5 cậu con nuôi của Đồn Biên phòng
Năm 2019, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang phát động thực hiện mô hình 'Con nuôi Đồn BP' theo chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP. Các cháu bé được nhận nuôi là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hoặc các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa tại khu vực biên giới. Đến thời điểm này, có 5 cậu bé đang được nhận nuôi, viết nên những câu chuyện rất đẹp, ấm áp tình người.
Nguyễn Văn Duy Chương (sinh năm 2013, ngụ xã Lạc Quới, Tri Tôn) không còn cha, mẹ từ lúc còn "đỏ hỏn". Bé sống bằng tình thương của bà ngoại Trần Thị Nhứt, trong căn chòi ọp ẹp. Bà không có bất cứ tài sản nào của riêng mình, ngoại trừ đứa cháu ngoại côi cút. Bé thiếu sữa, bà quậy nước bột, nấu cháo mớm cho bé từng chút một. Hai bà cháu nương nhau bằng những bữa cơm không đủ chất, bằng những đêm giấc ngủ chẳng tròn. Khi bà gần 80 tuổi, Chương mới sắp sửa vào lớp 1.
“Rất nhiều lần, tôi tự hỏi, nếu tôi qua đời, Chương sẽ ra sao? Những khi bệnh quấn thân, nghĩ đến cháu mình không ai chăm sóc, tôi lại gắng gượng. Bởi vậy, lúc nghe các chú ở Đồn BP Lạc Quới ngỏ ý nhận Chương làm con nuôi, tôi mừng lắm!” - bà Nhứt cười, mà đôi mắt đỏ hoe.
Nguyễn Văn Duy Chương ăn cơm cùng các ba nuôi
Vậy là Chương được vào lớp 1, được sống tại đồn, được ăn uống và chăm sóc đủ đầy. Doanh trại quân đội nơi biên giới rộn ràng tiếng trẻ thơ, tiếng nói cười ríu rít và bóng dáng bé nhỏ lăng xăng suốt ngày. Cứ vài hôm, cậu bé lại xin về thăm ngoại, kể đủ thứ chuyện trên đời, nhất là việc cậu có rất nhiều ba: ba Sáu (thượng tá Nguyễn Nghĩa Thánh, nguyên Chính trị viên), ba Hai (thượng tá Lê Xuân Thị, Đồn trưởng), ba Hòa (đại úy Huỳnh Hữu Hòa, Chính trị viên), ba Út (đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đồn trưởng), ba Trường (trung tá Lại Xuân Trường, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ)… Không còn những bữa ăn “cho qua ngày” như ở với bà ngoại lúc trước, giờ Chương đã được ăn uống chu đáo, theo tiêu chuẩn của các ba nuôi, đầy đủ chất dinh dưỡng.
“Để đảm bảo tương lai cho Chương, mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) mở sổ tiết kiệm, ủng hộ 80.000 đồng/tháng, khi Chương đủ 18 tuổi sẽ trao lại. Hiện giờ, cậu bé đã có tài khoản kha khá, hơn 12 triệu đồng. Đồn còn thường xuyên cử cán bộ quân y thăm hỏi, khám bệnh cho bà Nhứt; hỗ trợ cho bà 10kg gạo/tháng, cùng các nhu yếu phẩm, quà tặng vào các ngày lễ, Tết, ngày truyền thống của lực lượng... Nhiều hôm, “anh nuôi” đi chợ, thuận đường ghé ngang gửi bà một ít thức ăn. Sắp tới, đồn phối hợp địa phương và đơn vị kết nghĩa hỗ trợ căn nhà cho bà” - đại úy Huỳnh Hữu Hòa thông tin.
Nguyễn Hữu Duy (sinh năm 2005, ngụ xã Khánh Bình, An Phú) cha, mẹ mất sớm, sống nương tựa vào ông, bà ngoại. Nhưng Duy may mắn được trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Long Bình, khi đang học lớp 9. Hôm chúng tôi đến, Duy xin phép về thăm nhà ngoại một lúc, ăn buổi trưa với gia đình. Mọi người đều nhận xét từ khi vào ở đồn, Duy cao hơn, mập mạp hơn, nên động viên Duy tiếp tục ngoan ngoãn, chăm học, nghe lời các chú bộ đội để không phụ lòng các chú.
