5 bước cắm hoa để tươi lâu, 3 ngày Tết vẫn chưa tàn và giúp hoa nở đúng độ
Tết đến cũng là lúc bạn cần trang trí cho ngôi nhà của mình bằng nhiều loại hoa rực rỡ. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc thì hoa sẽ mau tàn chỉ trong 1, 2 ngày. Vậy làm thế nào để giữ hoa tươi lâu ngày Tết?
Cắm hoa1. Chọn mua hoa tươi
Để hoa nở đẹp và tươi lâu, bạn cần kỹ lưỡng ngay từ bước chọn mua hoa. Bạn hãy chọn những bông hoa có đủ cành và lá, hoa không bị nở toét, cánh hoa khỏe. Ngoài ra, nên xem kỹ vết cắt, nếu vết cũ thâm đen là hoa đã được cắt lâu, không nên chọn.
Nếu mua cả đóa, bạn cần bỏ những hoa có dấu hiệu héo úa ra khỏi đóa để khỏi ảnh hưởng đến những bông còn lại.
Đối với hoa lay ơn, hoa cúc, hoa ly, bạn nên chọn mua hoa tươi còn nguyên gốc, tránh tình trạng mua hoa cắt rồi, hoa sẽ không nở hoặc là nở sẽ không đẹp. Kiểm tra phần cánh hoa thấy cứng thì hoa tươi và sẽ lâu tàn hơn.
2. Rửa lọ cắm sạch
Bạn nên rửa bình hoa thật sạch trước khi cắm hoặc khi thay nước, nhất là cọ rửa kỹ bên trong bình để không còn nhớt hoặc xà bông vì các chất hóa học có thể làm thay đổi nồng độ PH trong nước, làm hoa nhanh héo.
Để rửa sạch được cặn bẩn bên bình hoa trong bạn có thể sử dụng mẹo sau:
Bạn cho một nắm gạo và đổ một ít nước ấm vào trong bình, đậy miệng bình lại và lắc thật mạnh. Thực hiện lại vài lần thì bình sẽ sạch ngay.
Với những bình hoa thủy tinh đắt tiền thì bạn có thể dùng bàn chải và kem đánh răng cọ rửa nhẹ nhàng sau đó rửa lại với nước. Vừa sạch lại vừa khử mùi hôi.
3. Cắt tỉa đúng cách
Cắt bỏ hết những lá héo, giập nát và cả những lá ngập trong nước trước khi cắm hoa vào bình để tránh lá bị phân hủy, gây thối rữa làm hoa mau héo. Ngoài ra, bạn cần để cành hoa trong nước ấm rồi dùng kéo thật bén để cắt, tránh làm rộng các vết cắt trên cành.
Lưu ý: Khi cắt hoa, phải cắt xéo để tăng diện tích tiếp xúc với nước, hoa sẽ hút được nhiều nước và tươi lâu hơn.
4. Dùng chất bảo quản
Có rất nhiều chất bảo quản giúp hoa được tươi lâu mà bạn có thể tự làm ngay tại nhà, có thể thử 1 trong những cách dưới đây:
Đường: Cho 2 muỗng đường vào nước cắm, hoặc có thể thay thế đường bằng 1/4 lon nước giải khát có gas.
Giấm táo hoặc chanh: Hòa hai muỗng nước giấm táo hoặc nước cốt chanh với 1 ít nước.
Nước súc miệng Listerine: Pha vào nước cắm hoa theo tỉ lệ 15g Listerine/1 lít nước.
Vitamin B1, Aspirin: Nghiền nhuyễn 1 - 2 viên hòa vào nước cắm sẽ giúp hoa tươi lâu.
5. Chăm sóc hoa
Bạn nên thay nước mỗi ngày cho hoa vào lúc sáng sớm, buổi tối nên mang ra ngoài sân để hoa được hứng những giọt sương mai tinh khiết và thêm sức sống.
Mỗi lần thay nước nên cắt bớt cành để hoa hút được nhiều nước hơn. Nếu trong bình có hoa nào héo cần lấy ra ngay để không ảnh hưởng đến những hoa khác.
Giúp hoa nở đúng ngày1. Hạn chế ánh sáng
Thường thì ánh sáng càng nhiều thì hoa càng có khả năng nở nhanh hơn. Vì thế, trong khu vườn nhà mình, bạn cần dùng những tấm bạt hay mái tôn để cản bớt ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp đến hoa.
Nếu được, bạn có thể đem những chậu hoa của mình vào nhà hoặc những nơi tối hơn. Bạn có thể áp dụng cách này với các loại hoa cúc, hoa mai, hoa trạng nguyên.
2. Hạn chế nhiệt độ
Có những loại hoa không nhạy cảm với ánh sáng lắm như hoa mai, bích đào,… thì bạn cần phải hạn chế nhiệt độ cho chúng nở chậm lại. Đối với những loại hoa này, bạn cần đảm bảo nhiệt độ từ 18 - 24 độ C trong môi trường bảo quản hoa. Khi hoa bắt đầu nở nụ thì lại giảm nhiệt độ xuống ở mức 8 - 15 độ C.
Việc giảm nhiệt độ như thế này là một cách để bạn đưa hoa vào trạng thái "ngủ" để tránh việc hoa bung nở khi chưa đến Tết. Cách giảm nhiệt độ nhằm kéo dài thời gian ra hoa cũng áp dụng được với những loại hoa mà thường ngày bạn vẫn trồng như cẩm chướng, dâm bụt, hướng dương, đỗ quyên,… nhưng không áp dụng được với hoa lay ơn.
3. Đưa vào môi trường khô
Bạn cũng thể đưa hoa vào trong môi trường khô do bạn tự tạo ra (trong nhà có máy lạnh, máy hút độ ẩm) để kìm hãm sự phát triển của hoa. Môi trường khô sẽ khiến cây không có đủ điều kiện để có thể phát triển mạnh mẽ, nhờ vậy hoa của nó cũng sẽ ra chậm hơn.
4. Tỉa cành
Trong những mùa sinh trưởng của hoa, nếu bạn tiến hành cắt tỉa bớt cành của nó cũng có thể khiến hoa nở muộn.
Các biện pháp tương tự như bóc chồi, hái nụ cũng là cách để bạn khống chế sự phát triển và ra hoa của cây. Bản chất của phương pháp này là nhằm ngăn chặn chất dinh dưỡng di chuyển từ lá xuống rễ làm cây phát triển nhanh chóng.
5. Hạn chế tưới nước
Người ta thường dùng phương pháp này để kìm hãm sự ra hoa của các loài mọng nước như xương rồng, hoa sứ. Và phương pháp này vẫn có thể áp dụng được cho hoa mai. Vào khoảng tháng 10 - 11 hàng năm, bạn có thể bắt đầu tiến hành hãm nước để hoa mai nở chậm lại.
Những ngày giáp Tết bạn cũng chỉ tưới nước vừa đủ ẩm cho cây. Lượng nước tưới cũng cần phải điều chỉnh theo tình hình thời tiết qua từng năm.