5 bài học kinh nghiệm đáp ứng về y tế trong bão số 3 và mưa lũ sau bão
Trước, trong, sau bão số 3, Bộ Y tế đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đảm bảo khám chữa bệnh cho nhân dân; cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu, phòng chống dịch; Triển khai nhiều hoạt động cứu trợ, cấp xuất, phân bổ hàng chục tấn, hàng triệu viên hóa chất khử khuẩn khắc phục hậu quả bão lũ tại nhiều tỉnh, thành.
Chủ động ứng phó về y tế trong bão số 3 và mưa lũ sau bão
Theo báo cáo về công tác ứng phó, khắc phục về y tế đối với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 3, Bộ Y tế đã triển khai nhiều công việc như ban hành các văn bản gửi các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng bão, các đơn vị chuyên môn của Bộ có liên quan yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất; rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ phù hợp với địa phương;
Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; Đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ; Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm...
Cùng đó, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với ngành y tế 28 tỉnh, thành trong vùng ảnh hưởng bão để rà soát, đôn đốc công tác chủ động ứng phó, đáp ứng về y tế trong bão, sau bão; hướng dẫn người dân vùng bão lũ công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sinh hoạt sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng chống dịch bệnh...
Cùng đó, Bộ Y tế đã có công điện gửi các tỉnh; các đơn vị khu vực miền Bắc, miền Trung về việc khắc phục hậu quả bão số 3; Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, các đơn vị trực thuộc về báo cáo thiệt hại sau cơn bão số 3 năm 2024; Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt; Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ về bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt.
Bộ Y tế đã tháp tùng các đoàn công tác của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi, động viên, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ về y tế tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên,… Cùng đó, Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn công tác gồm lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh sau bão số 3 và mưa lũ tại các tỉnh, thành phố trọng điểm (Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Tp. Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định).
Các bệnh viện của Bộ Y tế đã kịp thời trực tiếp cấp cứu, điều trị và duy trì kết nối liên tục 24/24h với các đầu cầu tại các cơ sở y tế trong vùng bị ảnh hưởng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho các nạn nhân bị tai nạn, thương tích. Phân loại, chẩn đoán và điều trị cũng như sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới. Bệnh viện Việt Đức đã góp được 587 đơn vị máu hỗ trợ các bệnh viện vùng bão lũ; Bệnh viện K gia tăng số giường ở nhà lưu trú, từ ngày 10/9 người nhà bệnh nhân trong vùng ảnh hưởng bão lũ được sử dụng nhà lưu trú miễn phí; cùng với đó, bệnh viện cũng có chuẩn bị những suất ăn miễn phí cho các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.
Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế đã phát động phong trào hỗ trợ cho người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của bão lụt với các hoạt động thiết thực như mỗi cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ 1 ngày lương hay Chương trình Hiến máu nhân đạo để bổ sung và hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu hụt máu và các chế phẩm máu theo nhu cầu thực tế tại các cơ sở y tế.
Cấp xuất, phân bổ hàng chục tấn, hàng triệu viên hóa chất khử khuẩn khắc phục hậu quả bão lũ
Về hỗ trợ các địa phương sau bão lũ, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã xuất cấp 19 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường (Chloramin B) từ kho phòng chống thiên tai; vận động tài trợ 1 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs từ Tổ chức Y tế thế giới, 8,5 tấn Chloramin B từ nguồn xã hội hóa cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố; 200.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã chuyển về các địa phương; đề xuất Chính phủ xuất cấp 1,76 triệu viên hóa chất khử khuẩn nước (Aquatabs) từ nguồn dự trữ quốc gia;
UNICEF hỗ trợ hệ thống trữ nước và bình lọc gốm không dùng điện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn cho 200 hộ gia đình, trường học, trạm y tế của 10 xã thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái;
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan hỗ trợ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái (120.000 viên khử khuẩn); 25.000 túi đựng nước sạch 5 lít cho các tỉnh; 1.000 hộp viên khử khuẩn nước cho Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.
Bộ Y tế đã tổ chức 6 đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ chủ trì thăm hỏi, tặng quà trực tiếp cho người dân và các cơ sở y tế bao gồm tiền mặt, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và nhu yếu phẩm thiết yếu với tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng cho các địa phương chịu thiệt hại sau bão số 3 từ nguồn vận động của Báo Sức khỏe và Đời sống (Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình).
Cùng đó, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế đã hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, cơ sở y tế cơ sở và người dân vùng bị ảnh hưởng bão, mưa lũ thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt. Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý bệnh dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.
Theo Bộ Y tế, hiện tại cơ bản các bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại đã khắc phục bước đầu để duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh; Chưa phát hiện điểm phát sinh dịch sau lũ.
5 bài học kinh nghiệm ứng phó về y tế trong mưa bão số 3, lũ lụt sau bão
Theo Bộ Y tế, thứ nhất: Vai trò đặc biệt quan trọng của ngành y tế theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, thuốc men tại chỗ, điều trị tại chỗ. Kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong tổ chức các tổ ứng trực với bão lũ, xây dựng các kế hoạch để huy động các nguồn nhân lực tham gia, xây dựng các tổ ứng trực của Trung ương để hỗ trợ địa phương…
Thứ hai: Phải có các phương án chủ động với mọi tình huống, bao gồm cả tình huống xấu nhất.
Thứ ba: Đẩy mạnh và nhanh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng TeleHealth để kịp và hiệu quả thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Thứ tư: Điều phối và phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương trong hỗ trợ chuyên môn cũng như tiếp nhận bệnh nhân nặng chuyển lên.
Thứ năm: Đối với lực lượng y tế, bài học kinh nghiệm đặt ra trong thiên tai sẽ là các tình huống xảy ra khác nhau tại các địa phương như ngập úng khu vực đồng bằng, lũ ống, lũ quét, sạt lở ở các địa phương miền núi; tuy nhiên, trong bão lũ, mặt bệnh hay gặp vẫn là chấn thương, vì vậy, việc chuẩn bị từ cơ số thuốc cho đến các dụng cụ phẫu thuật, tiểu phẫu tập trung vào ngoại khoa, cấp cứu.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng phải tính đến các tình huống khác nhau để ứng phó kịp thời như: Mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc, có máy phát điện thì lại không đủ xăng, dầu, bệnh nhân cấp cứu nhưng không đưa được vào bệnh viện do chưa có xuồng…