5 cơ hội lớn khi Việt Nam xây dựng thành công Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được 5 cơ hội, bao gồm kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, sáng 4/1.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại; thế giới đang có nhu cầu phát triển các Trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách, khác biệt với những Trung tâm tài chính truyền thống. Thông qua đó, tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển, đồng thời cũng bổ trợ và tạo ra lợi ích cộng hưởng, đóng góp cho sự phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu.
Do vậy, các Trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam có cơ hội vàng để tham gia vào “cuộc chơi” này, thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý mở, ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế để trở thành “sân chơi” cho các nhà đầu tư tài chính hàng đầu.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng đã hội tụ nhiều yếu tố nền tảng để phát triển một Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, được đánh giá là một trong những Trung tâm tài chính mới nổi, trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Quyết tâm này không chỉ phản ánh khát vọng của Việt Nam, mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng nêu rõ, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đây là vấn đề không mới trên thế giới nhưng với Việt Nam là vấn đề khó và chưa có tiền lệ. Do đó, cơ hội lớn sẽ đi kèm với thách thức lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được 5 cơ hội.
Cụ thể là: (i) kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; (ii) thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; (iii) cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; (iv) tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (v) góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định vị thế là một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai kết luận của Bộ Chính trị về Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, vào ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 Bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các Trung tâm tài chính tại Việt Nam, tập trung vào 5 trọng tâm.
Đó là phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu; thu hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới; thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech), và quản lý rủi ro tài chính; mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia các chuẩn mực tài chính quốc tế; bảo vệ an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành các Quyết định thành lập và phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế nhằm thống nhất định hướng, đưa ra các quyết sách lớn, điều phối bảo đảm vận hành các Trung tâm tài chính thông suốt, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Để tiếp tục triển khai kết luận của Bộ Chính trị về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm cần tập trung thực hiện ngay trong năm 2025.
Đối với các Bộ, ngành, Cơ quan Trung ương, đề nghị chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, tập trung hoàn thiện các nhóm chính sách tại Đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt, đảm bảo phù hợp với điều kiện sẵn có, thông lệ của các Trung tâm tài chính trên thế giới và các cam kết quốc tế của Việt Nam; chủ động đề xuất các chính sách cần thiết để đảm bảo sức cạnh tranh của các Trung tâm tài chính tại Việt Nam; và chủ động đồng hành cùng các địa phương trong quá trình phát triển và vận hành Trung tâm tài chính.
Đối với TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống...; tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại Trung tâm tài chính của các địa phương.
Đối với các đối tác quốc tế, đề nghị hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính; hỗ trợ đề xuất, kiến nghị các chính sách, định hướng cụ thể đối với các nhóm chính sách tại Đề án, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đảm bảo tính đột phá của Trung tâm tài chính tại Việt Nam; hỗ trợ huy động nguồn lực đầu tư và phát triển các Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò được giao là cơ quan chủ trì, cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế, thực hiện tốt trách nhiệm điều phối để hoàn thiện Nghị quyết Quốc hội, thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo chỉ đạo”, Bộ trưởng khẳng định.