5 dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDS

Đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV triển khai tại Việt Nam - giải pháp quan trọng để kiểm soát sớm dịch được nhiều quốc gia học tập là một trong 5 dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 mà Bộ Y tế đưa ra.

Thí điểm cấp thuốc điều trị Methadone nhiều ngày tại Lai Châu. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Thí điểm cấp thuốc điều trị Methadone nhiều ngày tại Lai Châu. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Sau gần 35 năm triển khai thực hiện, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu.

Với nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV, trong năm 2024 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt đã đạt được 5 dấu ấn nổi bật được quốc tế ghi nhận.

1. Đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV triển khai tại Việt Nam - giải pháp quan trọng để kiểm soát sớm dịch được nhiều nước học tập

Đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV (PHCR) là một giải pháp quan trọng giúp kiểm soát dịch HIV/AIDS, đặc biệt trong những khu vực có số ca nhiễm gia tăng. Dựa trên tình hình dịch tễ tại địa bàn, sự sẵn có và khoảng trống trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, PHCR có các hoạt động can thiệp nhanh chóng, hiệu quả, tập trung lấp đầy khoảng trống nhằm ngăn chặn kịp thời sự lây lan của HIV trong nhóm nguy cơ cao hoặc khu vực có chùm lây nhiễm.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong triển khai mô hình này và đã chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều hội thảo quốc tế.

Cần Thơ là tỉnh đầu tiên áp dụng mô hình PHCR, cùng với các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cao Bằng. Kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận, với sự giảm số ca HIV phát hiện mới, tăng tỉ lệ kết nối điều trị ARV thành công, tăng tỉ lệ điều trị ARV trong ngày và tăng số người sử dụng PrEP.

Đặc biệt, mô hình phòng khám toàn diện (OSS), nơi cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV và PrEP, đã được triển khai tại một số tỉnh đã giúp cải thiện hiệu quả điều trị và phòng ngừa. Vì vậy, mô hình PHCR đã chứng minh là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp Việt Nam nhanh chóng kiểm soát dịch HIV/AIDS và tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trong tương lai

2. Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 trong đó Dự án 6 Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy do Bộ Y tế phụ trách

Ngày 27/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết 163/2024/QH15 về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 tại Kỳ họp thứ 8, khóa XV, với 94,57% đại biểu tán thành. Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phối hợp các Bộ, ngành giải quyết vấn đề ma túy, đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống ma túy.

Chương trình tập trung khắc phục tồn tại, tiếp nối thành tựu và đáp ứng yêu cầu phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Chương trình gồm 9 dự án trên 3 lĩnh vực: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại do ma túy được triển khai bởi 8 Bộ, ngành. Bộ Y tế phụ trách Dự án 6: Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy, với 6 nhóm giải pháp:

- Tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng các hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy đặc biệt là công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Nâng cao năng lực cán bộ y tế trong chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy, cai nghiện và điều trị nghiện ma túy.

- Thí điểm phương pháp can thiệp mới cho người tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

- Nghiên cứu về các loại ma túy mới.

- Thực hiện nghiên cứu phân tích ma túy trong dịch sinh học để nâng cao chất lượng xác định tình trạng nghiện.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống ma túy.

3. Mở rộng cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone nhiều ngày trên toàn quốc.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, đã đạt hiệu quả rõ rệt với gần 48.000 bệnh nhân tham gia điều trị. Có thể coi đây là một giải pháp vàng về can thiệp giảm tác hại cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Nhằm tạo thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị Methadone, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện đặc biệt ở khu vực miền núi, địa bàn đi lại khó khăn, năm 2021, Bộ Y tế đã thí điểm cấp phát Methadone nhiều ngày tại 6 tỉnh/thành phố, với khoảng 5.000 bệnh nhân tham gia. Sau 4 năm triển khai, kết quả thí điểm nhận được sự hài lòng từ bệnh nhân lẫn gia đình vì tính an toàn, khả thi, hiệu quả cao.

Ngày 28/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), tại Điều 35 có quy định về việc triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc Cục Phòng, chống HIV/AIDS mở rộng triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày trên toàn quốc, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người nghiện.

4. Xây dựng Chương trình chuyển đổi số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2025-2030 hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS

Chương trình được ban hành sẽ đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về chuyển đổi số của Bộ Y tế phân công cho Cục phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2025 - 2030 và Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Chương trình là cơ sở triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực HIV/AIDS, hướng tới chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, trong đó tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, triển khai công việc trên hệ thống văn bản điện tử, xây dựng nền quản trị y tế thông minh; thúc đẩy việc phát triển hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin HIV/AIDS góp phần xây dựng hệ thống phòng, chống HIV/AIDS hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác dữ liệu, kết nối và liên thông dữ liệu để có hệ thống hoàn chỉnh, thống nhất, đưa ra các chỉ số báo cáo của quốc gia, địa phương và các chương trình.

5. Điều trị ARV hiệu quả - Việt Nam tiên phong với K=K (Không phát hiện = Không lây truyền)

K=K là thông điệp có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS. Thông điệp chỉ ra rằng: Nếu người nhiễm HIV duy trì điều trị ARV liên tục, đạt tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu, sẽ không lây truyền HIV qua đường tình dục.

K=K không chỉ nhấn mạnh vai trò của điều trị ARV trong kiểm soát dịch HIV mà còn giúp giảm kỳ thị, tạo thêm niềm tin và sự tự tin cho người nhiễm HIV trong cuộc sống và các mối quan hệ.

Việt Nam là nước tiên phong ở châu Á và nằm trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới (sau Hoa Kỳ và Canada) khởi động Chiến dịch truyền thông K=K từ năm 2019. Việt Nam cũng là nước đầu tiên trong PEPFAR ban hành Hướng dẫn truyền thông K=K, thúc đẩy xét nghiệm HIV sớm, điều trị sớm bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho người nhiễm HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho người âm tính.

Hiện Việt Nam có trên 183.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV. Tỉ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1.000 bản sao/ml) luôn được duy trì trên 98%, dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml) luôn đạt 96% trong các năm gần đây. Điều này cho thấy 96% người bệnh điều trị ARV hiệu quả không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ.

Kết quả này khẳng định hiệu quả của thông điệp K=K nhằm giúp người nhiễm HIV điều trị ARV ngày càng tự tin, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử hỗ trợ chuẩn bị kế hoạch kết hôn, sinh con khỏe mạnh. Đây là thông điệp mang tính nhân văn, là bước tiến quan trọng, thay đổi nhận thức rằng HIV không còn là bệnh nan y mà là bệnh mạn tính có thể điều trị.

Theo VGP News

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/5-dau-an-noi-bat-cua-viet-nam-trong-phong-chong-hiv-aids-34800.htm