42.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề
Các tập thể, cá nhân xuất sắc trong triển khai Đề án 1956 nhận bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: KIM CHI
Ngày 23/12, Sở LĐ-TB-XH tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956).
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Võ Văn Binh, Đề án 1956 đã thu hút được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã; hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề được hình thành từ tỉnh xuống cơ sở, nhận thức về vai trò đào tạo nghề, học nghề của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nâng lên rõ rệt. Hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT được tăng lên hàng năm, trong đó một số nghề hỗ trợ đào tạo chiếm trên 80%, như may công nghiệp, chế biến món ăn, điện dân dụng, sản xuất hàng mây tre đan, trồng lúa năng suất cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Qua 10 năm triển khai đề án, 42.000 LĐNT đã được đào tạo nghề, trong đó có hơn 15.110 LĐNT được hỗ trợ học nghề và hưởng các chế độ của Nhà nước. Số LĐNT có việc làm sau học nghề gần 32.000 người, đạt 81,4%, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 40,5% (năm 2010) lên 70,5% (năm 2020). Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; các nghề truyền thống được khôi phục; nhiều hộ đã thoát nghèo, trở thành hộ khá.
Trong giai đoạn tới, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông thôn; đa dạng hóa các ngành, nghề đào tạo cho LĐNT, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; chọn lọc ngành nghề phù hợp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhằm tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Không tổ chức đào tạo khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 23 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án 1956 giai đoạn 2010-2020.