5 chủ đề chi phối chứng khoán châu Á năm 2025

Cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với nỗ lực kích thích tiêu dùng nội địa của Bắc Kinh sẽ tác động mạnh đến các thị trường chứng khoán châu Á trong năm nay.

Bên cạnh đó, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc cũng có khả năng ảnh hưởng đến các tài sản trong khu vực, theo nhận định từ các cây bút bình luận kinh tế của hãng tin Bloomberg.

Bảng điện tử hiển thị mức điểm đóng cửa của các chỉ số chứng khoán ở Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: Ảnh: AFP

Bảng điện tử hiển thị mức điểm đóng cửa của các chỉ số chứng khoán ở Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: Ảnh: AFP

Cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thử thách bất cứ hy vọng nào về đà tăng giá của chứng khoán châu Á trong năm nay. Dù vậy, các biện pháp kích thích của Bắc Kinh nhằm vực dậy nhu cầu nội địa sẽ tác động mạnh đến chứng khoán trong khu vực.

Kế hoạch áp thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với hàng hóa từ các đối tác thương mại trên toàn cầu và rủi ro Fed giảm tốc độ hoặc đảo ngược nới lỏng tiền tệ có thể kìm hãm triển vọng tăng giá của các tài sản ở châu Á.

Hai yếu tố này có thể khiến chỉ số chứng khoán MSCI- châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục kém hiệu suất so với chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ.

Nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao các diễn biến chính trị ở Hàn Quốc và động thái của BoJ cũng như các ngân hàng trung ương khác.

Chờ đợi gói kích thích tiêu dùng của Trung Quốc

Sau khi hiệu ứng tích cực của động thái kích thích kinh té gần đây đối với trường chứng khoán Trung Quốc lắng xuống, nhà đầu tư đang ngóng chờ giới chức trách đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và công bố kế hoạch chi tiết để vực dậy nhu cầu tiêu dùng nội địa tại kỳ họp thường niên của Quốc hội vào tháng Ba tới.

Những biện pháp kích tiêu dùng mà Bắc Kinh có thể triển khai là chương trình trợ cấp và tặng phiếu giảm giá khi mua hàng cho người tiêu dùng, tăng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ ngành bất động sản, theo nhận định của Mark Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á ở chi nhánh Singpore của ngân hàng Bank Julius Baer (Thụy Sĩ).

Dù kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung ra thêm chính sách hỗ trợ, nhà đầu tư vẫn lo lắng về sức mạnh phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bất kỳ chương trình kích thích mới nào của Bắc Kinh cũng sẽ thúc đẩy dòng tiền chảy vào các thị trường chứng khoán mới nổi có mối quan hệ kinh tế chắt chẽ với Trung Quốc/

Tình trạng không chắc chắn về thuế quan sắp tới của Mỹ

Tình trạng không chắc chắn về chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất đối với các thị trường cổ phiếu ở châu Á.

Vị tổng thống tương lai của nước Mỹ có kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩ từ tất cả các đối tác thương mại, bao gồm cả đồng minh. Điều này có thể gây tổn thương lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp và làm đảo lộn các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một số lĩnh vực có thể chịu áp lực bao gồm năng lượng tái tạo cũng như các nhà sản xuất chip và chuỗi cung ứng liên quan ở châu Á.

Theo Xiao Feng, đồng giám đốc nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc của công ty môi giới CLSA Hong Kong, thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc, vốn đã bị đánh thuế 100% dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, có thể chỉ có tác động hạn chế vì Mỹ chỉ chiếm chưa đến 1% kim ngạch xuất khẩu xe điện của Trung Quốc.

Nhưng chuyên gia này lưu ý, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô xuất khẩu sang Mexico và Canada có thể nhận được ít đơn hàng hơn nếu ông Trump quyết định áp thêm thuế đối với hai nước này.

