5.000m3 đất đá sạt lở gần chân đập thủy điện Hương Điền
Do ảnh hưởng của mưa lớn liên tục nên phía hạ lưu trái vai đập thủy điện Hương Điền (TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xuất hiện các điểm sạt lở với khối lượng ước tính 5.000m3.
Chiều 3/12, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Sở Công Thương và Sở NN&PTNN tỉnh này vừa tổ chức kiểm tra hiện trường vụ sạt lở gần chân đập thủy điện Hương Điền (TX. Hương Trà).
Theo đó, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 14h ngày 1/12, vị trí sạt lở cách vai trái chân đập thủy điện Hương Điền từ 60 đến 200m, đoạn thuộc lưu vực sông Bồ. Khối lượng sạt lở ước tính khoảng 5.000m3.
Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đánh giá, bờ trái thủy điện Hương Điền phần phía hạ lưu đập có địa chất là đá phiến sét, bị phong hóa gần như hoàn toàn, một phần là đất đắp để làm đường thi công trong giai đoạn thi công đập nên được để lại đợi đến khi mái ổn định hoàn toàn mới tiến hành gia cố tổng thể. Vừa qua, do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày gây sạt lở phần đất đắp, kéo theo một phần đất đá phong hóa bị cuốn theo, đổ xuống lòng sông Bồ.
Tuy nhiên, với lòng sông rộng và có hố xói được thi công theo đúng thiết kế nên vụ sạt lở không gây co hẹp, tắc nghẽn dòng chảy, do vậy không ảnh hưởng đến khả năng thoát nước khi chạy máy phát điện cũng như khi xả lũ. Vị trí sạt lở cách xa chân đập thủy điện Hương Điền từ 60-200m nên không gây ảnh hưởng đến chân đập, mặt khác đáy đập được đặt hoàn toàn trên nền đá gốc. Do vậy hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, kiểm tra thực tế cho thấy công trình nhà máy thủy điện Hương Điền làm việc bình thường, không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, yêu cầu Chủ đầu tư thủy điện Hương Điền phải tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn điểm sạt lở phía hạ lưu vai trái đập thủy điện Hương Điền.
Bên cạnh đó, tổ chức, khảo sát đánh giá và có phương án thiết kế, gia cố điểm sạt lở nói trên và tiến hành thi công khắc phục sớm, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong quá trình vận hành, khai thác.
Liên tục kiểm tra đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước... và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải điều tiết lũ.
Ngoài ra, cần triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo...) đảm bảo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp./.