5 công nghệ cổ đại truyền cảm hứng cho đổi mới hiện đại

Khi nghĩ đến sự đổi mới ta thường cho rằng phải là thứ gì đó mới mẻ chưa từng có trước đây. Nhưng trên thực tế, giới khoa học thường tìm lại công nghệ cổ xưa để tìm cảm hứng cho phát minh trong tương lai.

Tàu chạy bằng sức gió

Gió từng là nguồn năng lượng số 1 của tàu thuyền, cho đến lúc con người quyết định chuyển sang nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu diesel).

Hơn 150 năm sau, công ty vận tải biển Neoliner quay lại với nguồn năng lượng cũ. Tàu hàng Neoliner Origin của họ giương buồm ra khơi - theo đúng nghĩa đen - vào cuối tháng 1.2025 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu dài hơn 137 mét, sử dụng hệ thống buồm 3.000 mét vuông để vận chuyển 5.300 tấn hàng hóa. Chủ tịch Neoline Jean Zanuttini cho biết bằng cách sử dụng sức gió và giảm đôi chút tốc độ, tàu cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu nên lượng khí thải chỉ bằng 1/5 tàu hàng thông thường.

Neoliner Origin là tàu chạy bằng sức gió lớn nhất thế giới - Ảnh: Neoliner

Neoliner Origin là tàu chạy bằng sức gió lớn nhất thế giới - Ảnh: Neoliner

Thu gom sương mù

Các nhà khoa học tại bang California (Mỹ) đang thu sương mù trên địa bàn để lấy nước. Đây là phương pháp đã được cư dân quần đảo Canary sử dụng cách đây hơn 2.500 năm.

Một số địa điểm thu thập đã lấy được hơn 1.800 lít nước trong vài tháng. Công cụ thu sương mù chỉ đơn giản là lưới nhựa làm ngưng tụ nước từ sương. Mặc dù vô cùng khiêm tốn so với nhu cầu sử dụng, nhưng mỗi giọt đều có ích. Nước từ sương mù có thể là nguồn tưới tiêu cho trang trại, giúp giảm bớt tác động của tình trạng khô hạn thường xuyên. Các nhà khoa học đang thử nghiệm sử dụng chúng để chữa cháy cũng như khôi phục rừng.

Nhà thụ động

Nhà thụ động là công trình làm từ đất sét, gỗ, đất nhằm giúp cắt giảm chi phí năng lượng. Tất cả vật liệu đều đã được sử dụng trong nhiều nền văn minh cổ đại, tuy vậy lại tương đối mới mẻ với ngành xây dựng hiện đại.

Công ty NordEst Arquitectura (Tây Ban Nha) xây được rất nhiều nhà thụ động tại làng Rupia. Miquel Rusca và Jordi Riemba - hai kiến trúc sư đứng đầu dự án - cho biết họ đã thành công dùng đất nén, đất sét, bùn hoặc vôi tạo nên công trình phù hợp với môi trường bên ngoài, trong khi bên trong lại có không khí trong lành không độc tố, có tác dụng hút ẩm, hút nhiệt.

Nhà thụ động giúp cắt giảm chi phí năng lượng - Ảnh: NordEst Arquitectura

Nhà thụ động giúp cắt giảm chi phí năng lượng - Ảnh: NordEst Arquitectura

Bê tông bền hơn

Công ty công nghệ Narx lấy cảm hứng từ người La Mã để tạo ra vật liệu xây dựng bền hơn bê tông hiện đại. Sau khi tìm hiểu vì sao vật liệu xây nên công trình thời cổ không dễ bị xuống cấp như bê tông, họ phát hiện bí quyết nằm ở đất sét nạo vét. Thay thế một lượng xi măng nhất định trong hỗn hợp bằng đất sét nạo vét từ sông York không chỉ giúp bê tông bền hơn mà còn giảm gần 50% phát thải carbon của bê tông (cũng như gần 2/3 chi phí).

Đất sét nạo vét vốn bị xem là vô dụng và làm tốn nhiều chi phí xử lý. Lâu nay phương pháp thêm chúng vào thành phần bê tông không được ứng dụng ở quy mô công nghiệp. Narx lên kế hoạch sử dụng vật liệu mà họ phát triển xây nên các cấu trúc mang tên ExoForms, có tác dụng bảo vệ bờ biển và làm nơi sinh sống cho nhiều sinh vật.

Xi măng thu carbon

Lấy cảm hứng từ xã hội cổ đại như Hy Lạp hay Ai Cập, các nhà khoa học đang nghiên cứu một loại xi măng sử dụng magie phosphate. Khi đông cứng lại xi măng hút carbon khỏi khí quyển và giữ lại bên trong vật liệu.

Công nghệ này có thể biến công trình và vật liệu xây dựng vốn là tác nhân góp phần gây ô nhiễm trở thành “đồng minh” trong cuộc chiến chống ô nhiễm.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/5-cong-nghe-co-dai-truyen-cam-hung-cho-doi-moi-hien-dai-231964.html