Đại úy Nguyễn Hữu Hàn (Chính trị viên phó) chia sẻ, Duy được bố trí phòng ở riêng, có nhiều CBCS được phân công kèm cặp, dạy dỗ và chăm sóc cho Duy. Hàng tháng, cậu bé còn được nhận 300.000 đồng để tiêu vặt. Mọi chi phí học tập, quần áo… đều được đồn lo chu toàn. “Lúc đầu, con ngại lắm, ít nói chuyện với ai, chỉ ở trong phòng. Khoảng 1 tháng sau, con quen dần, lân la nói chuyện với các anh chiến sĩ, với ba Hàn, cũng quen với giờ giấc trong quân đội, như 5 giờ thức dậy, tập thể dục, những lúc rảnh rỗi phụ các anh tăng gia sản xuất, cùng chơi thể thao… Con thích môi trường quân đội, cũng rất yêu quý CBCS trong đồn” - Duy tâm sự.
Đại úy Nguyễn Hữu Hàn và con nuôi Nguyễn Hữu Duy
Thạch Nguyễn Hưng Thuận (sinh năm 2010, con nuôi của Đồn BP Phú Hữu, An Phú) và Thạch Cô (sinh năm 2009, con nuôi của Đồn BPCK Quốc tế Tịnh Biên) đều là người dân tộc thiểu số Khmer. Cậu con nuôi thứ 5 là Nguyễn Duy Phương (con nuôi của Đồn BPCK Quốc tế Vĩnh Xương, TX. Tân Châu).
Nếu như Thuận còn cha mẹ, Phương còn cha, thì Cô không có cha, người mẹ thần trí không tỉnh táo. Cả ba em đều sống cuộc sống thiếu thốn đủ bề, thậm chí Thuận còn phải đi bán vé số ngoài giờ học. Thuận thông minh, hiếu động, Phương trầm tính, còn Cô hiểu bài hơi chậm, rụt rè, nhút nhát hơn. Mỗi bé sẽ do một tổ chăm sóc, nuôi dưỡng (gồm 5 cán bộ) phụ trách. Kể từ ngày nhận nuôi các bé, cán bộ phải sắp xếp công việc chuyên môn và “công việc làm cha” sao cho chu toàn.
Trung úy Nguyễn Hữu Sáng (Đội trưởng Đội Tham mưu - Hành chính, Đồn BPCK Quốc tế Vĩnh Xương) chia sẻ: “Mọi người hay trêu tôi “như đang có con mọn”, khi hàng ngày đưa rước Phương đi học 2 buổi, vì trường cách đồn 6km. Tuy nhiên, chúng tôi xác định, từng thành viên trong đồn cùng nhau san sẻ trách nhiệm, cùng nuôi dưỡng, chăm sóc bé thật tốt theo nhiệm vụ đã được phân công, yêu thương bé như con ruột của mình”.
Trong những cuộc trò chuyện, tôi được nghe rất nhiều chia sẻ của các ba nuôi. Họ mong muốn sẽ tiếp tục nuôi dưỡng các con cho đến khi học xong THPT, thay vì lớp 9 như quy định. Họ kỳ vọng mô hình này sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng, gieo lòng tin tưởng, sự gắn bó trong người dân về hình ảnh người lính cụ Hồ mang quân hàm xanh. Họ ước ao rằng những cậu con nuôi này sẽ có đủ bản lĩnh chính trị, sẵn lòng bước vào môi trường quân ngũ, trở thành “hạt giống” tốt của ngành, chung tay xây dựng, giữ gìn quê hương biên giới, nối tiếp truyền thống của những ba nuôi ngày xưa đã chắt chiu, nuôi nấng các con trưởng thành!
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/5-cau-con-nuoi-cua-don-bien-phong-a274191.html