5 cơ hội lớn khi Việt Nam xây dựng thành công Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là một trong những đột phá về thể chế, giúp giải phóng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI

Sáng 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó lường. Hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại, thế giới đang có nhu cầu phát triển các trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách, khác biệt với những trung tâm tài chính truyền thống.

"Do đó, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để tham gia cuộc chơi này, thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý mở, ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, TP HCM và Đà Nẵng đã hội tụ nhiều yếu tố nền tảng để phát triển một Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế," ông Nguyễn Chí Dũng phân tích.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đây là vấn đề không mới trên thế giới nhưng với Việt Nam là vấn đề khó và chưa có tiền lệ. Do đó, cơ hội lớn sẽ đi kèm với thách thức lớn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được 5 cơ hội.

Một là, kết nối với thị trường tài chính toàn cầu.

Hai là, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu.

Ba là, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước;

Bốn là, tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế;

Năm là, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định vị thế là một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.

Giải pháp trọng điểm cần tập trung thực hiện ngay trong năm 2025

Sau khi Bộ Chính trị ban hành kết luận về đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 Bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tiếp tục triển khai kết luận của Bộ Chính trị về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm cần tập trung thực hiện ngay trong năm 2025.

Đối với TP HCM, TP Đà Nẵng cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống...

Đồng thời, tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại trung tâm tài chính của các địa phương.

Đối với các đối tác quốc tế, đề nghị hỗ trợ các Bộ, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành trung tâm tài chính.

Hỗ trợ đề xuất, kiến nghị các chính sách, định hướng cụ thể đối với các nhóm chính sách tại Đề án, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đảm bảo tính đột phá của trung tâm tài chính tại Việt Nam. Hỗ trợ huy động nguồn lực đầu tư và phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò được giao là cơ quan chủ trì, cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế, thực hiện tốt trách nhiệm điều phối để hoàn thiện Nghị quyết Quốc hội, thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo chỉ đạo.

"Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương và sự phối hợp của các đối tác trong và ngoài nước, trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu," Bộ trưởng nói.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/5-co-hoi-lon-khi-viet-nam-xay-dung-thanh-cong-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-37214.html