Mặt khác, các thị trường chứng khoán ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á đang được hưởng lợi khi các công ty đa dạng hóa sản xuất trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ leo thang. Nhà đầu tư sẽ theo dõi các động thái chính sách của ôngTrump khi họ chuẩn bị mua vào cổ phiếu ở những thị trường có khả năng hưởng lợi hơn nữa từ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lộ trình lãi suất của Fed

Trong cuộc họp chính sách gần đây, Fed báo hiệu sẽ thận trọng về việc tiếp tục giảm lãi suất, tạo điều kiện cho đợt tăng giá của đồng đô la kéo dài cho đến ít nhất quí 1 năm nay. Điều đó chắc chắn sẽ gây áp lực giảm giá đối với các đồng tiện và cổ phiếu ở châu Á.

Sức mạnh của nền kinh tế và các chính sách có khả năng gây gián đoạn thương mại của ông Trump cũng có thể s đẩy lạm phát của Mỹ tăng cao, làm suy yếu triển vọng hạ chi phí vay của các ngân hàng trung ương trong khu vực.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ sắp tới đối với châu Á và các chính sách trong nước khác có thể tác động đến đồng đô la và triển vọng lãi suất của Fed”, Jack Siu, giám đốc quản lý danh mục đầu tư phụ trách thị trường châu Á của ngân hàng Lombard Odier nói.

Tuy nhiên, các nhà chiến lược ở Phố Wall nhận định, sức mạnh đồng bạc xanh đã đạt đỉnh điểm vào cuối năm trong bối cảnh lãi suất thực của Hoa Kỳ giảm và khẩu vị tài sản rủi ro được cải thiện. Nếu nhận định này đúng, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào chứng khoán châu Á có thể tăng vào nửa cuối năm nay.

Khả năng BoJ trì hoãn tăng lãi suất

Các nhà kinh tế đã đẩy lùi kỳ vọng về đợt tăng lãi suất tiếp theo của BoJ từ tháng Một sang tháng Ba sau những phát biểu ôn hòa của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda hồi tháng trước. Nhà đầu tư cũng đã giảm cược vào mức tăng giá sắp tới của đồng yen sau khi đồng tiền này giảm 10% so với đô la Mỹ trong năm 2024.

Một đồng nội tệ yếu hơn sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, chẳng hạn nhà sản xuất sản phẩm công nghệ và ô tô. Hiệu suất của thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến chỉ số MSCI châu Á, nơi cổ phiếu của Nhật Bản chiến tỷ trọng lớn nhất, gần 32%.

Việc BoJ trì hoãn tăng lãi suất cũng có thể làm chậm quá trình rút lui khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất tập trung vào đồng yen. Bất kỳ sự thay đổi kế hoạch chính sách nào nữa của BoJ sẽ có tác động vượt ra ngoài Nhật Bản và châu Á. Điều này là vì doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản là những người tích cực mua tài sản ở nước ngoài, trong khi đó, đồng yen là loại tiền tệ quan trọng trên toàn cầu.

Diễn biến khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc

Triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vẫn bấp bênh khi đất nước này đang vật lộn với những bất ổn chính trị và kinh tế dâng cao. Hàn Quốc đã giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay xuống còn 1,8% sau khi đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2024 để phản ánh hậu quả từ cơn hỗn loại chính tri sau hành động ban hành thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol, người đang đối mặt với lệnh bắt giữ để luận tội.

Điều đó làm tăng nguy cơ thị trường chứng khoán của nước này, vốn nằm trong số những thị trường có hiệu suất tệ nhất trên toàn cầu vào năm ngoái, tụt hậu hơn nữa so với đối thủ công nghệ Đài Loan. Đồng won đang dao động gần mức thấp nhất trong 15 năm so với đô la Mỹ. Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có thể làm hỏng nỗ lực cải thiện quản trị doanh nghiệp để cải thiện mức định giá thấp lâu năm của thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

Nhà nhà đầu tư sẽ theo dõi xem Tòa án hiến pháp Hàn Quốc có ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon vĩnh viễn hay không. Nếu tòa quyết định rằng, kiến nghị luận tội của Quốc hội với ông Yoon là hợp pháp và có giá trị, ông sẽ bị cách chức, kích hoạt một cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày.

Theo Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/5-chu-de-chi-phoi-chung-khoan-chau-a-nam-2025/