441 đại biểu tán thành thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi)

Chiều ngày 16/6, tham gia biểu quyết về Luật Thanh niên (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã có 441 đại biểu tán thành thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) trong tổng số 449 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 91.30% tổng số đại biểu).

Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) số 535/BC-UBTVQH14 gửi đến đại biểu Quốc hội.

441/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) chiều 16/6/2020

441/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) chiều 16/6/2020

Tiếp tục báo cáo giải trình, chỉnh lý về Luật Thanh niên (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, dự thảo Luật thiết kế 1 chương quy định về quản lý nhà nước nhằm mục đích giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đặc biệt là việc ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để triển khai các chính sách đối với thanh niên được quy định trong Luật…

Liên quan đến vấn đề quy định độ tuổi thanh niên, đa số ý kiến đại biểu cũng thống nhất với dự thảo Luật, theo đó quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 30 tuổi; một số ý kiến đề nghị quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 35 tuổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức, tạo điều kiện cho công tác cán bộ Đoàn, góp phần tập hợp thanh niên; phù hợp với thực tiễn tuổi thọ bình quân, sức khỏe thể chất của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án nhằm xác định độ tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn khi tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên; tránh dàn trải các nguồn lực hỗ trợ, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về độ tuổi thanh niên không giống nhau ở các nước nhưng thường tập trung trong khoảng từ 15 tuổi đến 30 tuổi. Việc quy định độ tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu phát triển toàn diện thanh niên của từng quốc gia…

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi là phù hợp với thực tiễn công tác Đoàn, với Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; không ảnh hưởng đến công tác cán bộ Đoàn vì Điều lệ Đoàn quy định đoàn viên trên 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn, hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn. Ngoài ra, quy định tiêu chuẩn về độ tuổi của cán bộ Đoàn được thực hiện theo Quy chế Cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/441-dai-bieu-tan-thanh-thong-qua-luat-thanh-nien-sua-doi-109439.html