5 câu hỏi chưa có lời giải về thảm kịch máy bay Hàn Quốc
Thảm kịch máy bay Hàn Quốc vẫn đang trong quá trình điều tra với nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Ngày 29-12-2024, chiếc máy bay chở khách Boeing 737-800 do hãng hàng không Jeju Air khai thác trượt đường băng sau khi hạ cánh bằng bụng và tông vào rào chắn bê tông rồi bốc cháy phát nổ tại sân bay Muan (Hàn Quốc). Thảm kịch máy bay Hàn Quốc khiến 179 trong 181 người trên máy bay thiệt mạng.
Đã sang ngày thứ tư sau thảm kịch máy bay Hàn Quốc, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp, theo đài CBS News.
Hộp đen
Chuyến bay 7C 2216 của Jeju Air khởi hành từ Bangkok (Thái Lan) và chuẩn bị hạ cánh theo lịch trình vào ngày 29-12-2024 tại sân bay quốc tế Muan.
Sau nỗ lực hạ cánh ban đầu không thành công, chiếc Boeing 737-800 đã nhận được cảnh báo từ trung tâm kiểm soát không lưu về việc có khả năng va chạm với chim. Sau đó, máy bay lại bay lên cao và cố gắng hạ cánh lần thứ hai.
Hai phút sau, phi hành đoàn của máy bay đã gửi tín hiệu cấp cứu và tìm cách hạ cánh trên đường băng. Máy bay đã hạ cánh 3 phút sau đó nhưng không hạ bánh đáp mũi.
Máy bay trượt dọc theo đường băng với tốc độ cao, trượt khỏi đường băng và đâm vào hàng rào bê tông rồi nổ tung. Các chuyên gia cho rằng các video về vụ tai nạn cho thấy máy bay có thể có vấn đề về động cơ, nhưng trục trặc về càng đáp lại có thể là lý do chính gây ra vụ tai nạn.
Các quan chức Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết 2 hộp đen (bộ ghi dữ liệu chuyến bay và bộ ghi âm buồng lái của máy bay) đã được chuyển đến một trung tâm nghiên cứu tại sân bay quốc tế Gimpo của Seoul để phân tích. Bộ này cũng cho biết cuộc điều tra về vụ tai nạn có thể mất nhiều tháng.
Đại diện Jeju Air cho biết vụ tai nạn không phải do "bất kỳ vấn đề bảo dưỡng nào", theo hãng thông tấn Yonhap. Trả lời đài BBC, chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas khẳng định các hãng hàng không của Hàn Quốc được coi là tuân thủ "thông lệ tốt nhất của ngành" và các máy bay và Jeju Air đều có "hồ sơ an toàn tuyệt vời".
Rào chắn bê tông
Ngày 30-12-2024, các quan chức Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết họ sẽ kiểm tra hàng rào mà máy bay đâm vào, vì hàng rào đáng lẽ có thể được làm bằng vật liệu nhẹ hơn, dễ vỡ hơn khi bị va chạm. Họ cho biết cũng đang cố gắng xác định xem có bất kỳ vấn đề liên lạc nào giữa các kiểm soát viên không lưu và phi công hay không.
Hàng rào có một bộ ăng-ten được thiết kế để hướng dẫn máy bay hoạt động an toàn trong quá trình hạ cánh.
"Thông thường, tại cuối đường băng tại sân bay thì sẽ không có bức tường. Sân bay thường có một hệ thống vật liệu giữ [ở cuối đường băng] cho phép máy bay lún xuống đất một chút [để làm chậm máy bay lại nếu chạy vượt qua phần cuối đường băng] – ông Christian Beckert, chuyên gia an toàn bay và là phi công của hãng hàng không Đức Lufthansa, cho biết.
Chim và thời tiết
Ông Lee Jeong-hyun – giám đốc cơ quan cứu hộ Muan – cho rằng việc va chạm với chim và thời tiết xấu có thể đã góp phần gây ra vụ tai nạn. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng nguyên nhân vẫn đang được điều tra.
Theo BBC News, một hành khách trên chuyến bay đã nhắn tin cho người thân trước khi xảy ra thảm họa và nói rằng một con chim "bị kẹt trong cánh máy bay" và khiến máy bay không thể hạ cánh, nhưng các quan chức vẫn chưa xác nhận liệu có bất kỳ vụ va chạm nào với chim hay không.
Ông Geoffrey Thomas cho rằng rằng chỉ riêng một vụ va chạm với chim cũng có thể gây ra vụ tai nạn chết người này.
Càng đáp máy bay
Các chuyên gia cho biết video về vụ tai nạn cho thấy các cánh tà của máy bay dường như đã không hoạt động khi máy bay đáp xuống, trong khi các cánh tà này có thể giúp làm chậm tốc độ máy bay. Điều này cho thấy máy bay có thể đã mất áp suất thủy lực dùng để điều khiển các thiết bị cơ học.
Các chuyên gia về hệ thống điều khiển thủy lực cho biết sự cố động cơ khó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của của bộ phận áp suất thủy lực.
Máy bay cũng có chế độ thủ công để phi công hạ càng đáp trong trường hợp hỏng hóc điện tử hoặc cơ học. Theo CBS News, các thông tin hiện tại vẫn chưa thể kết luận càng đáp máy bay không hoạt động là do phi công không có thời gian để vận hành hệ thống thủ công hay có yếu tố nào khác ngăn cản họ làm điều này.
Ông Robert Sumwalt – cựu chủ tịch của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ – cho biết: "Tôi đã làm cơ trưởng máy bay 737 trong 10 năm và tôi có thể nói rằng càng đáp có thể được điều khiển thủ công. Vì vậy, câu hỏi thực sự là điều gì đã thiết lập chuỗi sự kiện này? Liệu có phải do va chạm với chim khiến phi hành đoàn bị vội vã và không thể triển khai càng đáp?”.
Boeing
Thảm kịch máy bay Hàn Quốc khép lại năm 2024 đầy rắc rối đối với gã khổng lồ Boeing, vốn đang phải đối mặt nhiều vấn đề liên quan độ an toàn máy bay, cuộc đình công của thợ máy và giá cổ phiếu lao dốc. Sau vụ việc, giá cổ phiếu của Boeing đã giảm hơn 2%.
Các chuyên gia cho biết máy bay 737-800 là mẫu máy bay đã được chứng minh có độ an toàn cao hơn so với dòng máy bay 737 Max – dòng máy bay liên quan các vụ tai nạn chết người vào năm 2018 và 2019.
Tuy nhiên, nhà chức trách Hàn Quốc cho biết họ sẽ tiến hành kiểm tra an toàn đối với tất cả máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không trong nước khai thác, bao gồm 39 máy bay do Jeju Air khai thác. Các chuyên gia từ Boeing cũng đã đến Hàn Quốc để hợp tác điều tra.