ra hội thảo chuyên đề “Ứng dụng tin học trong thiết kế kết cấu công trình Xây dựng và Cơ khí”.

Chương trình 3 chuyên đề: Ứng dụng BIM và Chuyển đổi số trong các công trình xây dựng; Phân tích mỏi khớp hàn trên giàn khoan dầu ngoài khơi và tối ưu hóa kế hoạch kiểm tra dựa trên ma trận rủi ro; Giới thiệu phần mềm Multi – Body Dynamics RecurDyn dùng trong giảng dạy và nghiên cứu.

Bắt đầu năm 1989 với 2 môn thi Cơ học kỹ thuật và Sức bền vật liệu từ năm đầu tiên với 4 trường tham gia, cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần lượt bổ sung các môn Thủy lực, Cơ kết cấu, Cơ học đất, Nguyên lý máy, Chi tiết máy.

Tại lần thi năm 2011, ban tổ chức chính thức đưa vào 2 môn thi Ứng dụng tin học trong Chi tiết máy và Ứng dụng tin học trong Nguyên lý máy.

Đến lần thi thứ 33, số môn Ứng dụng tin học đã tăng lên 5 môn và nâng tổng số môn thi lên con số 12.

Tuy nhiên, ở lần thứ 34 này, cuộc thi chỉ còn 8 môn.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/405-sinh-vien-tham-gia-olympic-co-hoc-toan-quoc-lan-thu-34-phia-nam-post682035.html