5 bài thuốc trị bệnh từ ké đầu ngựa
Ké đầu ngựa là một trong những vị thuốc đầu tay của các thầy thuốc Đông y trong chữa trị các bệnh ngoài da, viêm mũi xoang dị ứng, bướu cổ...
1. Tác dụng của ké đầu ngựa
Ké đầu ngựa còn có tên gọi khác là thương nhĩ. Tên khoa học Xanthium strumarium L. Thuộc họ Cúc Asteraceae.
Cây ké đầu ngựa mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta (đất hoang, bờ ruộng, bờ đường). Người ta hái cả cây trừ bỏ rễ phơi hay sấy khô hoặc chỉ hái quả chín rồi phơi hay sấy khô làm thuốc.
Nhân dân dùng ké uống chữa mẩn ngứa, mụn nhọt và bướu cổ.
Theo tài liệu cổ ké có vị ngọt, tính ôn, hơi có độc. Vào phế kinh, có tác dụng làm ra mồ hôi, tán phong, dùng trong các chứng phong hàn, đau nhức, phong thấp, tê dại, mờ mắt, chân tay co giật, uống lâu ích khí.
2. Bài thuốc trị bệnh từ ké đầu ngựa
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh một số bài thuốc trị bệnh có ké đầu ngựa như sau:
- Trừ thấp, giảm đau:Ké đầu ngựa 8g, hy thiêm thảo 12g. Sắc uống trong ngày, chia làm 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng: Trị phong thấp, đau khớp, thiên về thấp tà, sưng đau tê bại, trị nhức đầu do cảm lạnh.
- Tuyên phế, thông mũi: Ké đầu ngựa 8g, tân di 8g, bạch chỉ 12g, quế chi 6g, sinh khương 3 lát, bạc hà 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Hoặc ké đầu ngựa 250g, sao, nghiền thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g.
Tác dụng: Trị tắc ngạt mũi, chảy nước mũi, viêm mũi, viêm xoang mũi.
- Tiêu phong, trị ngứa: Ké đầu ngựa 8g, địa phu tử 8g, phòng phong 6g. Sắc uống, ngày chia làm 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng: Trị lên sởi, ngứa phát ban, mụn lở loét.
- Trị đau buốt nửa người, tê dại, chân tay ngứa, đau đầu:Quả ké 12g, bạch chỉ 8g, kinh giới 8g, xuyên khung 6g, thiên niên kiện 6g, dây gắm 12g, cam thảo 5g. Nước vừa đủ, sắc còn 1/3 uống ấm.
- Trị mũi chảy nước không ngừng:Tân di 20g, thương nhĩ tử 10g, bạch chỉ 50g, bạc hà diệp 2g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g với nước chín sau mỗi bữa ăn.
Kiêng kỵ: Người huyết hư gây đau đầu choáng váng, đau mỏi toàn thân không được dùng. Thương nhĩ tử là vị thuốc trừ thấp nên cần cân nhắc sử dụng cho những người chính khí yếu, nên dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-bai-thuoc-tri-benh-tu-ke-dau-ngua-16923031820571546.htm