5 bí quyết giúp cụ ông 100 tuổi mới phải đi bệnh viện lần đầu
Dù đã 103 tuổi, cụ Dễ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, nhớ rõ tuổi của 22 cháu nội ngoại. Lần đầu tiên cụ phải đi bệnh viện cách đây 3 năm.
100 tuổi mới đi khám bệnh lần đầu
Cụ Đào Văn Dễ là người có tuổi thọ cao nhất tại xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên. Đại gia đình cụ Dễ với ngũ đại đồng đường có 60 người bao gồm 9 người con, 22 cháu, 23 chắt và 6 chút. Hiện, con trai cả của cụ 82 tuổi, cháu đích tôn 62 tuổi.
Ông Đào Văn Nhãn, con trai cả cụ Dễ, cho hay, cha mình luôn có sức khỏe tốt.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ ông mới tới bệnh viện 2 lần. Lần đầu tiên là năm cụ Dễ 100 tuổi bị viêm họng nên con cháu đưa vào bệnh viện huyện điều trị. Nhân viên y tế ở đó không nghĩ cụ bách niên mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn tới vậy. Họ chỉ tin đó là sự thật khi biết người con lớn của cụ gần 80 tuổi, con út 65 tuổi. Thời điểm đó, kết quả kiểm tra ghi nhận, cụ Dễ không bị tăng huyết áp hay đái tháo đường, chuyển hóa rất tốt.
Lần thứ 2, cụ ông hơn 100 tuổi đến cổng bệnh viện là khi bị đột quỵ lúc 22h ngày 2/1. Gia đình tưởng cụ khó qua cửa ải này nhưng bệnh nhân bình phục nhanh chóng trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Đây cũng là người bệnh đột quỵ nhiều tuổi nhất điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong lịch sử 114 năm.
5 bí quyết sống thọ khỏe mạnh
Ông Nhãn cho biết từ khi còn trẻ, cha mình đã có những bí quyết tự chăm sóc sức khỏe:
Thứ nhất, ăn uống đơn giản
Cả cuộc đời, cụ Dễ chỉ thích những món đơn giản như muối lạc, vừng, ăn 2-3 miếng thịt nạc mỗi bữa. Năm 1981, cụ về hưu, từ đó bỏ hút thuốc lá, uống rượu. Bữa cơm hằng ngày đều đặn, đúng giờ. Gia đình tự trồng rau để có nguồn thực phẩm sạch.
Thứ hai, luyện trí não minh mẫn
Từ lúc về hưu ở cùng con cháu, cụ Dễ vẫn duy trì thói quen đọc báo giấy. Mỗi lần có tin tức hay, cụ lại lấy bút đánh dấu rồi mang tới cho các con cùng xem. Nhờ đọc nhiều, cụ có trí nhớ rất tốt, có thể tự làm thơ, đọc thuộc rất nhiều bài khác. Cụ chắt lọc các thông tin về bảo vệ sức khỏe để chăm sóc bản thân và nhắc nhở con cháu làm theo.
Thứ ba, luyện tập
Khi ngủ dậy, cụ Dễ tập các bài vận động nhẹ nhàng. Trung bình, cụ tập từ 30-40 phút hằng ngày, không bỏ ngày nào.
Thứ tư, ngủ đủ giấc
Cụ Dễ ngủ từ 21h và thức dậy vào 5h hôm sau. Mỗi lần, cụ chỉ mất 10 phút để vào giấc ngủ, rất ít khi thức khuya.
Thứ năm, dễ tính
Tính cách của cụ ông 103 tuổi đúng như cái tên Dễ. Cụ chưa bao giờ lớn tiếng với con cháu, luôn sống chan hòa, yêu thương mọi người. Ông Nhãn cho rằng tâm lý thoải mái, dễ tính cũng là nguồn năng lượng tích cực để giúp sức khỏe của cha tốt lên.
“Để cổ vũ cha sống vui khỏe, 5 anh em chúng tôi có tóc trắng là đi nhuộm đen. Nếu thấy các con chưa có tóc bạc, cha sẽ nghĩ các con còn trẻ và không lo lắng. Nếu mọi người gặp nhau với mái tóc trắng sẽ rất buồn”, ông Đào Văn Nhẫn (72 tuổi, con trai cụ Dễ) chia sẻ.
Cả đại gia đình bao gồm cụ Dễ và con cháu đều sống khoa học, tăng cường luyện tập phù hợp với tuổi tác. Ông Nhãn cho rằng tập thể dục mỗi ngày có thể giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn kịp thời, nâng cao khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể một cách tự nhiên.
Trước đó, khoảng 22h ngày 2/1, sau khi xem xong trận bóng đá giữa Việt Nam - Thái Lan, cụ Đào Văn Dễ lịm đi. Gia đình nghĩ cụ buồn ngủ nhưng khi chạm vào thấy cụ từ từ ngã. Với kiến thức tự tìm hiểu trên các kênh truyền thông, gia đình dự đoán cụ bị đột quỵ nên gọi xe cứu thương đưa cụ từ Hưng Yên lên Hà Nội cấp cứu.
23h30 ngày 2/1, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cụ ông Dễ trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người phải, thất ngôn hoàn toàn. Do được cấp cứu kịp thời, sau 24 giờ can thiệp, bệnh nhân đã hồi phục.